Thời gian qua, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tại các địa phương trong tỉnh được thực hiện nghiêm túc, triệt để. Đây là biện pháp hữu hiệu tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường, ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Đàn gia súc, gia cầm của tỉnh có trên 750 nghìn con lợn, khoảng 43 nghìn con trâu, bò và hơn 7,5 triệu con gia cầm. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan, bảo vệ sản xuất, sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tỉnh đã phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2016” trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” tới các xã, thị trấn, đồng thời phân công cán bộ xuống địa phương, tăng cường giám sát dịch bệnh, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được tính chất đặc biệt nguy hiểm của dịch bệnh gia súc, gia cầm, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 1.700 lít thuốc sát trùng cho các huyện, thành phố và tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật tiêu độc, khử trùng để bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người và động vật. Xã Trực Đại là một trong những địa phương phát triển mạnh chăn nuôi của huyện Trực Ninh. Toàn xã có khoảng 12 nghìn con lợn, 40 nghìn con gia cầm với gần 4.000 hộ tham gia chăn nuôi. Đồng chí Phạm Quang Ba, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, từ ngày 3-5-2016, xã đã phát động nhân dân tập trung quét dọn vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang cây cỏ xung quanh các khu vực chăn nuôi, khu vực giết mổ… Được huyện cấp hỗ trợ cho 15 lít thuốc sát trùng, cùng với lượng thuốc dự trữ của địa phương, xã đã cấp cho các xóm thực hiện phun tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, các khu công cộng… Bên cạnh đó, xã cũng phát động nhân dân chủ động mua thuốc sát trùng, vôi bột để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại gia đình. Trong Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng vừa qua, người dân đã mua khoảng 4 tấn vôi bột để rắc ở đường đi, lối lại và xung quanh các khu vực chuồng nuôi. Nhờ thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh nên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã tiếp tục phát triển ổn định.
Vệ sinh chuồng trại tại hộ gia đình chị Bùi Thị Phượng, khu 20, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu). |
Tại các địa phương khác do ý thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nên nhiều hộ luôn chủ động trong việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Tại các trang trại và các hộ chăn nuôi lớn thực hiện định kỳ công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 1-2 lần/tuần. Chị Bùi Thị Phượng, khu 20, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) có trang trại nuôi 34 con lợn nái sinh sản. Chị Phượng cho biết, nhiều năm chăn nuôi chị đã có kinh nghiệm, vào thời điểm tháng 5, tháng 6 thời tiết chuyển mùa, nắng nóng cộng mưa giông thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Chính vì vậy chị chủ động mua thuốc khử trùng Forsfectant và IOD Mar 5% về phun theo đúng hướng dẫn về nồng độ cho toàn bộ chuồng trại, định kỳ mỗi tuần 2 lần. Chị cho biết thêm, khi lợn đẻ con chị còn thực hiện phun khử trùng, tiêu độc 2 ngày 1 lần cho tới khi lợn con xuất chuồng. Nhờ thực hiện tốt công tác phun thuốc khử trùng, tiêu độc kèm theo bổ sung chế độ ăn hợp lý đã giúp đàn lợn của chị Phượng nhiều năm luôn phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Cũng như chị Phượng, anh Phạm Văn Dục, thôn Phù Cầu, xã Yên Phương (Ý Yên) chủ gia trại chăn nuôi gà đẻ trứng có tiếng luôn coi việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại là giải pháp tốt nhất để bảo đảm chăn nuôi an toàn. Anh Dục chia sẻ, chất thải trong chăn nuôi nếu không được thu gom, không vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, khử trùng thường xuyên sẽ ủ mầm bệnh, rất dễ phát sinh dịch. Do vậy anh thường xuyên quét dọn sạch sẽ chuồng và xung quanh chuồng nuôi, thu gom phân, rác thải, chất độn chuồng để đốt; thường xuyên rắc vôi bột ở lối đi và xung quanh chuồng nuôi. Để người dân sử dụng thuốc, hóa chất an toàn cho chăn nuôi và môi trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo bà con nông dân sử dụng vôi bột, nước vôi đặc hoặc các loại hóa chất sát trùng như Benkocid, Han-iodine, Vinadin, Virkon, Chloramin B…; tuân thủ liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Việc phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chỉ thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ rửa sạch sẽ. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đến nay, số thuốc sát trùng đã được sử dụng là 3.038 lít; các xã, thị trấn đã mua 44,5 tấn vôi bột. Có thể thấy, Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, các hộ chăn nuôi và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể. Tuy nhiên, qua thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 2016 cho thấy vẫn còn những tồn tại, khó khăn. Mặc dù tỉnh phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đợt 1” từ ngày 1-5 đến 1-6-2016, tuy nhiên hầu hết các địa phương đều triển khai chậm 5-10 ngày và kết thúc ngày 5 đến 10-6-2016. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chỉ có một số ít các xã thành lập tổ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, quét dọn, thu gom phân, rác thải; phun thuốc khử trùng khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Còn lại là hầu hết các xã phân bổ thuốc khử trùng cho dân tự phun, thú y viên giám sát. Lượng hóa chất còn ít nên chỉ tập trung cho các nơi có nguy cơ dịch bệnh cao, nơi công cộng, các hộ chăn nuôi phải chủ động mua hóa chất, vôi bột nên có một số hộ không tích cực dẫn đến hiệu quả chưa cao. Theo tính toán của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, 3.038 lít thuốc khử trùng chỉ đáp ứng nhu cầu khoảng 40% hộ chăn nuôi, cộng với các trang trại và người dân tự mua hóa chất thì tỷ lệ hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh phun hóa chất tiêu độc, khử trùng mới đạt khoảng 70%.
Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, chú ý chống nắng, chống nóng cho đàn vật nuôi. Thực hiện tốt công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi, tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, các hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bảo vệ đàn vật nuôi./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh