Xây dựng quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định hướng tới mục tiêu lâu dài

08:04, 04/04/2016
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Thành phố Nam Định sẽ được mở rộng địa giới, bao gồm: toàn bộ ranh giới hành chính hiện có; huyện Mỹ Lộc; 3 xã của huyện Vụ Bản gồm Đại An, Thành Lợi và Tân Thành; 5 xã của huyện Nam Trực gồm Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An với tổng diện tích khoảng 18.445ha. Đến năm 2025 dân số toàn thành phố có khoảng 570 nghìn người, trong đó dân số nội thành khoảng 340 nghìn người. Với tầm nhìn xa và định hướng lâu dài, bền vững về hạ tầng đô thị thành phố trong tương lai, ngày 3-9-2015, UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 202/TB-UBND về lập quy hoạch cấp nước cho Thành phố Nam Định giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025. Đây là một chủ trương chiến lược, giúp các cơ quan chức năng tham mưu cho tỉnh, thành phố quản lý và phát triển hệ thống cấp nước gắn liền phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn, phù hợp với từng thời kỳ phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đo hàm lượng Clorua trong mẫu nước tại Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định.
Đo hàm lượng Clorua trong mẫu nước tại Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định.
Theo đó, quy hoạch cấp nước Thành phố Nam Định tập trung nghiên cứu, củng cố xây dựng các trạm tăng áp và hệ thống đường ống nước hướng đến mục tiêu cung cấp nước sạch ổn định cho người dân đô thị và nông thôn. Do đó, ngoài Thành phố Nam Định, các xã bổ sung vào địa bàn thành phố cũng phải được xác định lộ trình phát triển hạ tầng cấp nước đáp ứng tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Các hạng mục công trình lập quy hoạch bao gồm nguồn khai thác nước thô, trạm bơm và tuyến ống nước thô, nhà máy xử lý nước sạch và các tuyến ống cấp nước chính cấp I, cấp II. Theo quy hoạch sơ bộ, đến năm 2020 nâng công suất nhà máy nước hiện tại lên 105 nghìn m 3/ngày đêm để đủ đáp ứng cho nhu cầu nước sản xuất và sinh hoạt. Giai đoạn sau năm 2020, xây dựng thêm một nhà máy mới với công suất 35 nghìn m 3/ngày đêm đáp ứng nhu cầu nước sạch cho các khu vực mở rộng địa giới thành phố. Trong đó để tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư, tỉnh sẽ tận dụng hạ tầng cấp nước hiện có, bao gồm hệ thống cấp nước đô thị Thành phố Nam Định do Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định quản lý; các hệ thống cấp nước sạch nông thôn tập trung do Cty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn tỉnh, các HTX dịch vụ, UBND xã, thị trấn quản lý gồm Nhà máy nước Nghĩa An, Trạm cấp nước xã Điền Xá (Nam Trực), Nhà máy nước Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Trạm cấp nước HTX Lê Lợi, Trạm cấp nước HTX Cốc Thành, Trạm cấp nước HTX Mỹ Trung (xã Thành Lợi - Vụ Bản), Trạm cấp nước xã Nam Vân, xã Nam Phong (TP Nam Định). Theo Sở Xây dựng, hầu hết cơ sở hạ tầng hiện có của các trạm cấp nước sạch đều đã qua thời gian sử dụng lâu dài, công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ chỉ đáp ứng dân số một xã hoặc một thôn. Cụ thể như Trạm cấp nước xã Nam Vân được đầu tư xây dựng từ năm 2000 với công suất thiết kế 1.033 m 3/ngày đêm đáp ứng nhu cầu nước sạch của 7.600 người. Trạm cấp nước HTX Lê Lợi thuộc xã Thành Lợi (Vụ Bản) chỉ được thiết kế với công suất 800 m 3/ngày đêm lại phải đáp ứng nhu cầu dân số lên đến 11 nghìn người. Trạm cấp nước xã Nghĩa An (Nam Trực) được xây dựng mới từ năm 2011 cung cấp nước sạch cho 5 xã gồm Nghĩa An, Hồng Quang, Nam Mỹ, Nam Cường, Nam Hùng với công suất 7.000 m 3/ngày đêm nhưng hiện tại, hiệu suất khai thác chỉ đạt 68%. Tương tự, Nhà máy nước Mỹ Hà (Mỹ Lộc) chỉ đáp ứng được nhu cầu cấp nước sạch cho 7 xã, thị trấn gồm: Mỹ Hà, Mỹ Thắng, Mỹ Tiến, Mỹ Hưng, Mỹ Lộc, Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh. Khắc phục tồn tại trên, quy hoạch đề xuất phương án xây dựng thêm nhà máy nước hoặc nâng cấp hạ tầng hiện có để đấu nối mạng lưới địa phương chưa được cấp nước sạch. 
 
Nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu đến năm 2020, thành phố có 100% dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh với tiêu chuẩn 100-120 lít/người/ngày, Phòng Hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) đã chủ động phối hợp với Cty TNHH một thành viên Kinh doanh nước sạch Nam Định chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu, đánh giá tổng hợp và toàn diện hiện trạng cấp nước Thành phố Nam Định, các huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Nam Trực trên các tiêu chí về trữ lượng nguồn và chất lượng nguồn nước, khả năng khai thác; công trình cấp nước, nhu cầu sử dụng nước ở đô thị và vùng nông thôn… Trên cơ sở đó, tư vấn đề xuất phương án cấp nước, phương án xây dựng hệ thống ống cấp nước thô, trạm bơm nước tăng áp và các trạm xử lý nước sạch. Phân tích và lựa chọn nguồn cấp nước, phân vùng cấp nước; xác định vị trí, quy mô công suất các nhà máy nước cũng như các chỉ tiêu cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên thực tế, đề xuất các phương án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới với công nghệ phù hợp đáp ứng được các tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo cấp nước an toàn. Trong đó chú trọng xác định chương trình và dự án đầu tư ưu tiên, xác định nhu cầu sử dụng đất cho việc xây dựng các tuyến ống cấp nước thô, các tuyến ống truyền tải, các trạm bơm và trạm xử lý cấp nước. Qua đó, đề xuất các biện pháp xây dựng, tài chính, kinh tế; các giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương, đảm bảo tính khả thi của kế hoạch đầu tư tổng thể; xác định rõ các quy định bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hệ thống cấp nước. Dự kiến trong quý III-2016, đơn vị tư vấn sẽ hoàn thành quy hoạch cấp nước của Thành phố Nam Định giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2025 trình UBND tỉnh thẩm định và phê duyệt./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com