Hiệu quả bước đầu từ đề án kiểm soát, nâng cao chất lượng dân số vùng biển ở Nghĩa Hưng

07:03, 08/03/2012

Xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng) có 596 hộ với 2.072 khẩu. Là vùng quê biển, cuộc sống của người dân chủ yếu làm nghề sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản nên nhiều người có tâm lý thích nhiều con, nhất là con trai. Chị Nguyễn Thị Hường, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: Xã có 8 xóm nhưng trước đây chỉ có 4 cộng tác viên dân số nên việc vận động, tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về KHHGĐ gặp khó khăn. Từ tháng 9-2009, xã được triển khai Đề án 52 của Chính phủ về “Kiểm soát, nâng cao chất lượng dân số các vùng biển, đảo, ven biển”. Ngay sau khi đề án được triển khai, công tác tuyên truyền về công tác dân số - KHHGĐ ở xã được đẩy mạnh với nhiều hình thức: cổ động trực quan bằng hệ thống panô, ápphích, khẩu hiệu; cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên dân số trực tiếp đến các gia đình tuyên truyền, vận động; tổ chức nói chuyện chuyên đề trong các buổi họp xóm, sinh hoạt CLB của phụ nữ. Mỗi năm, vào 2 đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, người dân đều được cấp phát thuốc miễn phí, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Cơ quan y tế tổ chức dịch vụ KHHGĐ vào ngày 25 hằng tháng cho các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. Nhờ đó, sức khỏe sinh sản của người dân trong xã đã được cải thiện đáng kể, nhận thức về việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ được nâng cao. Nếu như năm 2009 xã vẫn có tới 6-7 trường hợp vi phạm chính sách dân số thì đến năm 2010 chỉ còn 2 trường hợp, năm 2011 chỉ còn 1 trường hợp.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng 100 (Nghĩa Hưng) tư vấn và cấp phát thuốc cho nhân dân tại Trạm Quân dân y kết hợp. Ảnh: Lã Hữu Vũ (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh)
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng 100 (Nghĩa Hưng) tư vấn và cấp phát thuốc cho nhân dân tại Trạm Quân dân y kết hợp. Ảnh: Lã Hữu Vũ (Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh)

Không chỉ riêng xã Nghĩa Phúc, ở các xã Nghĩa Thắng, Nam Điền, Nghĩa Hải, Thị trấn Rạng Đông được triển khai thực hiện Đề án 52, công tác dân số - KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân đã được tăng cường, sự gia tăng dân số đã được kiểm soát. Với đặc điểm dân cư phân bố không đồng đều, trải dài trên 30km theo cửa sông và ven biển nên việc quản lý hộ khẩu và thực hiện KHHGĐ ở các địa phương trên gặp nhiều khó khăn. Khi được tiếp nhận, triển khai thực hiện Đề án 52, ngành Y tế của huyện đã kịp thời tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền ra văn bản hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh thực hiện công tác KHHGĐ, xây dựng và củng cố các cụm panô tại các xã ven biển; tăng cường thời lượng phát sóng trên hệ thống đài phát thanh huyện, truyền thanh xã về chính sách dân số, nhất là vào các đợt truyền thông gắn với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện còn trực tiếp về 2 xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện KHHGĐ. Huyện đã thành lập đội lưu động y tế - KHHGĐ về các xã tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và thực hiện dịch vụ KHHGĐ. Hoạt động của đội lưu động y tế - KHHGĐ ưu tiên phục vụ các xã ven biển, xã có đông người nhập cư vào mùa khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Tại 5 xã, thị trấn thụ hưởng Đề án 52, hằng tháng, cán bộ chuyên trách dân số và đội ngũ cộng tác viên dân số đều thu thập, cập nhật các thông tin như: Số dân đầu vào, mới sinh, mới đến, hộ mới, các thông tin biến động, thay đổi các biện pháp tránh thai… gửi Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện kiểm tra và cập nhật vào kho dữ liệu điện tử, phục vụ cho việc quản lý, kiểm soát dân số.

Trong quá trình triển khai thực hiện đề án, ngoài vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, có sự “vào cuộc” của các chi bộ, các ban, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội trong các thôn, xóm thông qua việc đẩy mạnh hoạt động CLB “Nam nông dân chủ hộ gia đình thực hiện KHHGĐ” của chi Hội Nông dân; “CLB tiền hôn nhân” của chi Đoàn Thanh niên; “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển” của chi Hội Phụ nữ. Lực lượng BĐBP cũng đã tham gia có hiệu quả vào Đề án 52 bằng những việc làm, mô hình cụ thể, phù hợp. Trên cơ sở khảo sát mô hình “BĐBP giúp dân” của Đồn Biên phòng 100 (Nghĩa Hưng) tại xóm 10, xã Nam Điền, BĐBP tỉnh đã nghiên cứu, đề xuất phối hợp với Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện mô hình “BĐBP đẩy mạnh công tác dân số - KHHGĐ trên khu vực biên giới biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2015”. Đồn Biên phòng 100, đơn vị thực hiện điểm mô hình này đã phát huy thế mạnh của Trạm quân dân y kết hợp, thường xuyên tư vấn cung cấp dịch vụ về sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và tham gia phòng chống dịch bệnh ở địa phương; đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền chính sách dân số - KHHGĐ đến người dân.

Qua hơn 2 năm triển khai các hoạt động của đề án, nhân dân 5 xã, thị trấn ven biển của huyện Nghĩa Hưng đã được tiếp cận thường xuyên hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ, góp phần vào việc giảm tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng dân số./.

Hồng Hạnh
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com