Từng bước lập lại trật tự kinh doanh hàng đa cấp

08:06, 10/06/2016

Thời gian qua, một số Cty biến tướng phương thức kinh doanh đa cấp để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng trên phạm vi cả nước, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật. Trên địa bàn tỉnh ta, hệ lụy của hoạt động kinh doanh đa cấp đã ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt và kinh tế của một bộ phận không nhỏ người dân trong tỉnh ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Điển hình như vụ việc: Cty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam; Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng dưới hình thức kinh doanh đa cấp trá hình. Trước thực tế này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng Công thương, Công an, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, lừa đảo người tiêu dùng của các gian thương núp bóng kinh doanh đa cấp.

Lực lượng Quản lý thị trường huyện Xuân Trường thu giữ sản phẩm máy sục ô dôn, chảo điện của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn.
Lực lượng Quản lý thị trường huyện Xuân Trường thu giữ sản phẩm máy sục ô dôn, chảo điện của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn.

Theo thông báo của Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương), hiện có 20 doanh nghiệp (24 đại lý) thông báo hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh ta. Ngoài ra còn một số đơn vị sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng cung ứng cho các Cty kinh doanh hàng đa cấp. Tuy nhiên đây chỉ là các trung tâm phân phối, chi nhánh hoặc các đại lý với mạng lưới hoạt động trên khắp địa bàn tỉnh, còn trụ sở chính của các doanh nghiệp này thường ở ngoại tỉnh hoặc các thành phố khác như Hà Nội, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… khiến cho việc kiểm soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh hàng đa cấp đã khó lại càng khó hơn. Phương thức bán hàng của các doanh nghiệp này là thông qua mạng lưới nhân viên phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh đưa hàng đến người tiêu dùng. Các nhân viên phân phối được trả hoa hồng theo tỷ lệ kết quả bán hàng của họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ (các nhánh dưới). Hàng hóa các Cty này sử dụng trao đổi thường là thực phẩm chức năng có tác dụng chăm sóc sắc đẹp, chữa bệnh, giảm cân; đồ điện, điện tử, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học… Hầu hết các sản phẩm này có xuất xứ từ nước ngoài nên người tiêu dùng khó đối chiếu, đánh giá chất lượng, giá trị sử dụng và giá cả sản phẩm với các sản phẩm cùng loại đang lưu hành trên thị trường, lại do người bán hàng tư vấn trực tiếp tới từng người tiêu dùng nên bị lợi dụng thổi phồng giá trị, gây nhầm lẫn, dụ dỗ người tiêu dùng. Đặc biệt để tăng sức thuyết phục, người kinh doanh tổ chức những buổi hội thảo, hội nghị khách hàng quy mô lớn, cách thức tổ chức khá hoành tráng rùm beng và mời thuyết trình viên tự xưng là bác sĩ, dược sĩ hoặc chuyên gia đã có nhiều năm kinh nghiệm để giới thiệu sản phẩm thu hút khách hàng khiến hàng nghìn người dân ở cả khu vực nông thôn và thành thị thiếu kinh nghiệm, thông tin tham gia. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh, đánh giá đầy đủ tính chất phức tạp của hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã tiến hành rà soát lại các đại lý, chi nhánh của các Cty bán hàng đa cấp đăng ký hoạt động trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động kinh doanh hàng đa cấp và làm tốt công tác phối hợp các lực lượng trong việc đấu tranh với hình thức gian lận thương mại này. Lực lượng Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh hàng đa cấp trên phạm vi toàn tỉnh; phát hiện nhiều sai sót cả về điều kiện kinh doanh và nhãn hàng hóa cung ứng. Tại đại lý kinh doanh hàng đa cấp của Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có địa chỉ số 73 Lương Thế Vinh, Thị trấn Gôi (Vụ Bản) và cơ sở Hoàng Phi tại địa chỉ số 55, khu phố 3, Thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng) đã cung ứng sản phẩm bếp điện từ, thực phẩm chức năng cho người tiêu dùng theo hình thức kinh doanh đa cấp. Toàn bộ sản phẩm đều vi phạm về nhãn hàng hóa không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện nguồn gốc xuất xứ, nhãn phụ bằng tiếng Việt trên sản phẩm. Tại đại lý của Cty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam, tại số 1 Trần Anh Tông (TP Nam Định), đoàn kiểm tra đã tạm giữ một số hàng hóa vi phạm (thực phẩm chức năng) để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó sản phẩm của Cty TNHH Dược phẩm Hoàng Liên, KCN Hòa Xá (TP Nam Định) - đơn vị sản xuất các sản phẩm Fe3 sibix Drop, Pantocrine- Ilife, Taurine Vita Drop 250mg cung ứng cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp là Cty TNHH I life có địa chỉ tại B26 - lô 9, Khu đô thị Định Công, Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đang được các cơ quan chức năng xem xét tính hợp pháp của sản phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Trước sự vào cuộc quản lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhiều cơ sở kinh doanh hàng đa cấp đã đối phó bằng cách thay đổi địa điểm hoạt động thường xuyên để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng như đại lý Cty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam; Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy nhưng đều bị lực lượng chức năng phát giác, phạt hành chính, tịch thu hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời công khai địa chỉ các cơ sở không đủ điều kiện và vô hiệu hóa các doanh nghiệp đó để cảnh báo người tiêu dùng. Đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 24 đại lý đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn tỉnh thì có tới 16 đại lý đóng cửa ngừng hoạt động; không có địa điểm kinh doanh cụ thể; hầu hết số điện thoại đăng ký đều không liên lạc được. Động thái này cho thấy hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đã được kiềm chế, không còn công khai như trước. Tuy nhiên theo nhận định của các cơ quan chức năng mạng lưới kinh doanh đa cấp hoạt động trong tỉnh hiện nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp rất khó kiểm soát, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự lỏng lẻo trong cơ chế kiểm tra giám sát đối với các doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp. Đặc biệt tâm lý và kinh nghiệm của nhiều người tiêu dùng, nhất là người trung, cao tuổi và người dân nông thôn không có thói quen tham khảo thông tin nhiều nguồn về các sản phẩm, cả tin hàng ngoại đồng nghĩa với chất lượng tốt… là yếu tố khiến kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn len lỏi được vào thị trường.

Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý Nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp và giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức phù hợp để thông tin đến với đông đảo người dân. Chủ động phối hợp với các cơ chức năng liên quan kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn, thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn, cung cấp thông tin hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh đa cấp theo quy định của pháp luật. Khuyến cáo người dân phải cảnh giác tìm hiểu kỹ thông tin liên quan đến hàng hóa như công dụng của sản phẩm, các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và bản thân các nhà phân phối. Chủ động tố giác nếu phát hiện thấy những biểu hiện các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn với chính quyền địa phương, Sở Công thương hoặc cơ quan công an gần nhất./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com