Những năm qua, xã Yên Khánh (Ý Yên) đã tập trung thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư phát triển đa dạng ngành nghề, tạo việc làm tại chỗ và thu nhập ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã hiện có 153 cơ sở sản xuất CN-TTCN, dịch vụ, thương mại với các ngành nghề mộc, xây dựng dân dụng, may công nghiệp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre nứa ghép, cơ khí… Năm 2015, tổng thu nhập của xã từ sản xuất CN-TTCN, thương mại, dịch vụ đã đạt trên 70,3 tỷ đồng.
|
Sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng tại cơ sở của anh Hoàng Trọng Thư, thôn Thượng, xã Yên Khánh. |
Với lợi thế nằm liền kề Thị trấn Lâm, trung tâm văn hóa - chính trị của huyện Ý Yên, lại có hơn 2km Quốc lộ 38B và 2,5km tỉnh lộ 57A chạy qua địa bàn, lực lượng lao động dồi dào nhưng từ năm 2010 trở về trước, xã Yên Khánh luôn ở nhóm những xã thuần nông, khó khăn về phát triển kinh tế của huyện. Thời điểm nông nhàn, lao động các độ tuổi trong xã lại kéo nhau đi làm ăn xa đủ mọi ngành nghề. Mặc dù trên địa bàn có nghề mộc truyền thống và một số nghề phụ nhưng chỉ tồn tại ở quy mô hộ cá thể, sản xuất nhỏ lẻ, phân bố rải rác… Trước tình hình đó, thực hiện nghị quyết của BCH Đảng bộ xã giai đoạn 2011-2015, xã Yên Khánh chủ trương: tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững. Để thực hiện mục tiêu đó, xã xác định phải phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và nhân cấy, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn góp phần tăng thu nhập cho nhân dân. Cùng với việc hoàn thành sớm công tác DĐĐT để quy hoạch lại ruộng đồng, phát triển sản xuất nông nghiệp xã đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho đơn vị thi công các dự án giao thông huyết mạch qua địa bàn; đồng thời nhanh chóng hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 để giải quyết vấn đề mặt bằng phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, xã tích cực cải cách tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính; kết nối với các tổ chức tín dụng để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh… Trong năm 2015, toàn xã có 745 hộ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng với tổng dư nợ lên đến gần 37 tỷ đồng. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được chú trọng và thực hiện thường xuyên. Mỗi năm, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức từ 4-5 lớp đào tạo nghề cho hàng trăm lao động trẻ trong xã từ các nguồn kinh phí hỗ trợ như: khuyến công, Đề án 1956… Với những biện pháp đồng bộ trên, cùng với “cú hích” quan trọng là các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38B và tỉnh lộ 57A hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi để xã Yên Khánh phát triển đa ngành nghề như: chế biến gỗ, cơ khí, may công nghiệp… Toàn xã hiện đã có trên 60 cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang bị các loại máy móc để sản xuất các loại sản phẩm mộc mỹ nghệ, gia dụng, phục dựng nhà cổ… Ngoài các hộ sản xuất quy mô gia đình với từ 2-3 lao động thường xuyên, trên địa bàn xã còn có gần chục cơ sở lớn sử dụng từ 5-7 lao động thường xuyên. Các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn xã ngoài sản xuất các sản phẩm thông dụng phục vụ nhu cầu tại chỗ còn thường nhận được các hợp đồng gia công sản phẩm; chế biến gỗ nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn tại làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên (xã Yên Ninh). Tiêu biểu như cơ sở sản xuất của các ông: Đào Duy Hùng (thôn Tu Cổ); Hoàng Trọng Thư (thôn Thượng); Nguyễn Trọng Thiệp (thôn An Lạc)… Cơ sở của ông Hoàng Trọng Thư hiện có 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân trên 200 nghìn đồng/người/ngày chuyên nhận lắp ráp các loại bàn ghế, sập, đồ thờ cho các doanh nghiệp lớn của xã Yên Ninh. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của ông Thư sản xuất được từ 13-15 bộ sản phẩm, tiêu thụ từ 8-10m
3 gỗ nguyên liệu, chủ yếu là các loại gỗ có giá trị kinh tế cao như gụ, hương… Ngoài ra, với hệ thống máy móc đầy đủ như: máy xẻ, máy vanh, các loại máy cầm tay trị giá gần 100 triệu đồng, cơ sở của ông Thư còn nhận được nhiều hợp đồng gia công gỗ nguyên liệu cho các nơi. Bên cạnh nghề mộc, nghề xây dựng dân dụng của xã cũng phát triển mạnh. Hai Cty xây dựng trong xã thường xuyên nhận được những hợp đồng xây dựng lớn trong huyện, tỉnh; mỗi Cty tạo việc làm cho 40-50 lao động. Ngoài ra, xã có gần 20 đội, nhóm thợ nề, mỗi nhóm có 4-5 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Đội thợ xây dựng của anh Đào Duy Nghĩa ở xóm 2 thu hút 15-20 lao động chuyên nhận thi công các công trình dân dụng trong và ngoài xã. Lao động nghề xây dựng dân dụng có thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã đã phát triển được 2 tổ hợp may công nghiệp chuyên gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn ở Thành phố Nam Định và xã Yên Trị, tạo việc làm cho trên 50 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở may công nghiệp của anh Ninh Xuân Tuân (thôn An Lạc) hiện có trên 20 lao động thường xuyên chuyên nhận gia công các loại quần xuất khẩu và sản xuất đồng phục học sinh. Bình quân một tháng, cơ sở của anh Tuân sản xuất được khoảng 10 nghìn sản phẩm xuất khẩu hoặc 12 nghìn bộ quần áo đồng phục. Các nghề khác như: cơ khí, tre nứa chắp… cũng phát triển, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Đến nay, cơ cấu kinh tế của xã Yên Khánh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Năm 2015, tổng thu nhập toàn xã đã được nâng lên xấp xỉ 165 tỷ đồng, vượt kế hoạch 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm xuống còn 4,3%... Nhờ đó, xã Yên Khánh mặc dù thuộc diện xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 nhưng đã thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2015./.
Bài và ảnh:
Thành Trung