Sau hơn một năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), 9 xã, thị trấn được chọn làm điểm của huyện Nghĩa Hưng là Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Nghĩa Thái, Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hồng, Thị trấn Quỹ Nhất đã làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương xây dựng NTM, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng NTM. Qua đó công tác xây dựng NTM ở Nghĩa Hưng đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động được sự tham gia chủ động, tích cực, tự giác của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.
Trường Tiểu học Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đạt chuẩn quốc gia mức độ II năm học 2011-2012 (Trong ảnh: Thầy và trò nhà trường tìm hiểu tài liệu ôn tập trong thư viện của trường). Ảnh: Hồng Minh |
Trong triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Nghĩa Hưng chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện theo đúng quy trình. Đến hết tháng 12-2011, các xã, thị trấn trong huyện đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch chung, đề án xây dựng NTM được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM, quy hoạch sử dụng đất cấp xã đến năm 2020; hoàn thành phê duyệt đề án dồn điền đổi thửa cho 10 xã điểm, trong đó, các xã tổ chức đo giao ruộng trên thực địa hoàn thành trước tháng 1-2012. Trong 9 xã, thị trấn triển khai xây dựng NTM ở Nghĩa Hưng, xã Nghĩa Phong được đánh giá cao về công tác quy hoạch và triển khai thực hiện theo quy hoạch, đề án đã được UBND huyện phê duyệt. Đồng chí Hà Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để công tác quy hoạch có hiệu quả, quy hoạch của xã phải gắn kết với quy hoạch của huyện, phù hợp với tầm nhìn của tỉnh và khu vực đến năm 2020. Sau khi dự thảo quy hoạch, xã phổ biến rộng rãi các thông tin về quy hoạch; tổ chức cho nhân dân bàn và tham gia quy hoạch để tạo sự nhất trí cao trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Các hộ dân đều tự giác điều chỉnh vườn, nhà của mình theo quy hoạch chung của xã; người dân quyết định mức đóng góp xây dựng các công trình của thôn, xã; cử đại diện tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã… Theo đề án xây dựng NTM ở Nghĩa Phong trong dự toán tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, 2 nhóm công trình do nhân dân thực hiện và Nhà nước hỗ trợ là hơn 41 tỷ đồng (cải tạo, nâng cấp, làm mới 16,6km đường bê tông trong khu dân cư của 15 thôn; mở rộng các tuyến đường ra đồng (gần 40km); kiên cố hóa kênh mương cấp 3 trong khu dân cư…). Để triển khai các nhóm công trình, 100% hộ gia đình ở Nghĩa Phong đã nhất trí đóng góp kinh phí, ngày công, hiến đất với bình quân mức đóng góp toàn xã là hơn 1,2 triệu đồng/khẩu.
Với phương châm “19 tiêu chí là đích hướng tới; quy hoạch là tiền đề, phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu; lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng là động lực; sự đồng lòng góp sức của cộng đồng dân cư là bí quyết thành công”, 9 xã, thị trấn triển khai xây dựng NTM ở Nghĩa Hưng đã đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, đồng thời tiến hành dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng để sản xuất nông sản hàng hóa. Các xã đạt nhiều tiêu chí đều tiến hành làm từ ngoài đồng vào trong làng; từ ngõ xóm làm lên trung tâm xã; xã đảm nhiệm làm các công trình ở khu trung tâm và thôn huy động sức dân làm công trình của thôn; các hộ dân đảm nhận cải tạo nhà ở, ao, vườn, công trình vệ sinh, giải phóng mặt bằng đường xóm. Đến nay, toàn huyện đã triển khai 532 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó, đã hoàn thành 508 công trình. Cụ thể, đã thực hiện cứng hóa, đắp nền 57km đường ra đồng; nâng cấp hơn 31km đường trục thôn, xóm; “cứng hóa” trên 5km kênh cấp 3; thực hiện 404 công trình nạo vét kênh mương nội đồng; xây mới và nâng cấp 22 nhà văn hóa. Năm 2011, kết quả huy động vốn đầu tư cho xây dựng NTM đạt 49 tỷ 150 triệu đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ là 18 tỷ 390 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp là 17 tỷ 894 triệu đồng, vốn chương trình lồng ghép là 11 tỷ 986 triệu đồng. Xét theo 19 tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay huyện Nghĩa Hưng có 2 địa phương đạt từ 13-16 tiêu chí là xã Nghĩa Sơn và Thị trấn Quỹ Nhất, còn 7 xã đạt từ 8-10 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người của 9 xã triển khai xây dựng NTM đạt gần 15 triệu đồng/người/năm. Trong các xã, thị trấn triển khai xây dựng NTM thì 100% các xã đạt chuẩn tiêu chí về: quy hoạch (tiêu chí 1), điện (tiêu chí 4), bưu điện (tiêu chí 8), hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí 13), giáo dục (tiêu chí 14), y tế (tiêu chí 15), hệ thống tổ chức chính trị (tiêu chí 18), an ninh trật tự xã hội (tiêu chí 19). Cùng với việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo sự đổi thay về diện mạo của nông thôn, huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản, dịch vụ du lịch… được tăng cường. Mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở Nghĩa Hưng đang khá phát triển; toàn huyện hiện có hơn 400 hộ nuôi gia cầm có quy mô từ 200 con trở lên; 74 trang trại nuôi thủy sản có quy mô từ 2ha trở lên. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống và du nhập thêm một số nghề mới, phấn đấu tất cả các xã, thị trấn đều có làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý theo tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, trên địa bàn huyện có 184 doanh nghiệp phát triển nghề sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa và đóng mới tàu thủy, chế biến các sản phẩm từ cói. Đến hết năm 2011, huyện đã tổ chức 31 lớp dạy nghề cho 937 lao động nông thôn theo Đề án 1956; mở 55 lớp tập huấn cho 1.800 người về NTM và dồn điền đổi thửa; hỗ trợ phát triển sản xuất 345ha lúa chất lượng cao, cây vụ đông trên chân 2 lúa.
Kết quả xây dựng NTM ở Nghĩa Hưng là sự huy động sức mạnh tổng hợp, kết hợp giữa nội lực và ngoại lực, mỗi địa phương, thôn, xóm và người dân là chủ thể, không trông chờ, ỷ lại. Các nguồn vốn triển khai huy động đa dạng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước với chương trình mục tiêu quốc gia; thu hút, huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp để đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ…; huy động sự đóng góp của người dân phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa phương. Phân công cán bộ phụ trách công việc cụ thể và bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ xã, thôn; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động./.
Việt Thắng