Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản

08:05, 18/05/2022

Nam Định là tỉnh không có nhiều khoáng sản cả về trữ lượng và chủng loại; chủ yếu gồm: Cát làm vật liệu xây dựng thông thường với 14 điểm mỏ cát sông trên 4 tuyến sông lớn và 2 khu vực mỏ cát ven biển các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy với tổng trữ lượng khoáng sản cát khoảng 206.346.684m3; đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói phân bố chủ yếu ở các bãi bồi ven sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ và sông Đáy có quy mô từ nhỏ đến trung bình; than bùn vùng Nam đồng bằng sông Hồng với trữ lượng lớn (đến nay mới dự báo ở mức đánh giá tiềm năng, chưa được đánh giá thăm dò chi tiết); nước khoáng nóng phân bố trên địa bàn huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, chưa có nhiều nghiên cứu, thăm dò, đánh giá tiềm năng khoáng sản. Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã chú trọng thực hiện công tác quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo sản lượng khoáng sản khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ trên địa bàn được quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, không để thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách.

Công ty TNHH Hòa Phát (Cụm công nghiệp An Xá) sản xuất sạch không nung góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường.  Bài và ảnh: Thanh Thúy
Công ty TNHH Hòa Phát (Cụm công nghiệp An Xá) sản xuất sạch không nung góp phần sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, thân thiện với môi trường. 

Trên cơ sở các quy định Luật Khoáng sản và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tỉnh đã xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, có định hướng phù hợp với điều kiện của địa phương để tổ chức thực thi pháp luật trong hoạt động khoáng sản như: thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS), đấu giá quyền KTKS, phí bảo vệ môi trường đối với KTKS, các hồ sơ thủ tục liên quan đến hoạt động KTKS... Tỉnh đã tiến hành điều tra, khảo sát lập quy hoạch khai thác cát sông của tỉnh đến năm 2020 nhằm khoanh định các khu vực được khai thác và cấm khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. UBND tỉnh đã có Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 18-2-2016 về việc bổ sung quy hoạch khai thác cát tỉnh đến năm 2020; tổ chức công khai quy hoạch; tiến hành cắm biển báo khu vực được phép khai thác, khu vực cấm khai thác, bàn giao các khu vực được cắm phao tiêu, biển báo cho chính quyền địa phương nơi có điểm mỏ để quản lý. Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017QH14, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát quy hoạch KTKS và đề xuất tích hợp trong quy định chung của tỉnh. Căn cứ theo quy hoạch, từ năm 2016 đến năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định và cấp 13 giấy phép KTKS (7 giấy phép khai thác đất làm gạch, 6 giấy phép khai thác cát), đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, phù hợp quy hoạch, kế hoạch khai thác và bảo vệ tài nguyên đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Riêng năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Trung tâm dịch vụ Đấu giá tài sản Nam Định tổ chức thành công 1 cuộc đấu giá quyền KTKS tại khu vực S1, mỏ cát Giao Thiện năm 2020 (đợt 3). Các đơn vị KTKS trên địa bàn đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính, thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng nơi khai thác; nộp đầy đủ tiền cấp quyền KTKS theo quyết định được phê duyệt; nộp tiền trúng đấu giá trước khi được cấp giấy phép. Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt số tiền 58 tỷ 652,722 triệu đồng tiền trúng đấu giá quyền khai thác 6 lô mỏ cát khu vực ven biển huyện Giao Thủy; trên 367 triệu đồng tiền cấp quyền khai thác đất làm gạch tại xã Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng); 119, 806 triệu đồng tiền cấp quyền KTKS đối với dự án nạo vét khơi thông cửa cống TS1, TS1B, C1. 

Đồng thời, các ngành, các địa phương đã chú trọng bảo vệ nguồn khoáng sản chưa cấp phép khai thác. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1275/QĐ-UBND ngày 19-6-2018 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu các sở, ngành phối hợp, UBND các cấp căn cứ thẩm quyền tổ chức hoạt động bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý. Đồng thời chủ động ban hành văn bản hướng dẫn và yêu cầu UBND các huyện, thành phố tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đôn đốc các huyện lập kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định. Các địa phương, các ngành công bố hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để tổ chức, cá nhân biết, phản ánh mọi thông tin về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; thành lập các Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên tiến hành kiểm tra các bến bãi và phương tiện khai thác cát trên 4 con sông lớn (Hồng, Đáy, Ninh Cơ, Đào) và các hoạt động khai thác đất sét để làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói. Qua kiểm tra đã ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, mua bán cát từ những tàu khai thác trái phép, ngăn chặn việc khai thác đất sét làm gạch trái phép, đốt gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, từng bước tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công, tự phát trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây không nung để góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, để phối hợp quản lý khoáng sản vùng giáp ranh giữa các tỉnh, UBND tỉnh và UBND các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình đã xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong việc quản lý, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông giáp ranh địa giới hành chính. 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản, thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, KTKS, nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường. Đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn, nhất là khoáng sản cát sông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, xử lý cơ quan hoặc người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm tại địa bàn quản lý. Tăng cường và thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý khai thác cát; chú trọng quản lý, kịp thời phát hiện, tố cáo các hành vi tiêu cực trong quản lý, hoạt động khoáng sản nói chung, khoáng sản cát nói riêng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com