Vốn có truyền thống thâm canh cây rau màu, những năm gần đây, nông dân xã Giao Nhân (Giao Thủy) đã thực hiện tốt việc cải tạo vườn tạp khai thác tối đa diện tích đất vườn, ven ngõ xóm, đất bờ, bãi ven sông, những bờ bao khép kín quanh ruộng… để trồng màu theo hình thức luân canh, xen canh gối vụ tăng hệ số quay vòng đất, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác.
Nông dân xã Giao Nhân thu hoạch hoa hòe. |
Đi dọc theo 2 con sông Cồn Nhất, sông Tiến Hải chảy qua xã Giao Nhân, chúng tôi thấy các vùng đất bờ, đất bãi ven sông được nông dân nơi đây khéo léo lựa chọn trồng các loại rau ngắn ngày: rau cải, đậu đỗ, rau diếp, xà lách… cho thu hoạch nhanh để tránh ngập úng. Trên những bờ bao khép kín quanh ruộng được các hộ tận dụng trồng ngô, đậu tương, bí xanh, mướp… Đất vườn nhà, ven ngõ xóm trồng các loại rau thơm, rau ngót, rau đay, mùng tơi, các loại rau giống và các loại cây màu… Diện tích đất trũng, dưới sông, ao được bà con thả rau muống, rau rút, quanh bờ trồng sả, hành, tỏi... Hiện xã Giao Nhân có khoảng gần 1.000 hộ trồng rau màu, phổ biến như: cà chua, cà rốt, bí xanh, rau bắp cải, xà lách, hành, tỏi, súp lơ, ngô, đậu tương… Với phương châm không để đất nghỉ, ngoài các vụ chính, người dân Giao Nhân còn áp dụng kỹ thuật để thâm canh trái vụ hầu hết các loại rau với trà sớm và muộn nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất từ nghề trồng rau. Anh Nguyễn Văn Chiến đội 5, xóm Duyên Hồng có 2 sào chuyên trồng rau màu trái vụ. Chia sẻ kinh nghiệm, anh Chiến cho biết: Sản xuất rau trái vụ đòi hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc công phu và sự tỉ mỉ từ khâu lựa chọn giống tới xử lý đất. Chúng tôi thường dùng phân chuồng để bón lót tạo mùn cho đất, che phủ một lớp rơm rạ giữ nhiệt cho cây ưa ấm và chăng lưới che nắng đối với cây ưa lạnh. Để đạt hiệu quả cao, người nông dân phải như là “bác sĩ” của cây trồng, nhìn cây đoán bệnh và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật mang tính truyền dẫn đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt và an toàn cho người sử dụng. Cùng với trồng rau màu, trên 1 sào đất vườn anh Chiến còn trồng 60 gốc cây hoa hòe, mỗi năm gia đình anh thu 25-30 triệu đồng từ hơn 3 sào đất vườn. Ở Giao Nhân, trước đây các loại rau ngót, rau muống, rau đay, mùng tơi… chỉ cho thu hoạch trong thời gian nhất định, nhưng hiện nay nông dân canh tác, thu hái gần như quanh năm, thương lái đến tận ruộng mua với giá cao gấp 3-5 lần rau chính vụ. Đặc biệt riêng với bắp cải được các xe khách Bắc - Nam vận chuyển vào tận Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, do vậy các hộ luôn yên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra. Làm chủ kỹ thuật, tiêu thụ thuận lợi là những yếu tố quan trọng đem lại hiệu quả cao cho nghề trồng rau ở Giao Nhân.
Cùng với trồng rau thương phẩm những năm gần đây, nghề ươm rau giống ở Giao Nhân cũng phát triển mạnh. Hiện nay, xã có hàng chục hộ sản xuất rau giống tập trung ở xóm Duyên Hải. Các loại rau giống được ươm trồng ở đây khá đa dạng như: bắp cải, su hào, súp lơ, xà lách… Thời gian tập trung sản xuất từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch hằng năm; 25-30 ngày người trồng có thể thu hoạch 1 lứa rau giống. Mỗi lứa rau giống cho lãi bình quân từ 3-5 triệu đồng/sào, hộ thâm canh tốt hơn có thể đạt 7 triệu đồng/sào. Theo ước tính, chỉ 6 tháng cuối năm, người trồng rau giống có thể quay vòng trồng từ 4-5 lứa, thu lãi 15-20 triệu đồng/sào. Nhiều hộ trong xã trồng rau giống thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng, điển hình như hộ: ông Nguyễn Văn Lưu, bà Lại Thị Hùng, anh Phạm Văn Bình (đội 7, xóm Duyên Hải)… Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Duy Thiêm ở đội 7, xóm Duyên Hải là một hộ trồng rau giống lâu năm trong xã. Với 6 sào đất vườn trồng rau giống và rau thương phẩm, mùa nào rau ấy, gia đình ông cung cấp ra thị trường các loại rau thương phẩm và rau giống: su hào, cải bắp, xà lách, súp lơ, rau cải các loại... Bất kể là trời mưa hay nắng, mặc dù sắp bước sang tuổi 80 nhưng ông vẫn tất bật với công việc gieo trồng và chăm sóc rau màu. Để tạo niềm tin với khách hàng, trong quá trình sản xuất cây giống, ông luôn cẩn trọng và lấy mục tiêu hiệu quả sản xuất của chính người trồng rau để tạo uy tín và thương hiệu cho vườn ươm rau giống của mình. Ông Thiêm cho biết: Mặc dù ươm rau giống cho hiệu quả kinh tế cao nhưng lao động vất vả, đòi hỏi người trồng phải am hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Đất trồng phải ải, nhỏ mịn, mặt luống phẳng, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục và phải che chắn cẩn thận khi mưa gió... Nếu không cẩn trọng, chỉ một lỗi nhỏ trong quy trình sản xuất là rau giống có thể chết hoặc bị bệnh hại dẫn đến mất trắng. Không chỉ sản xuất cây giống bảo đảm chất lượng, ông Thiêm còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc từng loại cây cho bà con đến mua rau giống, sao cho cây trồng đạt năng suất, hiệu quả cao nhất. Ngoài sản xuất rau giống, ông còn trồng rau thương phẩm với nhiều công thức luân canh, xen canh các loại cây đậu đỗ, dưa chuột, khoai tây, bí xanh… Mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 60 triệu đồng từ nghề trồng rau. Cùng với nghề trồng rau phát triển trên đất vườn, các hộ nông dân ở Giao Nhân còn phát triển trồng cây ăn quả, cây lâu năm, cây dược liệu trên địa bàn toàn xã; tại các xóm Duyên Sinh, Duyên Trường và Lạc Thành… phát triển thêm nghề trồng cây cảnh đã khai thác tối đa diện tích đất canh tác, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân.
Do biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ với nhiều công thức canh tác linh hoạt như: luân canh, xen canh, gối vụ, trồng trái vụ; đồng thời tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất với trình độ thâm canh cao nên Giao Nhân trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện Giao Thủy về giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Sản xuất phát triển, giúp đời sống nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn đổi mới, kinh tế chuyển dịch tích cực góp phần thúc đẩy hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở xã Giao Nhân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh