Góc nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam

08:01, 28/01/2013

Khép lại năm 2012 với rất nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam bước sang năm 2013 với niềm tin và hy vọng mới. Bạn bè quốc tế vẫn đánh giá cao tinh thần lạc quan của người Việt Nam, nhưng đó không phải là sự lạc quan không có căn cứ. Các chuyên gia, các nhà dự báo tương lai nổi tiếng trên thế giới đã khẳng định, Việt Nam có nhiều lợi thế nổi bật so với các nước bạn…

Một trong những tiêu chí đánh giá một nền kinh tế năng động, đang phát triển mạnh hay không là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP). Trong suốt 20 năm qua, tỷ lệ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt khoảng hơn 7%. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng - không quá nóng đến mức lo ngại và cũng không quá thấp đến mức ì ạch. Một nền kinh tế đi lên gần như từ số 0 sau chiến tranh, không thể phủ nhận đó là thành tựu đáng ghi nhận.

Nếu chỉ tính trong giai đoạn khủng hoảng 5 năm gần đây, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn thuộc tốp khá của thế giới và thuộc tốp cao ở khu vực.

Trong khu vực Đông Nam Á, mức tăng trưởng GDP bình quân của 9 nước thành viên ASEAN (trừ Mi-an-ma) tính theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) từ năm 2007 đến năm 2011 là 4,82%. Mức tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong 5 năm này là 6,56% - cao hơn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, In-đô-nê-xi-a đứng ngay sau Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân 5,92%, tiếp đó là Xin-ga-po với 5,78%, Cam-pu-chia với 5,4%, Phi-líp-pin với 4,64%, Ma-lai-xi-a với 4,4%, Thái Lan với 2,62% và Bru-nây với 0,2%. Lào là quốc gia có mức tăng trưởng bình quân ấn tượng nhất với 7,88%. Như vậy, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng GDP ấn tượng thứ hai trong khu vực, sau Lào.

Điều đáng nói, trong khi các nước trong khu vực có tốc độ tăng trưởng GDP lên xuống thất thường, thậm chí có dấu hiệu giảm phát với mức tăng trưởng âm, trong 5 năm (2007-2011), Việt Nam cùng với In-đô-nê-xi-a và Lào là 3 nước trong khu vực có tốc độ tăng trưởng GDP tương đối ổn định trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế thế giới. Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế thường có mức tăng trưởng GDP gấp hơn 2 lần mức tăng trưởng bình quân của thế giới trong thời kỳ khủng hoảng gần đây.
Riêng trong năm 2012, thống kê và dự báo của Ngân hàng Thế giới cho hay, mức tăng trưởng GDP trung bình của cả thế giới năm 2012 là 2,4%. Sở dĩ gọi đây là mức dự báo vì tổ chức này chưa cập nhật đủ số liệu tăng trưởng GDP thực tế của các quốc gia. Trong khi đó, theo tổng kết bước đầu của Chính phủ Việt Nam, mức tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2012 ước đạt 5,03%. Như vậy, kinh tế Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng gấp hơn 2 lần mức trung bình của cả thế giới.

Trong cuộc Hội thảo quốc tế Dự báo và chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam giai đoạn 2013-2015 được tổ chức mới đây, TS Patrick Dixson - một trong những nhà dự báo, quản trị tư duy chiến lược kinh tế vĩ mô hàng đầu thế giới, Chủ tịch tổ chức Đổi thay thế giới (Global Change) đã tỏ ra ngạc nhiên về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ông nói: “Tôi là người ở ngoài Việt Nam, khi nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, tôi thấy đây là một nền kinh tế có mức tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng xuất khẩu rất đáng ngạc nhiên. Mặc dù kinh tế thế giới đang suy thoái như thế, nhưng mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn rất cao trong suốt 3 năm qua”.

Sản xuất, gia công các sản phẩm da xuất khẩu tại Cty TNHH Yamani Dynasty ở CCN Nam Hồng (Nam Trực). Ảnh: Đức Toàn
Sản xuất, gia công các sản phẩm da xuất khẩu tại Cty TNHH Yamani Dynasty ở CCN Nam Hồng (Nam Trực). Ảnh: Đức Toàn

Tuy có tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng, nhưng mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay còn thấp hơn so với mức trung bình của khu vực. Trong khi không ít người Việt Nam lấy đó làm ưu phiền, thì TS Patrick Dixson lại cho rằng, đó chính là cơ hội và là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Do mức thu nhập bình quân đầu người thấp, nên chi phí nhân công ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, giá nhân công ở Trung Quốc và Thái Lan hiện đang cao gấp đôi giá nhân công ở Việt Nam. Đó là một trong những yếu tố quan trọng được các nhà đầu tư xem xét để quyết định việc xây dựng mới hay dịch chuyển các nhà máy.

Không chỉ có lợi thế nhân công giá rẻ, Việt Nam còn có lợi thế về lực lượng lao động dồi dào. TS Patrick Dixson cho hay, dân số nhiều nước hiện nay đã chuyển sang trạng thái già. Không chỉ ở Mỹ, Anh với 75% tài sản đang nằm trong tay những người già trên 65 tuổi, ngay cả dân số Trung Quốc cũng đang già đi. Trong khi đó, dân số Việt Nam, giống như Ấn Độ, lại rất trẻ và năng động. Với thông số thống kê một phần tư dân số đang có độ tuổi dưới 14, độ tuổi trung bình là 27 và tỷ lệ biết chữ lên tới 94%, TS Patrick Dixson cho rằng, đây thực sự là một lợi thế so sánh của Việt Nam. Các nhà đầu tư luôn quan tâm tới vấn đề này, bởi nhân khẩu học là thước đo đáng tin cậy về khả năng tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ trong 30 năm tới.

Mức tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam như trên góp phần khẳng định rằng, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đang trong giai đoạn phát triển năng động. Cùng với nhân công giá rẻ và dân số trẻ, năng động, đó là lợi thế quan trọng của Việt Nam trong việc thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam quả nhiên có tốc độ tăng trưởng tốt. Số vốn FDI vào Việt Nam năm 1991 là 328, 8 triệu USD, tăng lên thành 3.115 triệu USD vào năm 1997. Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, năm 1998, lượng vốn FDI vào Việt Nam giảm xuống mức 2.367 triệu USD và 2.334 triệu USD vào năm 1999. Sau đó, vốn FDI vào Việt Nam tăng dần đều lên mức kỷ lục 11.500 triệu USD vào năm 2008. Đây là thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Bởi vậy, lượng vốn FDI thực tế rót vào Việt Nam giảm xuống mức 10.000 triệu USD vào năm 2010, sau đó giữ ổn định 2 năm liên tiếp ở mức 11.000 triệu USD và giảm nhẹ vào năm 2012 với tổng mức đầu tư FDI thực tế đạt khoảng 10.460 triệu USD.

Như vậy, trừ giai đoạn khủng hoảng kinh tế chung của khu vực và thế giới, vốn FDI thực tế vào Việt Nam có xu hướng tăng là chủ đạo. Xét về quy mô, số vốn FDI vào Việt Nam năm 2012 tăng 31,813 lần so với năm 1991, tương đương với mức tăng 3.181,3%. Tính ra, trung bình mỗi năm, lượng vốn FDI thực tế vào Việt Nam tăng khoảng 151,5% so với năm gốc 1991. Nếu so sánh 2 năm liên tiếp, không ít lần số vốn FDI đầu tư thực tế vào Việt Nam tăng gần 200%. Cá biệt, năm 1994, số vốn FDI vào Việt Nam tăng tới 200,6% so với năm 1993. Lần tăng ấn tượng gần đây nhất là từ năm 2006 sang năm 2007 với mức tăng 195,9%.

Số liệu FDI nêu trên được chúng tôi trích dẫn và tính toán theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Đề cập tới vấn đề này, TS Patrick Dixson cũng tỏ ra hết sức ấn tượng. Theo đó, chỉ trong 25 năm qua, Việt Nam đã nhận được hơn 200 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Với so sánh thú vị, xét trên tỷ lệ GDP, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn hơn 5 lần so với Trung Quốc hay Ấn Độ trong 5 năm qua, TS Patrick Dixson đã đưa ra dự báo “sẽ có dòng vốn khổng lồ rót vào Việt Nam ở thập kỷ tới trong tất cả các lĩnh vực”.

Với tất cả những lợi thế nêu trên, cộng với những lập luận chặt chẽ khác, TS Patrick Dixson đưa ra dự báo, tuy sẽ trải qua những thời điểm khó khăn, những điều chỉnh mang tính chu kỳ của nền kinh tế, nhưng xu thế chủ đạo trong 30 năm tới của Việt Nam vẫn là tăng trưởng ngoạn mục ngang với mức tăng trưởng trung bình trong 20 năm trở lại đây, khoảng 7,1%.

Tuy có những góc nhìn rất lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong thời gian qua và triển vọng phát triển lâu dài của Việt Nam trong thời gian tới, nhưng chúng ta cũng vẫn nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục để nâng cao hơn nữa lợi thế so sánh của mình.

Trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức cuối tháng 12-2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói, chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không chỉ cần nguồn nhân lực giá rẻ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, nhũng nhiễu cũng được Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận là những yếu tố làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn.

Nếu những hạn chế, yếu kém trên sớm được khắc phục, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chắc chắn sẽ được nâng lên. Điều quan trọng là khi môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, các nguồn lực trong nước cũng sẽ bung ra mạnh mẽ hơn. Đó sẽ là “bệ phóng” vững chãi đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững hơn./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com