Hiệu quả từ kinh tế hộ gia đình ở Mỹ Tiến

06:05, 20/05/2022

Những năm qua, kinh tế xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đây là kết quả từ chủ trương của Đảng ủy, UBND xã về phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế hộ gia đình đóng vai trò chủ đạo tạo ra sự thay đổi lớn trong đời sống người dân nơi đây.

Phát triển trồng ổi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Trần Văn Ấp, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến.
Phát triển trồng ổi mang lại thu nhập ổn định cho gia đình ông Trần Văn Ấp, thôn Lang Xá, xã Mỹ Tiến.

Hơn 20 năm trước, khi UBND xã có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả, gia đình anh Trần Văn Hiếu thôn Nguyễn Huệ đã mạnh dạn thuê 7,5 mẫu đất để đào ao, thả cá và làm chuồng nuôi gà. Nhận thấy giống cá Koi có năng suất cao nên anh Hiếu đã quyết định đầu tư vào nuôi giống cá này. Với diện tích 5 mẫu nuôi thủy sản, chủ yếu là cá Koi, trung bình hàng năm gia đình anh thu hoạch từ 10-12 tấn cá, đạt doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Trong trang trại, gia đình anh còn trồng hàng trăm gốc bưởi Diễn, mỗi vụ cho thu hoạch từ 1-1,5 vạn quả, giá bán bình quân 10 nghìn đồng/quả; nuôi hơn 1.000 con gà thịt, mỗi lứa xuất bán 4-5 tấn gà thương phẩm. Anh Hiếu chia sẻ: Mô hình của tôi chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tận dụng và xử lý chất thải chăn nuôi làm nguồn phân bón cho cây trồng, một số loại phế phẩm cây trồng tôi lại ủ với vi sinh để làm phân bón hoặc nghiền nhỏ cho vật nuôi ăn. Hình thức xoay vòng thức ăn đã giúp gia đình tôi tiết kiệm được chi phí thức ăn chăn nuôi, góp phần tăng nguồn thu cho gia đình. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh cho thu nhập gần 500 triệu đồng đồng thời tạo thêm việc làm cho một số lao động trong thôn. Giống như anh Hiếu, gia đình ông Trần Văn Ấp, thôn Lang Xá sản xuất, kinh doanh giỏi với hơn 10 năm gắn bó mô hình trồng ổi và bưởi Diễn. Ông Ấp cho biết: “Lúc đầu tôi cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có kinh nghiệm, mà giống ổi, bưởi không phải gốc địa phương. Sau khi học tập kinh nghiệm tại hộ trồng lâu năm ở tỉnh Hưng Yên và mày mò thêm kỹ thuật qua sách, báo để tăng cường phân bón, phòng chống sâu bệnh nên dần dần vườn ổi, bưởi của gia đình cũng cho thu nhập ổn định”. Với lợi thế đất đai màu mỡ, ổi lại hợp đất nên cây sai quả, ngon, ngọt, giòn, thanh mát. Đến nay, gia đình ông có 12 mẫu ổi, bình quân 1 năm cho thu hoạch 40 tấn, với giá bán tại vườn 15-20 nghìn đồng/kg và 2 mẫu bưởi Diễn mang lại thu nhập 300 triệu đồng/năm đồng thời tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Không những tạo việc làm cho lao động, ông đã hướng dẫn cho nhiều hộ gia đình tại địa phương tham gia mô hình trồng ổi và bưởi phát triển kinh tế. 

Mỹ Tiến là xã thuần nông, có 324ha đất nông nghiệp trong tổng số 582,4ha đất tự nhiên; trong đó trên 303ha trồng lúa, 10ha đất chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trên 95ha nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, để các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, xã Mỹ Tiến đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức nhiều buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Xã còn phối hợp với HTX nông nghiệp Nguyễn Xá xây dựng mô hình bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân được 80 tấn/năm; phối hợp với Công ty Phân bón Lâm Thao tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật bón phân cho cây trồng trong sản xuất nông nghiệp cho 60 hội viên; phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức 2 lớp tập huấn về phân loại rác thải tại hộ gia đình, Hội Nông dân xã trực tiếp tập huấn cho hội viên về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại lúa cho 60 hội viên. Từ năm 2021 đến nay, Hội Nông dân xã đã triển khai thực hiện kế hoạch đến 100% các chi hội; trong đó 255 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình theo hướng đa canh, đa con, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất. Đến nay, nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân đạt 400 triệu đồng dư nợ cho 10 hộ vay vốn, thông qua 2 tổ hợp tác, các hộ vay đều đảm bảo nguồn vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện dư nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 48 tỷ 922 triệu đồng cho 235 hộ vay thông qua 7 tổ vay vốn ở các thôn. Bên cạnh đó, Hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình và làm dịch vụ nhất là đối với các hộ gia đình có trang trại, gia trại. Nguồn vốn dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 13 tỷ 250 triệu đồng cho 6 chương trình với 461 hộ vay. Trong đó, Hội Nông dân quản lý 7 tổ với tổng dư nợ 7 tỷ 100 triệu đồng. Các tổ tiết kiệm vay vốn dưới sự quản lý điều hành của Hội Nông dân đều làm tốt công tác thu lãi, thu gốc, gửi tiết kiệm đảm bảo, không có hộ nợ quá hạn. Đồng chí Trần Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tiến cho biết: Từ khi thực hiện chủ trương vận động nông dân phát triển kinh tế hộ, kinh tế của xã có nhiều khởi sắc. Năm 2021, thu nhập bình quân ước đạt 51 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,04%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%. 

Hiệu quả phát triển kinh tế từ hộ gia đình trên địa bàn xã Mỹ Tiến góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục tạo điều kiện cho các hộ phát triển kinh tế; liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn vay; tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế ở địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com