Những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế gia đình trong đó các mô hình tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp hội viên phụ nữ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của hội viên.
Xã Hải Sơn có 2.580 hội viên phụ nữ chủ yếu làm nông nghiệp và một số hộ kinh doanh nhỏ lẻ nên thu nhập còn hạn chế. Trước thực tế đó, Hội Phụ nữ xã luôn trăn trở tìm ra các mô hình mới giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình vừa đảm bảo môi trường, sức khỏe con người. Năm 2014, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Hội Phụ nữ huyện, sự phối hợp của Trung tâm Nghiên cứu giới, môi trường và gia đình trong phát triển (Trung ương Hội LHPN Việt Nam), Hội Phụ nữ xã tổ chức 4 lớp tập huấn cho chị em về mô hình nuôi giun quế kết hợp với chăn nuôi khép kín không chất thải. Cuối năm 2014, Hội Phụ nữ huyện tổ chức cho 40 hội viên, trong đó xã Hải Sơn có 2 chị đi tham quan mô hình nuôi giun quế tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) để các chị được quan sát và học tập kinh nghiệm thực tế. Qua quá trình tập huấn và tham quan mô hình thực tế, chị em được học hỏi kinh nghiệm, cách làm từ mô hình để áp dụng triển khai tại địa phương. Bước đầu, chị Đoàn Thị Gấm và chị Trần Thị Len đã tiên phong làm thí điểm mô hình nuôi giun quế. Thức ăn cho giun là tất cả các loại rác thải hữu cơ; sau khi thu hoạch, giun được dùng làm thức ăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời mùn giun dùng để bón các loại rau, cây trồng giúp cải tạo đất, hạn chế sử dụng hóa chất trừ sâu. Từ hiệu quả ban đầu, một số chị đã mạnh dạn tham gia thực hiện mô hình như Vũ Thị Lan, Nguyễn Thị Hiền, Phùng Thị Phương, Nguyễn Thị Toan. Để khuyến khích, động viên chị em, Hội Phụ nữ xã đã ưu tiên hỗ trợ cho các chị tiên phong đi đầu nuôi giun quế vay vốn với mức vay từ 10-15 triệu đồng/hộ. Năm 2015, Hội Phụ nữ huyện và Trung tâm Nghiên cứu giới, môi trường và gia đình trong phát triển tiếp tục tổ chức tập huấn cho chị em trong xã về kỹ thuật nuôi giun quế, cách làm chuồng trại, cách cho giun ăn, cách thu hoạch; cách thành lập nhóm, quản lý nhóm, kỹ năng tiếp thị bán hàng. Khi có kiến thức, Hội Phụ nữ xã quyết định thành lập nhóm nuôi giun quế, ban đầu có 11 chị tham gia, sau 1 năm đã cho thấy kết quả rõ rệt về kinh tế và môi trường. Ngoài thu nhập từ bán giun quế, các hộ gia đình dùng phân giun bón cho cây, hạn chế hóa chất trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, giúp cải tạo đất, thân thiện với môi trường và làm ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn. Việc sử dụng giun quế trong chăn nuôi cũng đã giảm đáng kể chi phí mua thức ăn cho gia súc, gia cầm, nhờ đó thu nhập của các hội viên ổn định hơn. Trong năm 2015, nhóm đã được 2 lần đi tham gia phiên chợ nông sản ở Hà Nội, giới thiệu và bán những sản phẩm từ mô hình như trứng gà, mùn giun, gạo và các loại rau, được khách hàng rất ưa chuộng và có phản hồi tốt. Đến cuối năm 2015 đã có 20 hội viên tham gia nhóm. Tháng 4-2016, Hội Phụ nữ xã tiếp tục thành lập 1 nhóm nuôi giun quế mới tại chi hội 5 với 15 thành viên tham gia.
|
Một mô hình nuôi giun quế của hội viên phụ nữ ở xã Hải Phú. |
Tại xã Hải Lộc, những năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ đã mạnh dạn đưa vào canh tác một số giống cây dược liệu như: đinh lăng, dây thìa canh mang lại giá trị kinh tế cao… Tuy nhiên, thời gian đầu, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, công nghệ, máy móc, thiết bị chưa được đầu tư; kỹ thuật chăm sóc cây dược liệu chưa nghiêm ngặt và đảm bảo yêu cầu nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo, đầu ra chưa ổn định hiệu quả kinh tế thấp. Từ chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, dưới sự hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh, từ tháng 7-2014, HTX trồng cây dược liệu được thành lập thu hút 30 xã viên là cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; tổng diện tích canh tác là 150 sào chủ yếu là trồng cây dây thìa canh. Trung ương Hội hỗ trợ HTX một máy sấy dược liệu với tổng trị giá 90 triệu đồng. Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng mua phân bón, đồng thời phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn cho xã viên về quy trình, kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến theo công nghệ VietGap. Tham gia HTX trồng cây dược liệu, cán bộ, hội viên phụ nữ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, vốn quỹ tiết kiệm, đặc biệt là chính sách ưu tiên cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn không lãi. Hội viên còn được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, đầu tư giống, phân bón, xây dựng hệ thống cọc chống, đỡ, giàn lưới… nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tăng gấp 5-6 lần so với trồng lúa. Mô hình HTX trồng cây dược liệu đã hỗ trợ hàng chục hội viên phát triển kinh tế nâng cao mức sống, tạo điều kiện để phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ở Hải Hậu góp phần giúp các chị phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình. Đến nay, riêng mô hình nuôi giun quế, phát triển chăn nuôi, trồng trọt khép kín không chất thải. Ở Hải Hậu đã mở rộng ra 11 xã, thị trấn là: Hải Sơn, Hải Cường, Hải Phú, Hải Xuân, Hải Đường, Hải Long, Hải Tây, Hải Phúc, Hải Chính, Hải Hưng, Thị trấn Cồn. Các xã đã thành lập được các nhóm nuôi giun, xây dựng quy chế hoạt động, hằng tháng sinh hoạt vào một ngày nhất định tham gia đóng tiết kiệm và góp quỹ nhằm tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế. Từ kết quả đạt được, thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện Hải Hậu sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các mô hình phụ nữ liên kết phát triển kinh tế thu hút đông đảo phụ nữ tham gia nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên phụ nữ./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng