Chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp

07:05, 27/05/2021

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, thời gian qua, tỉnh ta đã chủ động cung ứng quỹ đất công nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) phục vụ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhà đầu tư thứ cấp xây lắp, thiết bị nhà xưởng tại CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Nhà đầu tư thứ cấp xây lắp, thiết bị nhà xưởng tại CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy). (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Theo Quyết định số 630/QĐ-UBND ngày 4-4-2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh quy hoạch 56 CCN, với tổng diện tích 1.588,07ha, chia làm 2 giai đoạn cụ thể: Đến năm 2020 quy hoạch 41 CCN, với diện tích 783,27ha; giai đoạn 2021-2025 quy hoạch mới 15 CCN với diện tích 804,8ha; mở rộng 23 CCN với diện tích 426,7ha. Để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND tỉnh, điều chỉnh quy hoạch phát triển CCN, nâng diện tích đối với 1 CCN lên 25ha; bổ sung mới 1 CCN với diện tích 10,7ha, đưa tổng diện tích các CCN được quy hoạch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 1.623,77ha. Để tránh xảy ra tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, tỉnh ưu tiên đầu tư trước các dự án xây dựng hạ tầng CCN có tính khả thi nhất, gồm: lợi thế vị trí, quy mô, ngành nghề truyền thống, nguồn nhân lực tại chỗ, khả năng giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch...). Tỉnh cũng chủ động xây dựng và áp dụng linh hoạt các phương án huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN. Trong đó, đẩy mạnh huy động vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN; vốn huy động từ các doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại CCN. Vốn ngân sách chủ yếu hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông đấu nối vào các CCN. Đáng chú ý, trong điều kiện còn nhiều khó khăn trong bố trí nguồn vốn ngân sách, tỉnh đã tích cực lồng ghép các chương trình mục tiêu của Trung ương và địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngoài hàng rào CCN. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN được tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi. Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy, đến nay toàn tỉnh đã thành lập 24 CCN với tổng diện tích 495,21ha; trong đó có 22 CCN với tổng diện tích 445,41ha đã đi vào hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy trung bình tương đối cao; nhiều CCN, nhất là các CCN phục vụ việc di dời, mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong làng nghề thu hút đầu tư đạt hiệu quả khá, tỷ lệ lấp đầy bảo đảm được mục tiêu đề ra như các CCN: Vân Chàng, Đồng Côi, La Xuyên, Xuân Tiến... Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào CCN hoạt động ổn định, đóng góp chung vào tăng trưởng của ngành công nghiệp, góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hiện tại, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng 2 CCN gồm: CCN Yên Bằng (Ý Yên) với quy mô 50ha (trong đó: đất tại xã Yên Bằng là 36,37ha, đất tại xã Yên Hồng là 13,63ha); CCN Thanh Côi tại xã Tam Thanh (Vụ Bản) quy mô 49,8ha. Đây là 2 CCN trọng điểm, có quy mô tương đối lớn song trong triển khai đầu tư đang phát sinh một số vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, các ngành, các địa phương đang nỗ lực tập trung tháo gỡ mọi vướng mắc liên quan. Nhờ được các ngành chức năng, huyện Ý Yên tập trung hỗ trợ, đến nay Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Nam - Hàn Quốc (nhà đầu tư xây dựng CCN Yên Bằng) đã hoàn thành việc khảo sát hiện trường, xác định điểm đấu nối nút giao thông đường bộ, đường sắt; dự kiến ngày 30-5 hoàn thiện thủ tục xin đấu nối giao thông qua tuyến đường sắt Bắc - Nam; hoàn thiện việc thẩm định thiết kế bản vẽ thi công Trạm xử lý nước thải và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạ tầng kỹ thuật; đang thực hiện rà phá bom mìn, vật liệu nổ; chuẩn bị hồ sơ thuê đất. CCN Thanh Côi đến nay đã cơ bản hoàn tất các thủ tục xin đấu nối giao thông qua tuyến đường sắt Bắc - Nam; hoàn thiện việc lập phương án di chuyển đường ống nước bị ảnh hưởng trong đất dự án; cơ bản hoàn thiện việc thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạ tầng kỹ thuật, thực hiện xong rà phá bom mìn; tập trung chuẩn bị hồ sơ thuê đất theo hướng dẫn của Sở TN và MT. 

Với mục tiêu sớm hoàn tất, đưa vào khai thác, cung ứng mặt bằng cho các nhà đầu tư thứ cấp phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục quan tâm theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực tế, đề xuất phương án xử lý đối với các CCN, nếu có vấn đề gì vướng mắc sẽ tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ. Để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng các CCN theo quy hoạch, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng các CCN. Tăng cường huy động các nguồn vốn thông qua các hình thức: tranh thủ tối đa sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế; tăng cường sự hợp tác với các tỉnh; đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp, hợp tác, liên kết, liên doanh của các tập đoàn, các công ty lớn, các ngành. Căn cứ vào sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành nghề, địa phương, chọn lọc thứ tự ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng các CCN đã được quy hoạch với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn; đẩy mạnh phát triển CCN tại các địa phương có nhiều lợi thế và gắn việc phát triển với liên kết các ngành thương mại, dịch vụ trong phát triển kinh tế; đồng thời đảm bảo gắn với không gian công nghiệp cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với các tuyến hành lang kinh tế và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc nhằm trang thủ các mối liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng, hợp tác với khu vực và quốc tế./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com