Theo Quyết định 2126 ngày 19-11-2014 của UBND tỉnh, huyện Xuân Trường có 3 doanh nghiệp đủ điều kiện đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ là các Cty: CP Kinh tế Thiên Trường (xã Xuân Châu); TNHH Việt Tiến và TNHH Đại Nguyên Dương đều ở Thị trấn Xuân Trường. Thành phố Nam Định có Cty CP Công nghiệp tàu thủy Nam Hà; huyện Hải Hậu có Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long; huyện Giao Thủy có Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ; huyện Vụ Bản có Cty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào. Việc rà soát, công nhận năng lực đã giúp các doanh nghiệp này cơ hội được nhiều khách hàng trên toàn quốc tiếp cận, ký kết đơn hàng đóng mới, sửa chữa tàu thuyền.
|
Đôi tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ do Cty CP Kinh tế Thiên Trường thực hiện và bàn giao cho ngư dân tháng 4-2016. |
Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh cũng đã phê duyệt hồ sơ của 34 tổ chức, cá nhân xin đóng mới tàu cá vỏ thép. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, các tổ chức, cá nhân đã tiếp cận các Ngân hàng Thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh để được vay vốn đóng mới tàu cá vỏ thép, trong đó, số lượng tàu đã được các NHTM tiếp nhận hồ sơ vay vốn là 34 tàu đều là tàu khai thác hải sản xa bờ. Đã có 25 chủ tàu ký được hợp đồng tín dụng với các NHTM và đang triển khai đóng tàu, 9 chủ tàu còn lại đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để ký hợp đồng tín dụng. Sau hơn 1 năm triển khai quyết liệt, đồng bộ đến tháng 4-2016, đôi tàu cá vỏ thép đầu tiên của tỉnh ta được hỗ trợ tín dụng do Cty CP Kinh tế Thiên Trường thi công đã hoàn thành và bàn giao cho ngư dân sau 9 tháng thi công. Đó là 2 tàu cá vỏ thép Hoàng Nam 789 (chủ tàu là ông Vũ Văn Kiên, Thị trấn Thịnh Long) và Hoàng Thanh 01 (chủ tàu là ông Nguyễn Văn Thông, xã Hải Chính) với kích thước: dài 28 mét, rộng 7,4 mét, cao 3,1 mét; tàu sử dụng 2 động cơ Yan-mar với tổng công suất 1.055CV, trọng tải 108 tấn, lượng chiếm nước 210 tấn, được trang bị hệ thống lưới khai thác có chiều dài 10 hải lý. Hai tàu có khả năng hoạt động trên biển liên tục từ 30-50 ngày, chịu được sóng gió cấp 9-10, sức chứa 14 thuyền viên. Ngoài đôi tàu cá vỏ thép đã hoàn thành, Cty đang nỗ lực hoàn thành tiếp 6 tàu cá vỏ thép của ngư dân Nam Định và 5 tàu cá vỏ thép của các tỉnh ngoài. Các doanh nghiệp khác tham gia chương trình cũng đang nỗ lực thi công, hoàn thành các hợp đồng đã ký. Ông Nguyễn Trung Bộ, Giám đốc Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ ở khu 1, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) cho biết: Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cộng với sự quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp của các cấp, các ngành, Cty đã không ngừng nỗ lực tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2000, ISO 14000, SA 8000 bảo đảm các sản phẩm sản xuất ra đều đạt chất lượng. Cty đã xây dựng được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao và được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh trong lĩnh vực đóng mới, nâng cấp, hoán cải tàu cá vỏ thép và các phương tiện vận tải thủy. Cty đã được Đăng kiểm Việt Nam xác nhận đủ năng lực đóng mới tàu vỏ sắt có trọng tải từ 3.000 đến 5.000 tấn. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng, Cty đã đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng để mua 40 máy hàn xoay chiều, 2 máy hàn chuyên dụng và cải tạo hệ thống triền ngang, cẩu… đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hiện, Cty đang đóng mới hàng chục tàu cá vỏ thép với tổng giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng, trong đó có 6 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Theo thiết kế, cả 6 tàu cá vỏ thép do Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ thi công đóng mới lần này đều có chiều dài 27,5m, chiều cao mạn tàu 3,25m; công suất máy thiết kế trên 800 CV/tàu. Tổng giá trị đầu tư mỗi con tàu là 14 tỷ 285 triệu đồng. Theo kế hoạch, Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ sẽ hoàn tất việc thi công đóng mới 6 tàu cá vỏ thép này trong tháng 5 để bàn giao cho các ngư dân vươn khơi bám biển. Cty TNHH Đại Nguyên Dương ngoài hợp đồng đóng mới tàu vận tải đường sông và tàu vận tải đường biển đã ký được hợp đồng đóng mới 3 tàu cá theo Nghị định 67 với tổng trị giá hợp đồng lên đến 42 tỷ đồng. Để duy trì tốc độ sản xuất, hơn 100 lao động với mức thu nhập bình quân 280-300 nghìn đồng/người/ngày ở 7 tổ sản xuất (mỗi tổ từ 13-15 người) của Cty thường xuyên phải tăng ca thêm buổi tối. Là doanh nghiệp có bề dày hoạt động 45 năm liên tục trong ngành công nghiệp đóng tàu, với tổng diện tích mặt bằng gần 10ha, hạ tầng cơ sở và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã được đầu tư nâng cấp cùng với đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật đóng tàu được đào tạo chính quy, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, sản phẩm của Cty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (thành viên của Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng) đã có mặt tại 34 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Ngoài các sản phẩm đóng mới, sửa chữa phương tiện vận tải thủy theo đơn đặt hàng, trong 2 năm qua Cty đã đảm nhiệm và hoàn thành 10 hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép để bàn giao cho ngư dân bám biển khai thác.
Như vậy, với 7 doanh nghiệp đủ năng lực và 34 hợp đồng đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 và nhiều hợp đồng khác đã và đang được triển khai là “cú hích” quan trọng không chỉ khôi phục và khẳng định vị thế ngành công nghiệp đóng tàu của tỉnh ta mà còn góp phần hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển. Phát biểu tại lễ bàn giao đôi tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 đầu tiên của tỉnh ta, đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 của tỉnh nhấn mạnh: Với điều kiện tự nhiên có 72km bờ biển; hơn 10 nghìn ha bãi bồi, 4 cửa sông lớn tỉnh ta có đầy đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển hơn nữa kinh tế biển và ngành công nghiệp đóng tàu. Vì thế, với 34 chỉ tiêu đóng mới tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện, chỉ đạo các cấp, các ngành nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để triển khai khởi công 9 tàu cá vỏ thép còn lại. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp đóng tàu đẩy nhanh tiến độ, tập trung nhân lực, vật lực để khẩn trương thực hiện và hoàn thành các hợp đồng đóng tàu cá vỏ thép đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ đề ra./.
Bài và ảnh:
Thành Trung