Đồng Quỹ phát triển nghề đúc đồng truyền thống

07:01, 31/01/2013

Thôn Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực) từ lâu đã có nghề đúc đồng với sản phẩm chủ yếu là các đồ thờ tự, vật dụng sinh hoạt hằng ngày như nồi, mâm, chảo… Theo các cụ cao tuổi trong thôn, nghề đúc đồng ở Đồng Quỹ đã có từ gần một trăm năm trước. Có thời điểm, cả thôn có trên chục bễ lò đỏ lửa suốt ngày đêm, thu hút hàng trăm thanh niên trai tráng trong vùng về làm. Sản phẩm của thôn Đồng Quỹ rất đa dạng từ mâm, niêu, nồi đến tượng, chuông, khánh, hoành phi, câu đối và cả các nhạc cụ như: thanh la, não bạt, cồng, chiêng… Sau nhiều thăng trầm, những năm gần đây, nghề đúc đồng ở thôn Đồng Quỹ đã dần phục hồi trở lại. Anh Đỗ Văn Nam, người tiên phong trong việc phục hồi và phát triển nghề đúc đồng truyền thống của thôn cho biết: Đúc đồng là nghề gia truyền 4 đời của gia đình tôi. Không cam lòng để nghề gia truyền mai một, năm 1990, tôi mở lò đúc. Thời gian đầu, các công đoạn như làm khuôn, mài, cắt… hoàn toàn thủ công, sản phẩm chủ yếu là các loại hàng thông dụng. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, một số công đoạn đã được máy móc thay thế, sản phẩm của lò đúc đã được đa dạng, thu nhập từ nghề truyền thống cũng cao hơn. Cùng với lò đúc của anh Nam, nhiều hộ trong thôn đã mở lò đúc như các ông: Đỗ Đình Tam, Đỗ Văn Viết, Đỗ Văn Tiên…

Các sản phẩm đúc đồng của làng nghề Đồng Quỹ được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Các sản phẩm đúc đồng của làng nghề Đồng Quỹ được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều lò đúc đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm máy móc, trang bị lò đúc bằng điện, máy đánh bóng sản phẩm, máy làm khuôn để nâng cao năng suất lao động. Hộ anh Nam hiện có 10 lao động thường xuyên, mỗi tháng tiêu thụ từ 4-6 tấn đồng nguyên liệu. Năm 2010, anh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để mua một máy làm khuôn từ Đài Loan (Trung Quốc), đầu tư 1 lò đúc sử dụng điện và các loại máy móc để gia công, hoàn thiện sản phẩm. Nhờ đó, cơ sở sản xuất của anh hiện có thể đúc được các sản phẩm nặng đến 7 tấn, với độ tinh xảo và chính xác cao. Vì thế sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng, từ các loại đồ thờ như hạc, rùa, cuốn thư, đỉnh, lư hương, hoành phi, câu đối, tượng, khánh, chuông… được chạm trổ công phu, tinh xảo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, thôn Đồng Quỹ có trên 10 lò đúc đồng hoạt động thường xuyên, mỗi lò tiêu thụ từ 1-2 tấn đồng nguyên liệu/tháng, thu hút từ 6-10 lao động với thu nhập bình quân từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên và hàng chục lao động thời vụ. Ngoài thôn Đồng Quỹ, nghề đúc đồng truyền thống đã mở rộng ra các thôn khác trong xã, tạo việc làm, thu nhập cho trên 300 lao động thu gom nguyên liệu, cung ứng cho các lò đúc. Mỗi năm các lò đúc trong xã tiêu thụ khoảng 50 tấn nguyên liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, các lò đúc hiện vẫn nằm xen kẽ trong khu dân cư nên ảnh hưởng đến nguồn điện sinh hoạt, ô nhiễm tiếng ồn, khói, bụi… Nghề đúc đồng truyền thống Đồng Quỹ đã có sự phục hồi và phát triển nhưng mới chỉ dừng lại ở quy mô tổ hợp sản xuất nhỏ lẻ. Để đưa nghề đúc đồng ở thôn Đồng Quỹ phát triển bền vững, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2010-2020, UBND xã Nam Tiến đã quy hoạch điểm công nghiệp xã rộng trên 2.000m2 tại khu vực sau đồng thôn Đồng Quỹ và đang tích cực hoàn tất hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để các hộ đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất./.

Bài và ảnh: Thành Trung
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com