Làm gì khi con không đỗ đại học ?

09:08, 06/08/2010

Chuẩn bị sách ôn tập cho con.  Ảnh: Xuân Thu
Chuẩn bị sách ôn tập cho con.               Ảnh: Xuân Thu
Thời điểm báo điểm thi đại học cũng là thời gian các thí sinh trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp mong đợi kết quả 12 năm đèn sách. Bên cạnh niềm vui của các em thi đỗ là tâm trạng buồn chán của những em thi trượt đại học. Không ít em đã có những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Áp lực nặng nề dẫn đến những hành động tiêu cực

"Con cố gắng thi đỗ, cả gia đình, họ hàng trông chờ vào con đấy, đừng để bố mẹ thất vọng" (!). Đó là lời dặn dò của bố mẹ Lan trước khi bước vào kỳ thi đại học. Là con gái duy nhất trong gia đình, được bố mẹ tạo điều kiện lại chăm chỉ, chịu khó, Lan thi đỗ vào lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên của tỉnh. Cả 3 năm học Lan đều đạt học sinh tiên tiến. Kỳ thi đại học năm nay, Lan đăng ký dự thi vào trường Đại học Ngoại thương. Gia đình luôn tin tưởng Lan sẽ thi đỗ. Hôm lên mạng biết kết quả thi, bị thiếu 2 điểm mọi thứ như sụp đổ trước mắt Lan. Về đến nhà, Lan vẫn giấu bố mẹ. Đến bữa ăn cơm, mẹ Lan vui vẻ "Con chị Mai ở cơ quan đỗ vào trường Đại học Kinh tế quốc dân, còn con chị Huệ trượt rồi. Con cái học hành thế, bố mẹ không biết giấu mặt đi đâu"! Rồi mẹ quay sang Lan "Mẹ thấy các cô ở cơ quan bảo có điểm thi vào trường Ngoại thương rồi đấy, tối nay mẹ con mình đi xem nhé!". Những lời nói của mẹ khiến Lan lo sợ và cố kìm những giọt nước mắt. Và cuối cùng em chọn lối thoát là "tự tử". Lan lén lấy lọ thuốc ngủ của mẹ rồi lên phòng riêng viết thư cho bố mẹ với lời xin lỗi và xin bố mẹ tha thứ vì đã không thực hiện được ý nguyện của bố mẹ, sau đó uống liền chục viên thuốc ngủ. Lúc mẹ Lan lên gọi con đi xem điểm thi thì phát hiện con gái đã đang trong tình trạng nguy kịch. Nhìn thấy lọ thuốc để trên bàn, mẹ Lan hốt hoảng gọi bố và đưa Lan đi bệnh viện cấp cứu. Rất may, Lan đã qua được cơn nguy kịch.

Cũng trong tâm trạng như Lan, Hoà biết mình thi trượt trường Đại học Sư phạm đã mấy ngày, mà không dám nói với bố mẹ. Hoà nghĩ "Thế là hết tất cả! Mình đã cố gắng hết sức mà vẫn bị trượt đại học. Rồi mọi người sẽ nhìn mình với ánh mắt thế nào, thật là nhục nhã và xấu hổ (!)". Theo dõi mấy ngày hôm nay, thấy con có biểu hiện khác thường, kém ăn, ít nói cứ về nhà là lên phòng không chuyện trò với ai, linh tính mách bảo, mẹ Hoà đến bên con nhẹ nhàng hỏi: "Con có chuyện gì thế, biết điểm thi rồi hả con?". Hoà thú thật: "Mẹ ơi con trượt rồi, thiếu 3 điểm". Mẹ Hoà buồn lắm nhưng rồi nhẹ nhàng hỏi: "Con biết lý do tại sao con không thành công không? Con hãy học cách đối mặt với thất bại và tìm ra nguyên nhân. Nếu con quyết tâm và có ý chí con cố gắng ôn, sang năm thi tiếp, còn nếu không con học nghề gì đó để lập nghiệp. Con hãy suy nghĩ kỹ và tự quyết định". Nghe mẹ nói, Hoà như được tiếp thêm sức mạnh. Hoà mong ước sẽ tiếp tục ôn để thi vào năm sau.

Cha mẹ nên gần gũi, chia sẻ, định hướng cho con

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều tâm trạng của những thí sinh thi trượt đại học. Thí sinh nào cũng bị áp lực từ phía gia đình và bạn bè. Nhiều em do các bậc cha mẹ quá kỳ vọng và cho rằng con đường vào đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp đã dẫn đến những suy nghĩ và hành động tiêu cực bột phát. Nhiều phụ huynh quá kỳ vọng, áp đặt cho con mà không biết được tâm trạng và nguyện vọng của con đã vô tình tạo áp lực, dẫn đến một số em có những hành động tiêu cực. Các bậc phụ huynh nên tôn trọng lựa chọn và lắng nghe suy nghĩ của con, không nên tạo áp lực quá lớn cho con mà nên định hướng, động viên tạo cho con tâm trạng thật thoải mái và tự tin khi bước vào kỳ thi. Nếu phát hiện sau kỳ thi đại học, con em có dấu hiệu sinh hoạt bất thường như: kém ăn, mất ngủ, hay cáu gắt thì cha mẹ nên gần gũi, động viên, chia sẻ, không nên chì chiết, mắng con, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra./.

Thu Trà

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com