Hải Triều đẩy mạnh phát triển kinh tế biển

08:05, 16/05/2022

Xã Hải Triều là xã có diện tích nhỏ nhất huyện Hải Hậu nhưng có số lượng đông đảo ngư dân tham gia khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn xã hiện có 65ha nuôi trồng thủy sản và 86 tàu thuyền khai thác xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản năm 2021 của xã đạt 6.655 tấn (tăng 3,1% so với năm 2020); trong đó sản lượng thủy sản khai thác đạt 6.210 tấn, sản lượng nuôi đạt 445 tấn. Giá trị sản lượng thủy sản ước đạt 196 tỷ đồng.

Sản xuất nước mắm tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Dương, xóm Hồng Phong, xã Hải Triều (Hải Hậu).  Bài và ảnh: Thanh Hoa
Sản xuất nước mắm tại cơ sở của ông Nguyễn Văn Dương, xóm Hồng Phong, xã Hải Triều (Hải Hậu). 

Đồng chí Trần Minh Phương, Chủ tịch UBND xã Hải Triều cho biết: “Trong những năm qua, xác định kinh tế biển mang lại thu nhập chính cho bà con, vì vậy Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo định hướng người dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lao động sản xuất, đẩy mạnh việc tu bổ ao đầm, hệ thống tiêu nước, đặc biệt là trong mùa mưa bão; tổ chức một số lớp tập huấn kỹ thuật, nâng cao kiến thức, tay nghề cho người nuôi cũng như ngư dân khai thác thủy sản”. Xã chủ động khai thác có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế thủy sản. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn, sáng tạo, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương để nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao. Ông Hoàng Đức Thiện, xóm Tây Bình hiện có hơn 10ha nuôi tôm công nghệ cao. Trước kia, tôm giống sau khi nhập về sẽ được ông Thiện thả thẳng xuống ao; nhưng với phương thức nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao ông đã ương giống rồi sau đó đưa vào nuôi thương phẩm. Để nuôi tôm công nghệ cao, ông Thiện đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như: hệ thống ao nuôi phù hợp gồm các ao ương, ao nuôi thương phẩm, hệ thống xử lý nước đầu vào, xử lý chất thải, nước thải và tạo ô-xy. Ông Thiện cho biết: Việc nuôi tôm chia thành từng giai đoạn sẽ giúp người nuôi dễ dàng kiểm soát dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước giúp tôm sinh trưởng, phát triển đồng đều, trọng lượng lớn hơn. Hơn nữa, nuôi tôm công nghệ cao, người nuôi có thể thả giống quanh năm, không phải bỏ vụ như nuôi tôm trong ao, đầm truyền thống. Chính vì vậy, bình quân mỗi năm, cơ sở của ông Thiện xuất bán ra thị trường khoảng 150-200 tấn tôm thẻ chân trắng, thu lãi hàng tỷ đồng. Với những thành công từ mô hình của ông Hoàng Đức Thiện, nhiều người dân trong xã cũng đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để nuôi tôm công nghệ cao như hộ ông: Bùi Văn Thụy, Trần Văn Thiêm, Trần Văn Tịnh...  Bên cạnh phát triển nghề nuôi thủy sản, xã Hải Triều cũng có nhiều cơ sở chế biến như làm nước mắm, mắm tôm... cũng đem lại thu nhập khá cho người dân. Sản phẩm nước mắm, mắm tôm Đại Dương ở xóm Hồng Phong được công nhận sản phẩm OCOP năm 2020. Ông Nguyễn Văn Dương, chủ cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm Đại Dương cho biết: “Tôi luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu và luôn hy vọng đem tới tay người tiêu dùng những sản phẩm thực sự chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguyên liệu chế biến đều được cơ sở thu mua trực tiếp của ngư dân trong xã đi khai thác về. Tất cả đều được đảm bảo tươi, ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Cá, moi sau khi thu mua về được ông Dương phân loại, làm sạch rồi trộn muối sơ chế và ủ cho lên men. Quá trình ủ lên men cho đến khi cá chín phải mất ít nhất 1 năm, sau đó cho ra rổ tre lót vải xô, chắt ra nước mắm nguyên chất, ngày hong nắng, tối phơi sương thêm khoảng 6 tháng nữa. Trong khoảng thời gian này, ông Dương luôn theo dõi thường xuyên, hong đủ nắng và đặc biệt tránh nước mưa, chỉ một vài giọt nước mưa cũng sẽ khiến mắm bị hỏng. Mắm khi được phơi đủ nắng sẽ tròn vị, thơm ngon hơn… Sản phẩm nước mắm của cơ sở được bán với mức giá dao động từ 100-150 nghìn đồng/lít, mắm tôm có giá 30 nghìn đồng/kg.

Đối với lĩnh vực khai thác thủy, hải sản, xã đã tập trung phát triển các đội tàu có công suất lớn, khai thác xa bờ gắn với phát triển mạng lưới thu gom, dịch vụ hậu cần thủy sản và đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ. Xã đã phối kết hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tới ngư dân, các chủ tàu, thuyền trưởng và các chủ phương tiện khai thác hải sản khác trên địa bàn. Anh Trần Phương Dương, ngư dân khai thác thủy sản xa bờ ở xóm Tân Minh cho biết: “Trước kia đội tàu, thuyền của ngư dân trong xã đơn sơ lắm, không có tàu lớn như bây giờ, cũng chẳng có những thiết bị hiện đại như la bàn, bộ đàm… nên đi biển vừa vất vả mà thu nhập cũng không cao. Bây giờ, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để đóng tàu mới, trang bị lại máy công suất lớn, thiết bị giám sát hành trình... ngư dân có thể yên tâm vươn khơi, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn. Có tàu vỏ thép ngư dân như được tiếp thêm động lực và tình yêu với nghề đi biển. Mỗi năm đi biển thu nhập của ngư dân xã Hải Triều trung bình đạt từ 350-400 triệu đồng/người”.

Để đảm bảo phát triển kinh tế thủy sản bền vững, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Hải Triều tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân nâng cao hiệu quả các vùng nuôi thủy sản tập trung, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với môi trường, khí hậu. Kiểm soát việc cung ứng giống thủy sản, tăng cường phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn cho đối tượng nuôi. Bên cạnh đó, xã cũng động viên ngư dân tiếp tục bám biển, mở rộng ngư trường khai thác, khai thác xa bờ nhằm gia tăng sản lượng và khai thác hợp lý nguồn hải sản, đảm bảo các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com