Từ nhiều năm nay, tỉnh đã đặc biệt quan tâm thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp thiết lập nền tảng phát triển ngành công nghiệp dược với mục tiêu ưu tiên phát triển nhóm ngành sản xuất dược liệu, thuốc chữa bệnh nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh.
Sản xuất dược phẩm tại Công ty TNHH Nam Dược, KCN Hòa Xá. |
Trong đó, đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hợp tác từng bước thúc đẩy phát triển các vùng trồng dược liệu chất lượng theo quy hoạch vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, quy hoạch phát triển 12 loài dược liệu bản địa (cúc hoa, diệp hạ châu đắng, địa liền, đinh lăng, gấc, hòe, củ mài, hương nhu trắng, râu mèo, ích mẫu, thanh hao hoa vàng, mã đề) và 8 loài nhập nội (bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, địa hoàng, đương quy, ngưu tất, trạch tả) đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1796/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, nhiều địa phương đã thiết lập được các vùng trồng dược liệu thương phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm của tỉnh cũng như các Tập đoàn dược phẩm lớn của quốc gia. Các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy đang đầu tư bảo tồn, phát triển vùng trồng các loại cây thuốc gồm củ gấu biển, diệp hạ châu, sâm đất, sài hồ tại nhiều địa phương; các huyện Vụ Bản, Nam Trực phát triển các vùng trồng đinh lăng, ngưu tất, huyền sâm; các huyện Vụ Bản, Trực Ninh phát triển vùng trồng cây cát cánh; huyện Hải Hậu phát triển các vùng trồng cây dây thìa canh; các huyện Giao Thủy, Xuân Trường phát triển các vùng trồng cây hoa hòe… Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương đã quan tâm định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, từng bước chuyên nghiệp hóa, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển bằng cách hợp tác với các đối tác trong nước và nước ngoài, các viện nghiên cứu, các trường đại học để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh được thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, đến nay, công nghiệp dược hiện đang là một thế mạnh của tỉnh với nhiều Công ty lớn như Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trường Thọ, Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân... Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thiết bị y tế hàng đầu tại Việt Nam. 10 năm trước Công ty đã được Bộ Y tế cấp chứng nhận nhà máy đạt chuẩn GMP và GLP (lần thứ nhất) và đã sớm chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN, phòng kiểm nghiệm thuốc đạt GLP-ASEAN. Công ty có hơn 100 sản phẩm thuốc tân dược, đông dược với nhiều dạng bào chế cùng hệ thống phân phối khắp cả nước. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu về các loại thuốc, đặc biệt dòng thuốc tăng cường đề kháng, khẩu trang và các dụng cụ phòng hộ, trang thiết bị y tế, phòng dịch tăng đột biến đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế không chỉ “sống khỏe” mà còn có cơ hội bứt tốc phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã nhạy bén, biến nguy thành cơ, nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới kịp thời cung ứng, khai thác nhu cầu người tiêu dùng tại thị trường trong và ngoài nước.
Xã Hải Tây (Hải Hậu) phát triển vùng trồng cây sài đất, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp dược. |
Với nền tảng phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế toàn tỉnh, sự nhạy bén đã giúp các doanh nghiệp, Tập đoàn trong và ngoài nước gia tăng hợp tác đầu tư lĩnh vực sản xuất dược phẩm, trang thiết bị y tế. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhóm doanh nghiệp dược phẩm có thương hiệu của tỉnh đã phát triển được nhiều bạn hàng mới trong và ngoài nước; một số doanh nghiệp đã mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu rất nghiêm ngặt như: Mỹ, Đức, Nhật. Đầu tháng 4-2022, Đoàn công tác của Bộ Y tế với sự tham gia của Hiệp hội các doanh nghiệp dược và đại diện một doanh nghiệp dược phẩm lớn đã về khảo sát, xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp dược phẩm tại tỉnh ta.
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận kể trên, ngành công nghiệp dược phẩm của tỉnh cũng đang lộ rõ những điểm yếu lớn tương đồng như các địa phương trên toàn quốc. Năng lực của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế đối với sản xuất các loại thuốc generic, các dạng bào chế đơn giản và thực phẩm chức năng. Với hệ sinh thái thuận lợi, Nam Định có tiềm năng để phát triển các vùng trồng cây dược liệu, tuy nhiên, tỉnh chưa có kế hoạch cụ thể để phát triển các vùng trồng dược liệu quy mô lớn ở cấp quốc gia. Một số doanh nghiệp nội tỉnh, có uy tín, thương hiệu đã quan tâm phát triển các vùng trồng dược liệu riêng nhưng mới chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu. Đáng bàn, hiện các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm vẫn phụ thuộc đến 80-90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ là 2 nguồn cung lớn nhất.
Trước những hạn chế kể trên, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương bám sát chủ trương, chỉ đạo của các cấp trên, đặc biệt là Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành ngày 17-3-2021 tại Quyết định số 376/QĐ-TTg để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dược theo hướng bền vững. Trong đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp tiềm năng trong và ngoài nước tiếp cận quỹ đất tại các khu công nghiệp đã được tỉnh chủ động quy hoạch, bố trí sẵn mặt bằng để đầu tư sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc-xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đầu tư, phát triển chương trình hóa dược để sản xuất nguyên liệu làm thuốc phục vụ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại. Chú trọng khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nội tỉnh đầu tư phát triển sản xuất thuốc trong nước, sản xuất thuốc nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, vắc-xin, sinh phẩm y tế và các sản phẩm từ dược liệu. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương nâng cao tính chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất theo hướng tiếp tục phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc quý, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến đánh giá chất lượng nguồn gen và chọn tạo giống cây thuốc.
Với các biện pháp kể trên kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp dược của tỉnh theo hướng bền vững, sớm đưa Nam Định thành trung tâm công nghiệp dược vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy