Hiệu quả ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng

07:05, 17/05/2022

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là hệ thống sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng nông sản. Hiện chương trình quản lý đang được nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực ứng dụng đã giúp giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Mô hình trình diễn ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với áp dụng kỹ thuật IPM, SRI trong sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Trung Thành (Vụ Bản).
Mô hình trình diễn ứng dụng khoa học kỹ thuật gắn với áp dụng kỹ thuật IPM, SRI trong sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Trung Thành (Vụ Bản).

Thực hiện Chỉ thị số 814/CT-BNN-BVTV ngày 24-11-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về việc tiếp tục triển khai chương trình IPM trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu, ngày 28-2-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND triển khai chương trình IPM trên cây trồng giai đoạn 2021-2023. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình IPM tại địa phương; triển khai lồng ghép với các chương trình, dự án khác để nâng cao hiệu quả và tổ chức nhân rộng mô hình trên địa bàn. Dưới sự chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tổ chức 3 lớp đào tạo nông dân nâng cao theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất lúa chất lượng cao theo chuỗi liên kết tại các xã Trung Thành, Tam Thanh (Vụ Bản) và Hải Long (Hải Hậu); tổ chức 1 lớp đào tạo nông dân nâng cao theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất rau màu an toàn theo chuỗi liên kết tại xã Hải Hòa (Hải Hậu). Đồng thời, xây dựng cho mỗi lớp 1 mô hình trình diễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khảo nghiệm giống, phân bón, thuốc BVTV gắn với áp dụng kỹ thuật IPM, SRI (kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến) trong sản xuất lúa chất lượng liên kết theo chuỗi; gắn áp dụng kỹ thuật IPM trong sản xuất rau màu an toàn, liên kết theo chuỗi. Qua các lớp tập huấn, các học viên được học lý thuyết ở trên lớp và kết hợp thực hành trên đồng ruộng. Học theo phương pháp 2 chiều trong mọi hoạt động, giảng viên là người điều hành hướng dẫn thảo luận, tổng hợp vấn đề và giải quyết thắc mắc khi cần thiết. Trong các giờ học luôn có sự thảo luận sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa học viên với giảng viên và giữa các học viên với nhau. Đây là phương pháp học giúp học viên dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp thu kiến thức.

Đồng chí Lại Hồng Phưởng, Chủ tịch UBND xã Hải Long cho biết: Qua học lý thuyết và thực hành trên đồng ruộng, nông dân trong xã đã nắm được, áp dụng ngay trên ruộng của mô hình các biện pháp kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, sinh lý cây lúa ở từng giai đoạn và biện pháp tác động ở mỗi giai đoạn để cây lúa cho năng suất cao chống chịu tốt với sâu bệnh, các đối tượng dịch hại chính và biện pháp quản lý. Đồng thời, các hộ nông dân được tập huấn cũng hiểu được kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả, nhận thức được rủi ro do thuốc BVTV gây ra nên đã hạn chế việc lạm dụng thuốc khi sản xuất và tuyên truyền, hướng dẫn cho các nông dân khác cùng làm theo. Tại xã Hải Long, xây dựng được 5ha sản xuất lúa BT7, 3ha đối chứng cùng giống theo mô hình. Qua thực hiện chương trình IPM cùng biện pháp SRI, khu ruộng mô hình bón phân cân đối, bón thúc sớm, bón đạm vừa đủ, tiết kiệm được 3-4kg phân đạm mỗi sào, cây lúa khỏe, đẻ nhánh tập trung, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, các đối tượng sâu bệnh giảm 1,5-2 lần nên giảm 1-2 lần phun thuốc/vụ; năng suất tăng 17 kg/sào so với ruộng đối chứng. Hiệu quả kinh tế của ruộng sản xuất theo mô hình cao hơn ruộng làm theo tập quán cũ gần 8 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, lúa BT7 chất lượng cao được Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại tổng hợp Xuân Trường liên kết, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với giá thị trường khoảng 5%, giúp người sản xuất ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Anh Nguyễn Văn Hưng, xã Tam Thanh (Vụ Bản) đã tích tụ hơn 10ha đất ruộng để sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao. Trong vụ mùa năm 2021, anh Hưng tham gia mô hình IPM với diện tích 2ha. Anh Hưng cho biết: Qua áp dụng mô hình IPM, chúng tôi chú trọng đến quy trình trồng lúa ngay từ khâu làm đất, bởi khi cày lật, phơi ải, bón vôi và phân bón vi sinh giúp tiêu diệt phần lớn mầm bệnh, vi sinh vật gây hại trong đất. Nhờ đó, đã giảm được chi phí và công chăm sóc, sử dụng rất ít thuốc hóa học giúp cây trồng phát triển hiệu quả, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn bền vững trong sản xuất. Theo tính toán của anh Hưng, ứng dụng IPM giúp gia đình anh giảm 56kg đạm/ha, giảm 1 lần phun thuốc/vụ, năng suất tăng khoảng 16,6%, hiệu quả kinh tế tăng gần 8,8 triệu đồng/ha so với sản xuất theo phương pháp truyền thống. Còn đối với mô hình IPM trên rau bắp cải thì giảm bón 3kg đạm/sào, giảm 1 lần phun thuốc/vụ, được Doanh nghiệp tư nhân Thiên Quỳnh bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn so với giá thị trường khoảng 10%, đưa hiệu quả kinh tế mô hình cao gần 16 triệu đồng so với ruộng làm theo tập quán cũ của nông dân.

Theo Kế hoạch số 25 của UBND tỉnh, đến năm 2025 tỉnh sẽ mở rộng diện tích ứng dụng IPM trên các loại cây trồng. Cụ thể là có trên 50% diện tích trồng lúa ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo cấy và đạt trên 90% diện tích trong vùng sản xuất tập trung; 70% diện tích cây rau màu ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo trồng và đạt 100% trong vùng sản xuất tập trung. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc đào tạo nguồn giảng viên chính đủ năng lực hướng dẫn nông dân hiểu và ứng dụng chương trình IPM trên đồng ruộng, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái trên các cây trồng: lúa, rau màu, cây ăn quả. Qua đó, lan toả việc ứng dụng IPM trên diện rộng trong tỉnh đáp ứng những yêu cầu, điều kiện về cạnh tranh nông sản, an toàn thực phẩm hướng tới xây dựng thương hiệu sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả.

Có thể thấy, việc ứng dụng và nhân rộng các mô hình và lớp IPM đã giúp nông dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về canh tác lúa theo SRI, “3 giảm, 3 tăng”, bón phân cân đối, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả đã góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa, rau màu, đảm bảo sản xuất ra nông sản an toàn, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đó hướng tới sản xuất lúa, màu theo tiêu chuẩn VietGAP./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com