Chuẩn bị các điều kiện cho vụ lúa xuân thắng lợi

07:11, 29/11/2021

Trong điều kiện thời tiết, khí hậu, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các loại sâu, bệnh hại luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh lây lan, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng cao đột biến, vì vậy ngành chức năng, các địa phương đang tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất, phấn đấu giành vụ xuân năm 2022 đạt kết quả cao về năng suất, chất lượng, giá trị.

Nông dân xã Cộng Hòa (Vụ Bản) làm đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa xuân.
Nông dân xã Cộng Hòa (Vụ Bản) làm đất chuẩn bị cho gieo cấy lúa xuân.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sản xuất vụ lúa xuân năm 2022 trong điều kiện thời tiết ở trạng thái La Nina duy trì cường độ yếu, nhiệt độ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,05 độ C; các đợt rét đậm, rét hại tập trung từ khoảng giữa tháng 12-2021 đến hết tháng 2-2022, đúng thời kỳ gieo cấy lúa xuân; lượng mưa ít, khả năng thiếu nước ngọt và tình trạng mặn xâm nhập sâu. Trong khi đó, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; các đối tượng sâu, bệnh hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh lùn sọc đen, sâu keo mùa thu, lúa dại; đặc biệt giá vật tư nông nghiệp tăng đột biến, giá nhiều loại nông sản không ổn định… Trước những khó khăn, thách thức trên, ngành Nông nghiệp, các địa phương đang tích cực, chủ động chủ động xây dựng phương án, giải pháp sản xuất vụ xuân năm 2022 phù hợp với điều kiện của địa phương. Đồng chí Phạm Trọng Duy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Trực Ninh cho biết: Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, năm nay quan điểm chỉ đạo của huyện là tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân năm 2022 sớm, phấn đấu cấy xong lúa xuân trước ngày 12-2-2022. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND huyện đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh phối hợp với các xã, thị trấn đồng loạt tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, tập trung nạo vét các cửa cống, bể hút trạm bơm, kênh mương, tôn cao bờ vùng, bờ thửa; tu bổ, sửa chữa kênh mương, công trình xây đúc, máy móc thiết bị… sẵn sàng đón các đợt xả nước của các hồ thủy điện để lấy đủ nước chất lượng tốt phục vụ làm đất gieo cấy lúa xuân. Chỉ đạo các HTX khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện làm đất, diệt lúa chét, lúa tái sinh và vệ sinh đồng ruộng phòng ngừa bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ (lúa ma). Nhằm khuyến khích việc tích tụ ruộng đất sản xuất lúa hàng hóa ở vụ xuân, đối với mô hình tích tụ có quy mô từ 5ha trở lên, huyện có cơ chế hỗ trợ các xã, thị trấn, HTX, doanh nghiệp, nông dân đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng tạo động lực thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất lúa hàng hóa, gia tăng thu nhập cho nông dân. Trong gieo cấy, chăm bón, huyện tiếp tục khuyến khích sử dụng “mạ khay - máy cấy”, các mô hình ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, giảm diện tích gieo sạ… Cũng như huyện Trực Ninh, tất cả các huyện, thành phố đều chủ động xây dựng phương án sản xuất vụ lúa xuân phù hợp với thực tế. Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 72 nghìn ha, gieo trồng 11.810ha cây rau màu các loại; phấn đấu giá trị sản lượng lúa tăng trên 3% so với vụ xuân năm 2021. Để hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa, ngay từ cuối tháng 10-2021 các địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện chiến dịch làm thủy lợi nội đồng theo chỉ đạo tại Công văn số 696/UBND-VP3 ngày 1-10-2021 của UBND tỉnh, bảo đảm các công trình hoàn thiện sớm để lấy nước phục vụ làm đất cấy lúa xuân. Chỉ đạo, đôn đốc các Công ty KTCTTL xây dựng chi tiết kế hoạch và tích cực triển khai các biện pháp lấy nước vào các kỳ triều cường, nhất là thời điểm cuối tháng 12-2021 và đầu tháng 1-2022 để nâng mực nước trong tất cả tuyến sông nội đồng tạo nguồn tiến hành thau chua, rửa mặn và cấp nước cho đồng ruộng. Cùng với việc chuẩn bị đồng ruộng nguồn nước cho sản xuất của các địa phương, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố hướng dẫn nông dân sử dụng tập trung các giống thuần ngắn ngày, chất lượng cao, sức chống chịu rét, hạn, mặn tốt và có thị trường tiêu thụ ổn định như: Bắc thơm số 7 kháng bạc lá, LP5, Lộc Trời 183, TBR225, TBR279, nếp Hưng Yên, CS6-NĐ, HDT10, Hồng Đức 9, Hương cốm 4, Đài thơm 8, BC15 kháng đạo ôn, TBR89; những chân ruộng chua, mặn hoặc úng trũng sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao: Nhị ưu 838, CT16, TX111, Lai thơm 6, Phúc Thái 168... Việc tuân thủ và sử dụng các giống lúa theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, giá trị và sản lượng cả vụ lúa xuân. Bên cạnh đó, các địa phương hướng dẫn nông dân gieo mạ trước Tết Nguyên đán, tập trung từ ngày 23 đến 26-1-2022 để đến ngày 5-2 sẽ đồng loạt xuống đồng cấy lúa xuân. Đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT cho biết: Bám sát diễn biến thời tiết, ngành Nông nghiệp sẽ thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các huyện, thành phố tập trung cao cho nhiệm vụ vệ sinh đồng ruộng, bám sát lịch xả nước của các hồ thủy điện để lấy nước, làm đất, gieo mạ; phối hợp với các sở, ngành chức năng, các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ thị trường kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp; mở rộng mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao như: LT2 kháng bạc lá, Thiên Trường 900, QL301, QS88, VNR20 để lựa chọn bổ sung vào bộ giống lúa của tỉnh. Đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân trong sản xuất lúa hàng hóa, lúa giống; ­tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các xã, thị trấn và HTX thực hiện tốt quy trình chăm sóc, bảo vệ lúa, cây màu, phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân xong trước ngày 20-2-2022.

Vụ lúa xuân năm 2022 được dự báo có nhiều khó khăn cả về thời tiết và tác động bởi dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp và nông dân có biện pháp thích ứng kịp thời, hiệu quả là tiền đề quan trọng để giành vụ lúa xuân thắng lợi về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com