Khoa học công nghệ - Chìa khóa thành công

07:05, 19/05/2016
Mới đây, chúng tôi có dịp cùng đoàn cán bộ, xã viên của các địa phương có diện tích trồng khoai tây lớn trên địa bàn tỉnh tham quan khu sản xuất khoai tây giống của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN). Tại đây, khoai tây được nhân giống theo phương pháp nuôi cấy mô trong phòng lạnh; tạo củ giống siêu nguyên chủng khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh trong nhà lưới có điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, nguồn nước và không khí lưu thông; suốt quá trình phát triển, tạo củ, người trồng có thể kiểm soát số lượng củ, định lượng tiêu chuẩn, chất lượng của củ giống trước khi thu hoạch… Chủ nhiệm đề án, anh Vũ Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN cho biết: Nam Định là vùng trọng điểm của cả nước về sản xuất khoai tây. Diện tích trồng khoai tây của tỉnh hằng năm đạt khoảng 2.300-2.500ha với tổng sản lượng trên 30 nghìn tấn. Tuy nhiên, diện tích và sản lượng khoai tây của tỉnh vẫn còn thấp so với tiềm năng phát triển. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do tỉnh ta chưa đáp ứng đủ nhu cầu về giống khoai tây sạch bệnh của nông dân. Đáp ứng đủ nguồn giống khoai tây sạch bệnh, chất lượng tốt với giá thành thấp, giúp người dân chủ động về giống và thời vụ là nhiệm vụ đặt ra cho các cán bộ kỹ thuật, những người làm khoa học của tỉnh. Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở KH và CN, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã tổ chức thực hiện Đề án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Nam Định”. Thông qua Đề án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã hoàn thiện điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong đó, đã lắp đặt 16 nghìn m 2 nhà lưới cách ly côn trùng; mua bổ sung 1 máy làm đất, 3 máy bơm nước, xây mới 3 kho lạnh để bảo quản củ giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng. Tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất cho 30 lượt người tham gia sản xuất giống khoai tây bằng công nghệ khí canh trong vụ đông 2015. Trong vụ đông năm 2015 đã tổ chức sản xuất giống khoai tây siêu nguyên chủng trong nhà lưới đa năng với diện tích 6.000m 2, năng suất đạt trên 5,8 tấn/ha. Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, Sở KH và CN đã tổ chức kiểm tra đối chiếu và so sánh với phương thức sản xuất khoai tây đại trà sử dụng các giống người dân địa phương tự bảo quản qua các vụ. Kết quả cho thấy, việc sử dụng giống sản xuất bằng công nghệ khí canh cho kết quả khả quan, cây sinh trưởng phát triển đồng đều, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, năng suất cao, củ giống đạt tiêu chuẩn… Dự kiến khi Đề án hoàn thành vào năm 2018 sẽ xây dựng được một hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh với sản lượng đạt từ 1.000-1.200 tấn củ giống xác nhận/năm; đáp ứng khoảng 50% nhu cầu giống khoai tây cho tỉnh.
 
Đoàn công tác Bộ NN và PTNT thăm mô hình sản xuất khoai tây giống theo phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN).
Đoàn công tác Bộ NN và PTNT thăm mô hình sản xuất khoai tây giống theo phương pháp khí canh tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN).
Thành công bước đầu của Đề án sản xuất khoai tây giống sạch bệnh là một ví dụ điển hình trong việc đưa KHCN vào giải quyết những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Những năm gần đây, theo tinh thần chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh về việc tăng cường hoạt động KHCN, ngành KH và CN tỉnh đã xác định KHCN là yếu tố “then chốt” trong thực hiện mục tiêu phát triển hợp lý nền nông nghiệp tiên tiến. Mỗi năm hàng trăm đề tài, dự án ứng dụng KHCN được triển khai góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng công nghệ cao. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phương pháp sản xuất tiên tiến được ứng dụng đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Việc ứng dụng KHCN vào sản xuất góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa và dự kiến xây dựng 14 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị kinh tế trung bình trên 1ha canh tác của toàn tỉnh đạt xấp xỉ 130 triệu đồng/năm. Riêng năm 2015 cùng với dự án sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, Sở KH và CN đã triển khai thực hiện 54 đề tài, dự án KHCN trên các lĩnh vực: TN và MT; Công nghiệp; Công nghệ thông tin; Nông nghiệp; Y tế; Khoa học xã hội nhân văn... Trong đó: 28 đề tài, dự án KH và CN cấp tỉnh chuyển tiếp, 18 đề tài, dự án KH và CN cấp tỉnh năm 2015, 2 dự án thuộc Chương trình nông thôn, miền núi; 6 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đã được hoàn thiện để triển khai ứng dụng thành công vào thực tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, bưu chính, viễn thông, y tế, bảo vệ môi trường… Nhiều dự án thiết thực giải quyết các vấn đề cụ thể ở cơ sở như: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hệ thống thủy nông, quản lý đối tượng bảo trợ xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề truyền thống. Trong lĩnh vực công nghiệp, Sở KH và CN đã ưu tiên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại, phù hợp nhu cầu, tiềm lực của tỉnh như: làm chủ công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh (probiotic) dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn, gà chất lượng cao và xây dựng mô hình sản xuất thức ăn chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương phục vụ chăn nuôi của tỉnh; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và ứng dụng thử nghiệm thiết bị điều khiển đèn chiếu sáng công cộng từ trung tâm thông qua mạng thông tin di động trên các tuyến phố; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm tạo ra những sản phẩm mới, đăng ký tài sản trí tuệ; kiểu dáng công nghiệp và hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn sản xuất để nâng cao chất lượng hàng hóa đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong lĩnh vực y dược, hỗ trợ các doanh nghiệp dược phẩm ứng dụng thành công quy trình chiết xuất Sa-pô-nin trên quy mô công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế với năng suất cao hơn so với các quy trình trước đây, đồng thời mở ra hướng phát triển vùng trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao giá trị cây thuốc nam, tăng thu nhập cho nông dân. Nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất màng bao phim viên nén trong sản xuất thuốc chống lao, kết hợp ba thành phần có chất lượng tương đương các loại thuốc của Đức, Ấn Độ, được Bộ Y tế công nhận, mang lại hiệu quả xã hội cao trong điều trị bệnh lao, giảm chi phí chữa bệnh, thay thế thuốc nhập khẩu. Cùng với việc xây dựng và triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe có ý nghĩa cộng đồng, phòng, chống các dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, Sở KH và CN còn hỗ trợ việc nghiên cứu tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe cộng đồng và đề xuất một số giải pháp làm giảm nguy cơ ô nhiễm và cải thiện sức khỏe cộng đồng tại các làng nghề cơ khí. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Sở KH và CN đã tập trung nghiên cứu các vấn đề về quản lý kinh tế, về văn hóa, xã hội đặc thù của tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, cơ sở khoa học cho việc ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh. Các nguồn lực tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường được xem xét đánh giá, phân tích với vai trò là nguồn lực cơ bản cho phát triển bền vững giúp các ngành, các cấp đề xuất các chính sách, mô hình, giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực này cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Theo Sở KH và CN, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN còn gặp nhiều khó khăn như: Xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh còn thấp, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nhỏ, trình độ công nghệ còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực KHCN nên việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới còn khó khăn. Công tác đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có chuyển biến tốt nhưng việc quảng bá, phát triển thương hiệu chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Đội ngũ nhân lực KHCN tuy đông về số lượng nhưng thiếu chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực quản lý, kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn. Chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Để KHCN thực sự là chìa khóa thành công thì các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng và động lực của KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển KHCN; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực vật chất và tinh thần mạnh mẽ cho cá nhân hoạt động KHCN, trọng dụng và tôn vinh nhân tài. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần có kế hoạch đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Sở KH và CN tiếp tục tập trung ứng dụng các tiến bộ KHCN để khảo nghiệm, tuyển chọn và sản xuất nhanh các giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, phát triển mạnh các hoạt động dịch vụ KHCN và triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tạo đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com