Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa trong dịch COVID-19

07:05, 31/05/2021

Nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã chủ động chuẩn bị phương án đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn. Đồng thời kích hoạt các hình thức cung ứng hàng hóa để đưa nhu yếu phẩm đến người dân đầy đủ, kịp thời và ngăn chặn hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi người tiêu dùng. 

Đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa trong mọi tình huống

Sơ chế thực phẩm tươi sống tại Siêu thị Co.opMart thành phố Nam Định.
Sơ chế thực phẩm tươi sống tại Siêu thị Co.opMart thành phố Nam Định.

Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu tiêu dùng, thói quen mua sắm, đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát khả năng cung ứng vật tư, nguyên liệu sản xuất tại địa phương để xây dựng phương án bổ sung nguồn hàng hóa phục vụ người tiêu dùng theo yêu cầu. Đồng thời làm việc với các đơn vị phân phối hàng hóa thiết yếu lớn trên địa bàn tỉnh như: siêu thị BigC, Co.opMart, Lanchi mart, Country mart, Vinmart, Trung tâm sản phẩm nông nghiệp sạch Nam Định và Ban quản lý một số chợ đầu mối lớn trên địa bàn đề nghị tăng cường cung cấp hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, nhất là cam kết không tăng giá bán. Sở Công Thương đã xây dựng 3 phương án cung ứng hàng hóa theo các mức độ số lượng người mắc và số phải cách ly. Trong đó phương án 1: Số trường hợp mắc dưới 20 người và số người cách ly tập trung dưới 2.000 người; phương án 2: Số trường hợp mắc 20-100 người và số người cách ly tập trung dưới 10 nghìn người; Số trường hợp mắc từ 100-1.000 người và số người cách ly tập trung trên 100 nghìn người. Tương ứng với đó là các kịch bản ứng phó chi tiết từ nhận định tình hình, xác định tâm lý, nhu cầu tiêu dùng cũng như cách chuẩn bị vật tư, cung ứng hàng hóa cho người dân. Theo đó ở cấp độ cao nhất các doanh nghiệp, địa phương cung ứng cho 100 nghìn người cách ly trong vòng 1 tháng với lượng hàng hóa lên đến 2.000 tấn gạo; 215 tấn thịt lợn; 100 tấn thịt gia cầm; 3.500 quả; 160 nghìn lít dầu ăn; 100 nghìn thùng mỳ tôm, cháo, phở ăn liền; 500 tấn rau củ quả; các nhu yếu phẩm khác như nước đóng chai, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, kem đánh răng, khăn mặt… đáp ứng theo nhu cầu. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đang triển khai phương án 1 với sự phối hợp của chính quyền địa phương với các sở, ngành: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường, các đơn vị cung ứng hàng hóa như Big C, Co.opmart, Lan Chi, Công ty CP Lương thực thực phẩm Nam Định, Công ty CP Thương mại Mai Phương, Công ty TNHH Cường Tân, Hợp tác xã chế biến nông sản Bốn Thuận… nhóm các doanh nghiệp vận tải, cung ứng xăng dầu trên địa bàn đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng.

Linh hoạt phương án cung ứng hàng hóa 

Cùng với sự chuẩn bị về số lượng hàng hóa, Sở Công Thương, các đơn vị cung ứng trên địa bàn đã chuẩn bị phương án cung ứng hàng hóa linh hoạt gồm cả hình thức bán hàng truyền thống, bán hàng lưu động và ứng dụng thương mại điện tử vào cung ứng hàng hóa, người dân có nhu cầu chỉ cần gọi vào số điện thoại đường dây nóng sẽ được nhân viên giao hàng tận nhà nhằm tránh tình trạng tập trung đông người mua hàng tại một địa điểm. Trong đó, Sở Công Thương đã ưu tiên việc tiếp nhận thông tin hai chiều giữa người dân trong khu vực cách ly và bên ngoài để cung ứng hàng hóa; chọn điểm kinh doanh cố định trong khu vực cách ly làm nơi tiếp nhận, cung ứng hàng hóa cho từng hộ dân; bố trí người hướng dẫn cho các đơn vị cung ứng hàng hóa di chuyển theo tuyến được chỉ định và đảm bảo các quy định phòng, chống dịch. Trong trường hợp phát sinh tình huống xấu như nhân viên hoặc người đến mua hàng tại các điểm cung ứng hàng hóa bị mắc COVID-19 ngoài việc tuân thủ các quy định điều trị, cách ly, tiêu độc khử trùng theo yêu cầu phòng chống dịch thì lập tức đưa người quản lý, nhân viên từ nơi khác vào tiếp quản lại cơ sở vật chất để tiếp tục duy trì hoạt động, kịp thời cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. 

Thời gian vừa qua, khi xuất hiện những ca mắc COVID-19 đầu tiên trên địa bàn tỉnh, người tiêu dùng cũng có tâm lý hoang mang nên lượng người đi mua sắm nhu yếu phẩm tăng cao. Hệ thống các siêu thị, cửa hàng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh đã tăng số lượng hàng dự trữ, đảm bảo không thiếu hụt, khan hiếm hàng hóa. Trong đó, siêu thị BigC tăng gấp 3 lần lượng hàng dự trữ tại các kho; các siêu thị Co.opMart Nam Định, Vinmart tăng 50-200% lượng hàng... Những mặt hàng tiêu thụ mạnh như: lương thực, thực phẩm, mì tôm, dầu ăn, nước mắm... thường xuyên được bổ sung kịp thời nên không có tình trạng khan hàng, hết hàng và vẫn bán đúng giá niêm yết tất cả hàng hóa. Cùng với việc chuẩn bị tốt lượng hàng hóa, phương án cung ứng, các đơn vị cung ứng hàng hóa từ chợ dân sinh đến siêu thị đã nghiêm túc thực hiện quy định phòng, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh trong hoạt động mua bán. Các siêu thị BigC, Lan Chi, Co.opMart đã triển khai nhiều dịch vụ bán hàng tại nhà, lắp đặt vách ngăn khu vực thu ngân, yêu cầu nhân viên phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách hàng. Thông báo, hướng dẫn người dân đi mua sắm thực hiện đúng các quy định an toàn khi mua sắm và bố trí nhân viên đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân sát khuẩn tay khi vào mua sắm; thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh, phun khử khuẩn các khu vực nhiều người qua lại như: quầy thu ngân, gian hàng, sàn nhà.

Với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị cung ứng hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn sẽ được đáp ứng trong thời gian dài. Đồng thời phối hợp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, nâng giá để trục lợi; bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân yên tâm thực hiện phòng, chống dịch, không mua đồ dự trữ với khối lượng lớn gây lãng phí và mất cân đối cung, cầu trên địa bàn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com