Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của các loại hình kinh tế khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể (CSSXKDCT) của tỉnh ngày một phát triển nhanh về số lượng, lớn mạnh về quy mô, tham gia sản xuất, kinh doanh ở hầu hết các ngành nghề, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế cũng như giải quyết nhiều công ăn việc làm, tạo sự ổn định về trật tự an ninh xã hội.
Sản xuất dây lưới thép tại cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Khoa, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
I. Giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Xác định được vị trí, vai trò quan trọng của CSSXKDCT đối với phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh ta đã đẩy mạnh hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã quan tâm quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp, tạo điều kiện về mặt bằng đồng bộ, tập trung cho các cơ sở, hộ sản xuất, nhất là các ngành nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ, cơ khí đúc... ổn định sản xuất, tránh gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Để khuyến khích phát triển đúng hướng, bền vững và hiệu quả, các ngành, các địa phương đã chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ quản lý kinh doanh cho các chủ CSSXKDCT; đẩy mạnh đào tạo nhân lực theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu tuyển dụng, giúp các CSSXKDCT có điều kiện tuyển dụng lao động đạt yêu cầu; khuyến khích, hỗ trợ các CSSXKDCT đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
Các CSSXKDCT đã thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh từ ngắn hạn sang dài hạn, từ manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác phát triển dài hạn, bền vững; đã chú trọng áp dụng quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đầu tư công nghệ hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh. Không ít CSSXKDCT đã hợp tác cùng các HTX, các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết, mở rộng quy mô ngành chế biến nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và góp phần tạo bước phát triển mới cho ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh với tổng số 2.974 cơ sở. Từ đầu năm 2019 đến nay, các CSSXKDCT đã tích cực đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều CSSXKDCT đã mạnh dạn đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh. Nhiều CSSXKDCT đã thiết lập trang facebook, fanpage, xây dựng website để giới thiệu, quảng bá cơ sở và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước. Nhiều CSSXKDCT bước đầu tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về marketing online, đặt hàng, thanh toán và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn.
Cơ sở xay xát chế biến gạo của chị Vũ Thị Vân ở thị trấn Gôi (Vụ Bản). |
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, so với năm 2011, số lượng CSSXKDCT năm 2020 có sự gia tăng mạnh mẽ (tăng 16.570 cơ sở, bằng 19,19%) nâng tổng số lên 102.936 CSSXKDCT hoạt động trên toàn tỉnh. CSSXKDCT giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, đã tham gia sản xuất, kinh doanh ở hầu hết các ngành kinh tế: Công nghiệp, xây dựng, thương mại, vận tải, kho bãi và dịch vụ khác. Trong đó, ngành thương mại chiếm tỷ trọng lớn nhất với 46.060 cơ sở, chiếm 44,75%; tiếp đến là ngành công nghiệp với 30.387 cơ sở, chiếm 29,52%; ngành vận tải, kho bãi 6.252 cơ sở, chiếm 6,07%; ngành xây dựng 3.822 cơ sở, chiếm 3,71%; ngành dịch vụ khác 16.415 cơ sở, chiếm 15,95% tổng CSSXKDCT. Trong 10 năm qua, doanh thu của CSSXKDCT tăng trưởng khá. Năm 2020, doanh thu bình quân của một cơ sở là 724,9 triệu đồng, gấp 3,18 lần so với năm 2011; doanh thu của CSSXKDCT có địa điểm ổn định đạt 74.623 tỷ đồng, tăng 279,49% so với năm 2011, bình quân mỗi năm tăng 17,14%. Trong tổng doanh thu của toàn tỉnh, CSSXKDCT chiếm tỷ lệ 89,79% doanh thu ngành thương mại; 83,28% doanh thu lưu trú, ăn uống; 38,23% doanh thu vận tải, kho bãi; 55,99% doanh thu dịch vụ khác. Các CSSXKDCT không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế; tạo thêm nhiều sản phẩm, phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân mà còn tạo ra việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa, xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương. Năm 2020, các CSSXKDCT đã giải quyết việc làm cho gần 206 nghìn người, chiếm 20,35% tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, nhất là lao động ở vùng nông thôn; trong đó ngành công nghiệp chiếm 27,30%, xây dựng chiếm 26,22%; ngành dịch vụ chiếm 40,68% số lao động của từng ngành. Một bộ phận không nhỏ CSSXKDCT đang hoạt động trong các làng nghề đã góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống của tỉnh, nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, hoạt động của CSSXKDCT góp phần thúc đẩy tinh thần kinh doanh và phát triển kinh tế thị trường. Với thủ tục gia nhập thị trường đơn giản mô hình CSSXKDCT là bước khởi đầu cho những ý tưởng kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là ở những ngành, lĩnh vực kinh doanh truyền thống. Đây là mô hình khởi sự kinh doanh phổ biến trên toàn quốc do sự đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, phù hợp với nhiều thành phần, lứa tuổi và không đòi hỏi cao về đầu tư tài chính ban đầu đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phần kinh tế tư nhân, phát triển nhanh sự lưu thông hàng hóa trong cả nước. Các CSSXKDCT được thành lập và hoạt động chủ yếu dựa trên năng lực tài chính tự thân cũng góp phần trong việc huy động vốn trong nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế, thúc đẩy việc ra quyết định kinh doanh của cá nhân khi có ý tưởng kinh doanh tốt. Ngoài ra, trong những năm qua, nhiều CSSXKDCT đã chuyển sang thành lập doanh nghiệp; đây chính là một tín hiệu trưởng thành của CSSXKDCT, là tiền đề, bước đệm cho khu vực doanh nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy