Để thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15-10-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Kế hoạch số 122/KH-UBND ngày 22-10-2021 của UBND tỉnh Nam Định thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành Xây dựng Nam Định cơ bản hoàn thành chuyển đổi số kết nối đồng bộ với tỉnh, các ngành và các huyện, thành phố; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số của ngành Xây dựng Nam Định.
Cán bộ Sở Xây dựng hướng dẫn doanh nghiệp lập tài khoản số định danh để thuận lợi kết nối, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh. |
Thời gian qua, để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, Sở Xây dựng đã áp dụng hiệu quả phần mềm dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); duy trì và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, phủ kín các quy trình giải quyết TTHC trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng. Trong năm 2021, 100% hồ sơ TTHC được giải quyết trước hạn và đúng hạn, không có phản ánh kiến nghị về TTHC; 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Đồng chí Vũ Văn Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Sở Xây dựng chủ trương bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 122/KH-UBND của UBND tỉnh và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng; xác định lộ trình rõ ràng, hợp lý để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành Xây dựng. Bám sát Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp tỉnh và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông liên quan đến công tác chuyển đổi số nhằm bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt, thiết thực, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng nhằm phục vụ cơ quan, tổ chức và người dân được tốt hơn. Trên cơ sở đó, để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số, Sở Xây dựng đã xác định 18 nhóm nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Xây dựng với lộ trình cụ thể. Theo đó, trong năm 2022 Sở Xây dựng tích cực thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số đến các phòng, đơn vị trực thuộc và toàn thể cán bộ, công chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo đủ năng lực để phục vụ chuyển đổi số. Từ năm 2022, Sở Xây dựng giao các Phòng Quản lý xây dựng, Quản lý nhà và Vật liệu xây dựng triển khai số hoá hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng như hệ thống đơn giá nhân công, bảng giá ca máy, đơn giá xây dựng và giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng… Phòng Quản lý nhà và Vật liệu xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu số về nhà ở, các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Điểm nhấn trong kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng trong năm 2022 và những năm tiếp theo là nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin địa lý GIS (hệ thống có chức năng thu thập, lưu trữ, thao tác và phân tích các dữ liệu không gian để phục vụ cho các mục đích khác nhau) phục vụ công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh do Phòng Quy hoạch Kiến trúc thực hiện. Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là hệ thống được thiết kế, xây dựng để quản lý các cơ sở dữ liệu đô thị theo dạng các lớp bản đồ (quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, các công trình hạ tầng, dịch vụ xã hội...) được tích hợp trên nền dữ liệu địa lý quốc gia trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia. Hệ thống sẽ cho phép hiển thị các lớp thông tin đã được sàng lọc, phân tích, tổng hợp, tính toán theo yêu cầu truy cập thông tin của người sử dụng hệ thống. Các tính năng cơ bản của GIS gồm thu thập dữ liệu, lưu trữ, truy vấn, phân tích, hiển thị và truy xuất dữ liệu. Do đó, việc thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS là nền tảng căn bản cung cấp cơ sở dữ liệu để triển khai thực hiện quy hoạch đô thị thông minh, quản lý điều hành đô thị thông minh cũng như tích hợp các tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từ ngày 1-6-2022, Sở Xây dựng đã triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa Sở Xây dựng đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định. Trong đó, cá nhân và tổ chức được định danh số thống nhất trên môi trường điện tử trong các hoạt động giao tiếp với cơ quan Nhà nước trên cơ sở mã số định danh của cá nhân, tổ chức và là cơ sở để thực hiện kết nối, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, Sở Xây dựng khuyến khích cá nhân, tổ chức chủ động lập tài khoản số trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/Cổng Dịch vụ công quốc gia để rút ngắn thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục hành chính. Vướng mắc trong quá trình tạo lập tài khoản số, đề nghị cá nhân và tổ chức liên hệ cán bộ tại bộ phận một cửa của Sở Xây dựng ở Trung tâm Phục vụ hành chính công, Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Nam Định để được hướng dẫn.
Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng dến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, Sở Xây dựng đã đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tính năng động, tiên phong của lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở trong thực hiện chuyển đổi số. Người đứng đầu các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chuyển đổi số tại phòng, đơn vị, lĩnh vực phụ trách; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, xác định rõ nội dung công việc, biện pháp thực hiện, phân công rõ trách nhiệm của từng cán bộ; tăng cường đôn đốc, kiểm tra; gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số hàng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các phòng chuyên môn, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp hoạt động xây dựng và người dân về sự cần thiết, tính cấp thiết của chuyển đổi số. Cử cán bộ tham gia, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, tham mưu cho cấp uỷ, lãnh đạo Sở về chuyển đổi số. Tăng cường hợp tác, nghiên cứu, phát triển và đổi mới, sáng tạo trong môi trường số; chủ động, tích cực tham gia, hợp tác với các tổ chức, cá nhân về chuyển đổi số. Phấn đấu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số dùng chung, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước đối với ngành Xây dựng theo hướng dẫn của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân thực hiện việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu của ngành Xây dựng./.
Bài và ảnh: Thành Trung