Các ngân hàng hỗ trợ người dân "an cư"

07:11, 30/11/2021

Dịp cuối năm, nhu cầu xây dựng, mua nhà ở mới của người dân tăng cao. Hiện tại, mức lãi suất cho vay mua nhà tại một số ngân hàng giữ ở mức bình quân từ 5% đến 8,3%/năm, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Đây là cơ hội lớn để người dân thực hiện được mong muốn “an cư lạc nghiệp” ngay cả khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Đón mùa xây dựng cuối năm, các ngân hàng đều chủ động tung ra các gói khuyến mãi giúp người dân vay vốn xây dựng, mua nhà ở với lãi suất ưu đãi (Trong ảnh: Xây dựng nhà ở tại Khu đô thị Dệt may, thành phố Nam Định).
Đón mùa xây dựng cuối năm, các ngân hàng đều chủ động tung ra các gói khuyến mãi giúp người dân vay vốn xây dựng, mua nhà ở với lãi suất ưu đãi (Trong ảnh: Xây dựng nhà ở tại Khu đô thị Dệt may, thành phố Nam Định).

Qua khảo sát nhanh tại các ngân hàng, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đại Chúng Việt Nam (PVcombank) Chi nhánh Nam Định hiện là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất với mức 5%/năm trong 6 tháng đầu và 12% từ tháng thứ 7 trở đi. Thời gian vay tối đa có thể tới 20 năm và cho phép vay tối đa 85% giá trị tài sản đảm bảo. Tiếp đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất chỉ từ 5,9% cùng nhiều đặc quyền khác dành cho khách hàng vay mua bất động sản có giấy chủ quyền. Theo đó, từ ngày 15-10 đến 31-12-2021, khách hàng của VPBank có nhu cầu vay mua bất động sản có giấy chủ quyền sẽ được lựa chọn một trong các gói lãi suất: 5,9%/năm cố định trong 3 tháng; 7,9%/năm trong 6 tháng; 8,3%/năm trong 12 tháng; 8,6%/năm trong 18 tháng hoặc 8,9%/năm trong 24 tháng. Khách hàng sẽ được vay đến 80% giá trị tài sản đảm bảo, hạn mức giải ngân lên đến 20 tỷ đồng và thời hạn vay kéo dài đến 25 năm. Khách hàng cũng được hưởng ân hạn nợ gốc 12 tháng, có nghĩa trong năm đầu tiên, khách hàng sẽ không phải thanh toán nợ gốc cho ngân hàng mà chỉ cần thanh toán phần lãi. Đặc biệt, thấu hiểu khó khăn và tạo điều kiện tối ưu nhất cho khách hàng trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh, VPBank Chi nhánh Nam Định chấp nhận nhiều nguồn thu khác nhau để khách hàng chứng minh khả năng thanh toán như lương, thu nhập từ hoạt động hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp do khách hàng làm chủ và một số nguồn thu khác đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của pháp luật. Mới đây, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà 0,1%/năm so với mức lãi suất áp dụng hồi tháng 3-2021. Khách hàng có nhu cầu vay vốn mua nhà, sửa chữa nhà, xây sửa nhà và tiêu dùng thế chấp bất động sản tại ngân hàng với mức lãi suất chỉ từ 5,9%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng vay đầu tiên. Mức cho vay tối đa 90% giá trị đảm bảo, thời gian vay 30 năm. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) Chi nhánh Nam Định thông báo giảm 1% lãi suất cho vay với khách hàng cá nhân để phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, mua nhà. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) Chi nhánh Nam Định hiện cũng cho vay mua nhà ở lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng đầu và 8,9%/năm cố định trong 24 tháng đầu. Có thể thấy, các ngân hàng liên tục đưa ra những chương trình ưu đãi, hỗ trợ cho khách vay mua nhà trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Lãi suất vay mua nhà hiện giảm mạnh, so với năm 2020 hiện giảm thêm khoảng 1-2,5%/năm. Đây là mức giảm chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, gói vay nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng được người dân hết sức quan tâm bởi lãi suất ưu đãi nhất hiện nay. Hiện tại, mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại ngân hàng là 4,8%/năm với thời hạn vay tối đa là 25 năm. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. Tính đến hết tháng 10 năm 2021, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho 77 khách hàng vay. Luỹ kế đến nay có 201 khách hàng đã được vay vốn với tổng dư nợ của chương trình là 80 tỷ 324 triệu đồng. 

Với lãi suất ưu đãi cạnh tranh giữa các ngân hàng, người dân có cơ hội lớn hoàn thành ước muốn có được căn nhà để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, người dân nên cân nhắc kỹ bởi thời gian cho vay ưu đãi của các ngân hàng thường từ 3 tháng đến 36 tháng đầu, khi hết thời hạn hưởng ưu đãi, lãi suất được tính toán dựa trên một mức lãi suất cơ sở (hoặc lãi suất tiết kiệm) cộng thêm biên độ dao động khoảng 3-4% tùy từng ngân hàng. Lãi suất cơ sở hiện nay khoảng 7%/năm, do đó, người vay tiền ngân hàng mua bất động sản phải trả khoản lãi suất khoảng 10-11%/năm trong các năm tiếp theo. Vì vậy, ngân hàng lưu ý người dân trước khi ký hợp đồng vay vốn mua nhà, khách hàng phải đọc và xem xét thật kỹ từng điều khoản trên hợp đồng như lãi suất, cách thức tính lãi, thời hạn hưởng ưu đãi lãi suất hoặc chủ động tính toán dựa trên công cụ dự toán lãi suất trực tuyến tại các ngân hàng điện tử. Người dân xác định vay tiền ngân hàng để mua nhà cũng cần phải cân nhắc kỹ bài toán trả nợ vốn và lãi suất. Bên cạnh việc quan tâm đến lãi suất, khách hàng vay mua nhà cũng cần lựa chọn tỷ lệ vốn vay so với giá trị bất động sản thế chấp hợp lý. Chuyên gia của một Công ty môi giới bất động sản cho biết, ngưỡng vay ngân hàng an toàn thường là không quá 50% giá trị, ngưỡng vay tốt nhất là dưới 30% giá trị tài sản đảm bảo giúp người vay vốn vừa dễ dàng thanh toán tiền vay cho ngân hàng vừa có thể trang trải các chi tiêu khác trong cuộc sống. Trong trường hợp mức vay lớn hơn 50% giá trị ngôi nhà, người vay phải đối mặt với áp lực trả nợ nhiều hơn, nhất là khi dịch COVID-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập, công việc. Ngoài ra, việc giảm lãi vay hướng đến ưu đãi cho người mua nhà là chính sách phù hợp, nhưng các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ hồ sơ để hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay mua nhà thật, tránh ưu đãi tạo đòn bẩy cho giới đầu cơ thị trường bất động sản. Với mức lãi suất khi vay ban đầu khá thấp, giới đầu cơ sẽ “lợi dụng” để vay tiền mua bất động sản rồi tạo “sốt đất ảo” để bán kiếm lời. Khi thị trường bất động sản “đóng băng” sẽ dẫn tới mất khả năng thanh toán dẫn đến nợ xấu ngân hàng. Do đó, để tránh rủi ro, các ngân hàng cần thẩm định chặt hơn khoản vay bất động sản cũng như không cho vay với các dự án đất nền ở xa, thiếu tính pháp lý./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com