Người tiêu dùng đang rất lo ngại trước thông tin về thịt lợn siêu nạc có chứa hóa chất độc hại. Nỗi lo này càng tăng khi mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phát hiện 36kg chất tạo nạc và nguyên liệu, trong đó có 24kg được đóng gói thành phẩm với tên gọi “Super tạo nạc” được coi “thần dược siêu tạo nạc” có chất họ ß-agonist-một loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi... Sự việc trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng chất cấm để nuôi lợn.
Chưa có những thống kê cụ thể nhưng theo phân tích của các nhà chuyên môn, thịt lợn có sử dụng loại chất cấm này gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe người dùng, đặc biệt là những người bị bệnh tim mạch... Thịt lợn là một nguồn thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của các gia đình. Chính vì thế, nguồn thịt từ những trang trại chăn nuôi theo kiểu "công nghệ tạo nạc" như trên có ảnh hưởng nghiêm trọng cho xã hội...
Để ngăn chặn tình trạng trên có ý kiến cho rằng, trước hết phải ngăn chặn được nguồn cung cấp loại chất cấm này trước khi nó đến với người nuôi lợn. Nhưng xem ra việc này không mấy hiệu quả, bởi lẽ, các đối tượng buôn bán, sử dụng chất cấm này có vô số thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng. Họ chẳng dại gì mà cho chất cấm vào bao cám rồi đem bán, hay trộn lẫn vào cám đóng bao để cho lợn ăn dần, bởi làm như thế chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”. Đó là chưa kể theo quan sát của người dân, có những trường hợp người buôn bán chất “siêu tạo nạc” đồng thời kiêm luôn nghề thương lái lợn. Họ chia nhỏ hàng đưa đến tiếp thị cho từng chủ trang trại, và chất cấm được bỏ trực tiếp vào máng rồi trộn lẫn với cám cho lợn ăn ngay nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện...
Dư luận cho rằng, cần phải coi những người chăn nuôi kiểu này cũng là một dạng tội phạm và phải có ngay các biện pháp ngăn chặn, xử lý. Nhưng trước hết các nhà chuyên môn cần phổ biến, trang bị cho người tiêu dùng những kiến thức, kinh nghiệm để có thể phân biệt thịt lợn an toàn với thịt sử dụng chất cấm. Về lâu dài, vẫn phải quan tâm đến biện pháp tuyên truyền giáo dục, nhưng không thể hô hào đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội một cách chung chung. Người chăn nuôi cần được phổ biến, hướng dẫn ứng dụng các thành tựu khoa học trong chăn nuôi, trong bảo quản và chế biến thức ăn gia súc an toàn... Kiên trì thực hiện đồng bộ những biện pháp trên, chúng ta mới có thể xây dựng được đạo đức của người chăn nuôi - không chạy theo lợi nhuận mà hy sinh lợi ích của cộng đồng./.
Theo: qdnd.vn