Nghề sửa máy khâu

09:05, 20/05/2016

Một thời, chiếc máy khâu là món tài sản lớn bởi là “cần câu cơm” của nhiều gia đình. Máy móc không thể bền mãi với thời gian. Trải qua quá trình sử dụng, những chiếc máy khâu đã mắc “bệnh”, nhẹ thì hay gãy kim, bỏ mũi… nặng thì hỏng bộ phận truyền động. Muốn vận hành lại, máy khâu phải qua tay của những người thợ để “chẩn bệnh và chữa trị”...    

Từ nghề sửa máy khâu thủ công

Ông Nguyễn Văn Chính, năm nay 65 tuổi, ngụ ở ngõ 151 đường Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) cho biết: Sửa máy khâu là nghề do bố ông là Nguyễn Văn Ngạnh, sinh năm 1915, truyền dạy cho. Cụ Ngạnh mở hiệu sửa chữa máy khâu Đức Lợi có tiếng ở phố Hàng Thiếc (nay là phố Hai Bà Trưng) từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Thời ấy, hiệu Đức Lợi của cụ Ngạnh nổi tiếng khắp trong vùng, không chỉ những chủ máy ở Thành phố Nam Định mà cả những chủ hiệu may lớn ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa… cũng mang máy hỏng đến sửa. Gắn bó với những chiếc máy khâu “cổ lỗ sĩ” (thường gọi chung là máy thủ công) thời đó như máy trúc; máy thoi chuyền… từ những ngày thơ bé (khoảng 12-13 tuổi), ông Chính từ thợ phụ đã trở thành thợ chính và đến nay đã có “thâm niên” trên 50 năm gắn bó với nghề. Theo ông Chính, hồi cụ Ngạnh làm nghề và ông Chính là phụ việc, chiếc máy khâu là một loại tài sản lớn, có giá trị ngang với bất động sản, ô tô bây giờ. Chỉ có những nhà tư bản lớn mở hiệu may hoặc những nhà gia thế, giàu có mới mua được một chiếc máy khâu. Vì thế, khi chiếc “cần câu cơm” bị hỏng hóc là phải nhanh chóng tháo đầu máy mang đến thợ sửa. Để học được nghề sửa máy khâu, không biết bao nhiêu ngày, tháng ông Chính cặm cụi bên những đầu máy, xung quanh là các loại kìm, búa, tô vít…, người lúc nào cũng “hoi hoi” mùi dầu máy. Nghề không phụ người có công, vài năm sau, ông Chính đã cơ bản tự học thành nghề, hiểu biết được nguyên lý vận hành, các hỏng hóc thường gặp và cách khắc phục “bệnh” của từng loại máy khâu và trở thành thợ chính. Những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, ông tham gia HTX Tiểu thủ công nghiệp của Thành phố Nam Định, là thợ cơ khí chuyên sửa chữa các loại máy khâu. Vì có tay nghề cao, kinh nghiệm phong phú nên ông Chính thường được mọi người truyền tai nhau, mỗi khi máy khâu hỏng lại mang đến tận nhà nhờ ông sửa. Ông làm không hết việc. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, một thời gian dài, nghề sửa máy khâu mang lại nguồn thu chính, giúp ông và gia đình sinh hoạt sung túc, nuôi dạy con cái ăn học đàng hoàng. Ngoài những hỏng hóc thông thường, những máy khâu thủ công đến tay ông thường là hỏng bộ phận truyền động, tay biên, cần dập chỉ… do quá trình sử dụng nhiều bị mòn, phải hiệu chỉnh, hàn đắp chi tiết để máy vận hành tốt. Ngày ấy, vì chưa có máy móc hỗ trợ nên tất cả các công đoạn sửa chữa đều phải làm thủ công, tùy theo mức độ hỏng hóc nhưng mỗi máy cũng mất từ 1-2 ngày mới sửa xong.

Ông Nguyễn Văn Chính (bên trái) đang sửa máy may công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Chính (bên trái) đang sửa máy may công nghiệp.

Đến nghề sửa máy may công nghiệp

Đất nước đổi mới, kinh tế thị trường phát triển, hàng hóa lưu thông thuận lợi nên chiếc máy khâu không còn hiếm và khó như trước, nhất là linh kiện chi tiết thay thế đã dễ kiếm hơn. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và có sự hỗ trợ của các loại máy móc cơ khí như máy hàn, tiện, doa… nên các chi tiết máy bị hỏng hóc, cần phục hồi, thay thế cũng được ông sửa chữa với độ chính xác, độ bền cao nên uy tín ngày càng tăng cao. Trên 50 năm theo nghề, sau gần 30 năm gắn bó với những chiếc máy khâu đạp chân hay lắp mô-tơ, khoảng 20 năm trở lại đây, ông Chính nhận cả những hợp đồng sửa chữa những chiếc máy may công nghiệp xuất xứ từ: Nhật Bản, Đức, Liên Xô (cũ), Trung Quốc… với đủ các nhãn hiệu như: Juki; Protex; Ricar; Sunstar; Siuba… Khác với may khâu thủ công hoàn toàn vận hành bằng sức người, máy may công nghiệp hiện đại hơn, chạy bằng điện, được trang bị bộ phận thấm dầu (những loại máy đời sau là bộ phận bơm dầu tự động) nên rất bền, ít hỏng hóc. Tuy nhiên đối với loại máy may công nghiệp nếu đã hỏng là hỏng nặng, nhất là bộ phận ổ, trục truyền động, trục kim của máy. Khi loại máy này phổ biến trên thị trường, ông Chính đã rất nhạy bén đầu tư thời gian tự mày mò nghiên cứu nguyên lý hoạt động riêng biệt của từng loại máy may công nghiệp kết hợp với kinh nghiệm để tìm ra phương pháp chữa bệnh hợp lý, hiệu quả nhất. “Trăm hay không bằng tay quen”, lại có thời gian dài gắn bó, tích lũy kinh nghiệm, hiểu biết đối với các đời, các loại máy khâu nên tay nghề của ông Chính càng được khẳng định, được khách hàng tín nhiệm. Hơn 50 năm gắn bó với nghề, ông Chính cho rằng nghề sửa máy may ngoài những yêu cầu như: khéo léo, thông minh, nhanh nhẹn… còn cần nhất đức tính kiên trì. Có kiên trì thì mới theo và làm được nghề, còn nóng vội là hỏng máy, nhẹ thì mất khách, nặng thì bỏ nghề hoặc phải bù tiền nhà mà đền cho khách. Khoảng 15 năm trở lại đây, cùng với lớp thợ cũ như ông Chính, ở Thành phố Nam Định đã phát triển thêm được lớp thợ trẻ kế cận, có người được đào tạo bài bản tại các trường dạy nghề. Nhiều thợ trẻ tay nghề tốt kiêm luôn cả tân trang máy may công nghiệp “nội địa” (máy đã qua sử dụng của các nước), phát triển kinh doanh thiết bị ngành may. Hiện nay, tại phố Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) đã có khu chuyên thiết bị ngành may chuyên nhận sửa chữa, buôn bán các loại máy khâu thủ công, máy may công nghiệp các loại, các đời… với 6 cửa hàng lớn, mỗi cửa hàng có từ 2-3 thợ sửa chữa. Anh Vũ Bá Thành, có thâm niên 18 năm làm nghề, hiện đang làm thuê ở cơ sở Nam Đường (số 305, phố Hoàng Văn Thụ) cho biết, bình quân ngày công của người thợ sửa máy may dao động từ 180-200 nghìn đồng/ngày, việc đều nhưng tất bật hơn vào những tháng cuối năm.

 Với hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở gia công may mặc, hiệu may tư nhân phát triển trên địa bàn tỉnh, nghề sửa máy may công nghiệp vẫn rất sẵn việc làm với thu nhập không thấp. Theo kinh nghiệm của những người làm nghề, đây cũng là một nghề đáng được các bạn trẻ quan tâm khi rời ghế nhà trường phổ thông. Nghề sửa máy may công nghiệp thời gian học ngắn với nhiều cơ sở đào tạo ngay trong tỉnh, cơ hội việc làm đa dạng ở các doanh nghiệp, cơ sở gia công may mặc… công việc ổn định với mức thu nhập bình quân từ 4,5 đến trên 6 triệu đồng/tháng./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com