Tỉnh ta có bộ giống lúa bản địa đa dạng chủng loại, nhiều giống chất lượng cao, nổi tiếng như Tám xoan Hải Hậu, Tám ấp bẹ Xuân Đài (Xuân Trường), Nếp cái hoa vàng Quần Liêu (Nghĩa Hưng), Dự hương Nam Mỹ (Nam Trực)... Tuy nhiên, bộ giống lúa thơm chất lượng cao của tỉnh ta còn hạn chế về số lượng, chủng loại và nguy cơ thoái hóa giống, lẫn với các giống lúa khác đang diễn ra ngày một nghiêm trọng.
|
Chăm sóc lúa cấy khảo nghiệm tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường). |
Để giải quyết vấn đề này, Sở KH và CN đã phối hợp với các ngành chức năng tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để bảo tồn, phục tráng các loài gen lúa gạo bản địa quý hiếm; hoàn thiện quy trình thâm canh nhằm phát huy đặc tính ưu việt và đảm bảo an toàn thực phẩm của các giống lúa; chọn lọc thêm các giống lúa chất lượng cao đưa vào canh tác làm đa dạng hóa bộ giống. Sở KH và CN đã phối hợp với Sở NN và PTNT tập trung nghiên cứu và xác định được nhiều yếu tố hạn chế gây ảnh hưởng đến chất lượng các giống lúa trong quy trình canh tác, bao gồm quy trình cấy, chăm bón lạc hậu, gây thất thoát nước, chất hữu cơ tự nhiên trong đất… Trước thực tế đó, Sở KH và CN đã khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, sản xuất giống lúa trong tỉnh đề xuất thực hiện nhiệm vụ KH và CN liên quan đến việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào cải tiến quy trình canh tác lúa. Đề xuất các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN và PTNT hỗ trợ nông dân trong tỉnh thực hiện các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất. Đồng thời đề xuất với UBND tỉnh quyết định triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học như: Nghiên cứu phục tráng giống lúa Dự hương Nam Mỹ, Tám xoan Hải Hậu và Tám ấp bẹ Xuân Đài; “Nghiên cứu ứng dụng một số tiến bộ KHCN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất lúa tại huyện Vụ Bản”; “Nghiên cứu phát triển một số giống lúa thơm năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao cho tỉnh Nam Định”; “Nghiên cứu xây dựng mô hình khai thác hiệu ứng hàng biên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa tại huyện Hải Hậu”; “Phục tráng giống lúa bản địa chất lượng cao”; “Khảo nghiệm giống lúa lai và xây dựng một số giải pháp kỹ thuật thâm canh lúa tại vùng đất nhiễm mặn của tỉnh”; “Sử dụng công nghệ viễn thám tích hợp với thông tin địa lý, đánh giá biến động sử dụng đất và lớp phủ thực vật tỉnh Nam Định”… Đồng thời lựa chọn những đơn vị có chuyên môn cao trong lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp ở cả trong và ngoài tỉnh như Trung tâm Giống cây trồng tỉnh; Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam); Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NN và PTNT) để thực hiện nghiên cứu biện pháp kỹ thuật thích nghi với điều kiện canh tác ở tỉnh và chuyển giao công nghệ, hướng dẫn thực hành kỹ thuật mới cho người dân trong vùng áp dụng thành thục vào sản xuất. Với cách làm bài bản này, những giống lúa bản địa chất lượng cao như Tám xoan Hải Hậu, Tám ấp bẹ Xuân Đài, Dự hương Nam Mỹ lần lượt được nghiên cứu phục tráng những ưu điểm nổi trội của giống gốc; đồng thời hoàn thiện quy trình thâm canh chuyển giao cho bà con nông dân thực hiện trong quá trình trồng cấy, chăm bón. Bên cạnh việc phục tráng các giống lúa bản địa, Sở KH và CN còn phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai đề tài “Nghiên cứu phát triển một số giống lúa thơm năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao cho tỉnh Nam Định” nhằm nghiên cứu, tuyển chọn và phát triển một số giống lúa thơm chất lượng có giá trị kinh tế cao bổ sung vào tập đoàn cơ cấu giống hiện có của tỉnh. Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông đã tiến hành nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác của người dân và nhu cầu thị trường, qua đó đề xuất cấy khảo nghiệm 10 giống lúa thơm có triển vọng như: Trân châu hương, SH8, VS1, DT68, GL102, GL159, GL106, GL107, GL160, M14, HT18. Các giống lúa trên được tiến hành cấy khảo nghiệm đồng loạt ở vụ xuân, vụ mùa 2013 và vụ xuân 2014 tại cả 3 vùng canh tác đặc trưng của tỉnh là Hải Hậu, Nam Trực và Vụ Bản. Qua đó đã chọn lọc được 2 giống lúa GL159, HT18 có tiềm năng năng suất, chất lượng cao và có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của tỉnh, hoàn toàn có thể thay thế cho những giống lúa đã thoái trào như BT7. Hiện tại, đơn vị nghiên cứu đang tiến hành hoàn thiện quy trình canh tác tổng hợp cho hai giống lúa GL159, HT18 mới tuyển chọn và đề nghị Sở NN và PTNT bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh. Đặc biệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình khai thác hiệu ứng hàng biên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa tại huyện Hải Hậu” do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện đã tạo được bước đột phá trong việc nghiên cứu, ứng dụng thành công việc sử dụng kỹ thuật canh tác khai thác hiệu ứng hàng biên trong thâm canh lúa đối với người dân của 2 xã Hải Tân, Hải Trung (Hải Hậu). Với phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã xác định khoảng cách cấy hàng rộng - hàng hẹp, giúp cây lúa tăng khả năng tiếp nhận ánh sáng mặt trời để phát triển và phòng trừ sâu bệnh thay cho cách cấy hàng cách hàng đều nhau theo phương pháp truyền thống. Đồng thời nghiên cứu cải tiến công cụ sạ hàng theo yêu cầu kỹ thuật, công thức cấy hàng rộng hàng hẹp để nâng cao năng suất lúa, hạn chế ngày công lao động cho công đoạn cấy, chăm bón và đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch. Qua thực tế nghiên cứu, triển khai sau 2 vụ, năng suất lúa đã tăng 10% so với cách cấy lúa truyền thống; công cấy lúa, chăm bón và sâu bệnh giảm nhiều. Bên cạnh đó, do cây lúa sinh trưởng phát triển nhanh nên trỗ tập trung, rút ngắn thời gian đứng chân trên ruộng, tạo điều kiện cho việc giải phóng ruộng để đưa cây vụ đông xuống chân ruộng 2 lúa. Điều đặc biệt quan trọng là từ việc ứng dụng mô hình hiệu ứng hàng biên, người dân 2 xã Hải Trung và Hải Tân đã nhận ra hạn chế của cách cấy lúa truyền thống và chủ động đề xuất với cơ quan nghiên cứu, nhân rộng mô hình cho nhiều hộ dân khác tiếp cận với kỹ thuật mới.
Bằng việc đưa nhanh những ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cải tiến quy trình thâm canh lúa để nâng cao năng suất, chất lượng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đây còn là những minh chứng cụ thể trong quan hệ hợp tác, liên kết giữa nhà khoa học và người nông dân để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nhằm đa dạng hóa và tạo ra nông sản hàng hóa chất lượng cao theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương