Đoàn cán bộ Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng quà cho đối tượng nhiễm chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở phường Văn Miếu (TP Nam Định).
Ảnh: Xuân Thu
|
Trước khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin các cấp ở tỉnh ta được thành lập và đi vào hoạt động, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong các phong trào từ thiện, nhân đạo đã vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị tập thể và cá nhân tích cực tham gia ủng hộ, xây dựng "Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam"... Ban chỉ đạo vận động xây dựng quỹ da cam các cấp trong tỉnh đã có kế hoạch vận động xây dựng "Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam" phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng đã phát động các tổ chức thành viên, vận động mỗi đoàn viên, hội viên có một việc làm thiết thực để tham gia ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Các địa phương, cơ sở, các cơ quan đơn vị hàng năm và nhất là trong dịp kỷ niệm "Ngày vì nạn nhân chất độc da cam" đều phát động trong cán bộ, công chức, viên chức trích "ngày lương", "ngày công lao động", mỗi hộ nông dân góp những sản phẩm do mình làm ra, thanh thiếu niên học sinh đã góp tiền tiết kiệm, giấy vụn để ủng hộ Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam. Số tiền, hàng và các trang thiết bị, dụng cụ y tế mà Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam các cấp trong tỉnh đã nhận được trong gần 12 năm qua đạt hơn 11 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ, ban chỉ đạo quỹ các cấp đã tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với đối tượng như: Thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ tết, hoặc nạn nhân ốm đau, tổ chức chăm sóc sức khoẻ, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, trao tặng "Nhà tình nghĩa", "Nhà chữ thập đỏ"; tặng phương tiện làm ăn, phương tiện đi lại như xe đạp, xe lăn, hỗ trợ cho vay vốn không lấy lãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ cải thiện đời sống. Trong 12 năm qua, toàn tỉnh đã có 34365 lượt nạn nhân được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, 906 người được tặng xe đạp, xe lăn, xe lắc, 165 người được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 221 ngôi nhà cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ cho 822 gia đình, bảo trợ thường xuyên và đột xuất cho 170 người; thăm hỏi, tặng quà cho 37635 lượt người, cấp 1183 suất học bổng cho con em nạn nhân chất độc da cam "vượt khó học tập tốt"... với tổng số giá trị tiền và hàng hơn 10 tỷ đồng.
Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8) năm nay, các hoạt động "chung tay xoa dịu nỗi đau chất độc da cam" trên địa bàn tỉnh ta đã được triển khai khá sôi nổi, trong đó "Quỹ bảo trợ nạn nhân" các cấp trong tỉnh đã nhận được sự ủng hộ hơn 300 triệu đồng. Các địa phương, cơ sở đã tổ chức các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam. Toàn tỉnh phấn đấu kết thúc năm 2010 sẽ có 100% số nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, động viên, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần để góp phần "Xoa dịu nỗi đau" do hậu quả tàn khốc của chất độc da cam/điôxin đã để lại sau chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra./.
Quốc Tuấn