Cẩn trọng với "bẫy" tín dụng đen

09:06, 10/06/2016

Những lời rao mời cho vay với cam kết thủ tục đơn giản, giải ngân ngay tức thời và lãi suất “mềm” đã khiến nhiều khách hàng thiếu kinh nghiệm sập bẫy tín dụng đen với lãi suất cao “chót vót” khi lỡ tin ký vay. Đã có không ít vụ việc gây mất an ninh trật tự xã hội do hệ lụy của tín dụng đen mà nạn nhân là những người dân nghèo. “Tệ nạn” này cần được các ngành chức năng quan tâm và có giải pháp ngăn chặn.

Người vay tiền nên đến giao dịch tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng có uy tín. (Trong ảnh: Ngân hàng VBBank Chi nhánh tỉnh Nam Định luôn khẳng định uy tín, chất lượng nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị phần).
Người vay tiền nên đến giao dịch tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng có uy tín. (Trong ảnh: Ngân hàng VPBank Chi nhánh tỉnh Nam Định luôn khẳng định uy tín, chất lượng nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, mở rộng thị phần).

Hiện nay, nhu cầu mua sắm tiêu dùng ngày một gia tăng, song không phải ai cũng hiểu và có thể tìm đến tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Với những khoản vay nhỏ, nhiều người thường ngại tìm đến ngân hàng làm thủ tục vay, bởi e ngại nhiều thủ tục phức tạp. Ngoài ra có cả thói quen tâm lý của nhiều người không muốn người khác biết mình phải đi vay. Còn một bộ phận người kinh doanh nhỏ lẻ thường phát sinh nhu cầu vốn gấp cũng tìm đến dịch vụ tín dụng ngoài ngân hàng. Vì vậy, dù mức lãi cao, nhưng tín dụng đen vẫn phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Hằng ngày trên đường phố vẫn “nhan nhản” thông tin về các dịch vụ cho vay “nóng” trên các tờ rơi, cạc vi-sít được phát tận tay người đi đường, dán trên tường, cột điện, cây ATM…; giới thiệu trên mạng internet. Thủ tục khá đơn giản, khách hàng vay chỉ cần từ 22-60 tuổi và có thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở lên; chỉ phải cung cấp một trong các giấy tờ còn hiệu lực như: Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu, bằng lái xe, hộ chiếu, hóa đơn điện, nước, internet... Trong vai người đi vay, chúng tôi tìm đến gặp chị T - một chủ cho vay được ghi trong danh thiếp được một cô gái phát tận tay khi đang ngồi trên xe máy dừng đèn đỏ tại ngã tư đường Trần Phú - Hà Huy Tập (TP Nam Định). Vừa gặp tôi, chị T đã đon đả mời chào và giới thiệu các khoản vay với cam kết thủ tục đơn giản, nhanh gọn và giải ngân ngay lập tức. Tại nhà chị T trên phố Hàng Tiện (TP Nam Định) lúc này đã có gần chục khách hàng đang làm thủ tục nhận tiền. Không để tôi phải đợi lâu, chị T chỉ cần xem và ghi số chứng minh thư nhân dân và hỏi thông tin cơ quan đang công tác, sau đó chị đã sẵn sàng cho vay ngay. Quan sát các khách vay thấy món vay của khách hàng có thể từ vài ba triệu đồng cho đến vài chục triệu đồng. Chị T tranh thủ quảng cáo, trung bình mỗi ngày có từ 30-40 khách hàng đến vay, có khi còn cao hơn. Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, phần lớn khách hàng đến vay đều là những người đang rất cần tiền nên thường dễ dàng chấp nhận mọi điều khoản được thỏa thuận “miệng” mà không quá quan tâm đến cách tính tiền lãi, tiền gốc đối với món vay của mình. Theo phân tích của cán bộ tín dụng, điều đáng nói nhất chính là mức lãi suất cho những món vay “nóng” này có thể lên đến 365%/năm tùy món vay theo ngày, tuần hay tháng, mức lãi có khi áp dụng 1%/ngày.

Ngoài các cá nhân, một số Cty tài chính cũng cung cấp các dịch vụ cho vay nóng thông qua mạng internet. Theo đó, người vay chỉ cần vào website của các Cty tài chính, cung cấp một số thông tin cơ bản theo mẫu và đăng ký vay tiền thì sẽ được nhân viên liên hệ với khách hàng để giao hợp đồng. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nếu hợp đồng được duyệt, khách hàng có thể nhận được tiền vay tại các điểm giao dịch thanh toán điện tử. Theo cam kết của các Cty tài chính thì khách hàng sẽ được miễn lãi cho khoản vay đầu tiên. Lãi suất cho vay được các Cty tài chính niêm yết trên website chỉ có 10,95%/năm. Còn phí dịch vụ, phí tư vấn (nếu có) được quy định theo hợp đồng. Tuy nhiên, trao đổi với một số trường hợp khách hàng đã vay thì thực tế người vay phải trả lãi suất tới 1%/ngày. Sở dĩ có tình trạng này bởi nhiều người thiếu kinh nghiệm nên không thể tính toán nhanh hoặc phân tích được chính xác mức lãi trong “mớ” thông tin nghiệp vụ mà các Cty tài chính hay nhân viên tư vấn đưa ra. Đến hợp đồng đã ký có nhận ra vấn đề thì sự đã rồi. Thông qua sự “giúp đỡ” của một cộng tác viên của Cty tài chính M. có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn H. ở Nam Trực quyết định vay 3 triệu đồng, với cam kết của Cty là nếu hoàn trả sau đúng 7 ngày thì sẽ không tính lãi. Tuy nhiên, số tiền thực lĩnh của anh H. chỉ là 2,5 triệu đồng, 500 nghìn đồng được chia ra thành 2 phần, dùng để tạo hồ sơ (290 nghìn đồng) và gia hạn cho 7 ngày đó (210 nghìn đồng). Nhân viên tư vấn của Cty này cũng cho anh H. biết, lãi suất của Cty quy định là 1%/ngày. Ngay sau đó, anh H. đã phải vội vàng tất toán hợp đồng để thoát khỏi “bẫy” tín dụng đen này…

Đem câu chuyện mà chúng tôi tìm hiểu được để trao đổi với đại diện Chi nhánh NHNN tỉnh với các câu hỏi:

ngành Ngân hàng phải làm thế nào để góp phần ngăn chặn tín dụng “đen” và có hay không sự “bắt tay” của tổ chức ngân hàng, tín dụng với các cá nhân trên thị trường cho vay chợ đen? được biết: Hiện Chi nhánh NHNN tỉnh đang phối hợp với các lực lượng chức năng để nắm tình hình hoạt động cho vay của thị trường tự do. Hiện tại, Chi nhánh NHNN tỉnh chưa phát hiện được trường hợp nào có sự liên kết giữa ngân hàng thương mại với các tổ chức, cá nhân cho vay tín dụng tự do theo kiểu tín dụng “đen”. Nếu phát hiện, Chi nhánh NHNN sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật. Thực tế thời gian gần đây, nhu cầu vốn tiêu dùng tăng trưởng khá nhanh khi cuộc sống của người dân nâng lên. Thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh cho thấy, 3 năm qua tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng thương mại tăng gấp hơn 2 lần. Hiện có 2 hình thức cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng áp dụng là cho vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo thì lãi suất ưu đãi hơn và cho vay tín chấp không có tài sản bảo đảm thì lãi suất cao hơn. Đại diện Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết thêm, dù là vay theo hình thức nào và vay ở đâu, người vay cũng cần tìm hiểu kỹ về các quy định của bên cho vay nhất là các điều khoản về phương thức trả nợ và lãi suất cho vay bởi trên thực tế người vay thường rất hạn chế kiến thức. Vì thế, khi có nhu cầu vốn khách hàng nên tìm đến các tổ chức tín dụng, các ngân hàng cho vay có uy tín để tránh tín dụng “đen” lãi suất cao. Hiện nay lãi suất cơ bản vẫn dùng mức 9%/năm, do vậy việc tổ chức cho vay không được cho vay với lãi suất cao hơn mức 13,5%/năm./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com