Trên vùng đất bãi bồi Nam Điền

11:02, 12/02/2016

Đã gần 40 năm kể từ khi những bước chân đầu tiên của những người có mặt trên vùng đất mới xã Nam Điền (Nghĩa Hưng), từ vùng sình lầy, lau sậy…, họ đã khai khẩn vùng đất hoang trở thành một vùng quê trù phú. Ở đó có Cồn Xanh đang vượt khó chuyển mình đi lên. Ở đó vẫn đang lưu giữ dấu chân của những lão ngư có công quai đê, lấn biển và cho đến nay, cháu con của họ vẫn mang trọn khát vọng mở đất, lấn biển, phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

“Bắt sóng bạc phải cúi đầu…”

Nam Điền là một xã ven biển, nằm ở phía tây nam huyện Nghĩa Hưng. Xuất phát từ vị trí địa lý tự nhiên, Nam Điền luôn đứng nơi đầu sóng, ngọn gió, vì vậy, mảnh đất, con người nơi đây sớm hình thành ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên, cần cù trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế; kiên cường trong đấu tranh phòng, chống thiên tai để gây dựng nên mảnh đất đầy tiềm năng này. Quá trình ấy càng bộc lộ rõ tinh thần tự lực, tự cường thủy chung với “đất”, với “người” và ý thức đoàn kết cộng đồng bền chặt, bám đất, bám làng trong những lúc khó khăn để xây dựng, bảo vệ quê hương.

Nhìn trên bản đồ, xã Nam Điền như một hình chữ nhật với hệ thống đường lớn, nhỏ, sông ngòi, kênh mương được quy hoạch vuông vức như ô bàn cờ… với tổng diện tích 720,23ha được quy hoạch thành 3 khu rõ rệt: khu dân cư, khu sản xuất nông nghiệp và khu nuôi trồng thủy sản. Theo chân ông Trần Văn Điều, xóm trưởng xóm 1 xã Nam Điền, chúng tôi có dịp “mục sở thị” về vùng đất mà gần 40 năm trước chỉ là vùng lau sậy. Ông Điều nhớ lại, quê gốc của ông ở làng Trà Lũ (nay thuộc huyện Xuân Trường). Từ 5 đời trước, cụ tổ nhà ông đã sang Nga Sơn (Thanh Hóa) lập nghiệp. Đến đời ông nội của ông thì quay trở về vùng đất Nghĩa Lâm còn bản thân ông và gia đình di cư xuống Nam Điền vào năm 1991. Khi đó ở đây giao thông chủ yếu là đường đất; thu nhập của nhân dân chủ yếu trông chờ vào cây lúa. Những ngày đầu khi mới khai hoang, mở đất, người dân Nam Điền cần mẫn đêm ngày theo thủy triều đi bắt cua, cá, don, vọp… gồng gánh vào các xã trong đổi lấy gạo, mì, mắm, muối; khi thủy triều ngập quá cổ lại về với công việc cải tạo những bãi chông, lau, sậy thành đồng ruộng; đắp đường, khơi sông lấy nước thau chua rửa mặn và cầu mong cho những dảnh mạ “nếp nõn tre, thóc mộc tuyền” vươn lên cho bông chắc hạt. Nhiều người không chịu được cuộc sống cơ hàn cực khổ, cả gia đình phải rời quê mới đi nơi khác lập nghiệp. Những người ở lại chung sức đồng lòng, chia sẻ ngọt bùi, khắc phục khó khăn gian khổ, đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt năm này qua năm khác để biến bãi hoang, sình lầy thành đồng ruộng phì nhiêu màu mỡ như ngày nay. Năm 1978, xã Nam Điền đã trở thành đơn vị hành chính thứ 25 của huyện Nghĩa Hưng. Thành quả lấn biển Nam Điền đã tô thắm thêm truyền thống quai đê mở đất, chinh phục thiên nhiên của cha ông. Còn trong ký ức của cụ Phạm Duy Lưu, năm nay đã ngoài 80 tuổi - là một trong những hộ gia đình đầu tiên về đây quai đê lấn biển, xây dựng và phát triển vùng kinh tế mới. Cụ Lưu cho biết, quê gốc của cụ ở xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng). Tháng 5-1977, hơn 120 hộ của các xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thành theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước về khai khẩn vùng đất mới. Ngày đầu lập làng, lập xã, nhân dân Nam Điền phải sống trong những túp lều tranh tạm bợ, không đường giao thông, không nước ngọt, không đèn điện, chưa có trường học. Khi đó, mỗi nhân khẩu xuống vùng đất mới được Nhà nước hỗ trợ 15kg gạo/tháng trong 3 năm đầu. Sau đó, nhân dân phát triển kinh tế, khai hoang, trồng cói nhưng vẫn đói kém, thu nhập chủ yếu bằng việc đi làm đổi ngày công cho HTX và kiếm thêm con tôm, cá ở ngoài đồng, ngoài bãi. Ông Trần Thành Dung, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Điền (giai đoạn 1992-1998) cũng là một trong những người đầu tiên “bắt sóng bạc phải cúi đầu, buộc biển sâu phải lùi bước” trong công cuộc khai hoang, lấn biển. Ông Dung cho biết: “Năm 1977, tôi là một trong những người đầu tiên ra vùng đất này dựng lán, khai hoang. Gia đình phải vất vả phát quang lau sậy để đưa cói vào trồng. Sau một thời gian, hai mẫu ruộng cói đã hình thành và vụ cói đầu tiên đã cho thu nhập. Khó khăn nhiều lắm nhưng chúng tôi tự động viên, cói sống được thì con người cũng sống được. Từ những mảnh ruộng được be bờ không theo quy hoạch nào cả, dần dần mở ra cánh đồng cói bạt ngàn giữa vùng đất mà hàng chục năm trước chỉ toàn lau sậy hoang dại”. Ban đầu chỉ có gia đình ông Dung và vài hộ dân đi làm kinh tế mới, đến năm 1991-1992, Nam Điền đã có hơn 100 hộ dân từ 24 xã trong huyện về khai hoang trồng cói, trồng lúa mở quê mới. Ông Dung nhớ lại: “Thời đó, việc quai đê lấn biển khó khăn gian truân vì dân chúng đói khổ lắm. Ai đắp được một suất đất thì được cấp một suất lương thực (tương đương 15kg gạo)”. Đưa chúng tôi ra con đê mới, khoát tay về bãi sú vẹt xa tít tầm mắt, giọng ông chắc nịch: Vẫn đang lấn tiếp đấy, rộng lắm!

Vùng đất chuyển đổi từ ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở Nam Điền (Nghĩa Hưng).
Vùng đất chuyển đổi từ ruộng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản ở Nam Điền (Nghĩa Hưng).

Chúng tôi đứng trên bãi ngang dưới đê thấy sóng đập nhẹ, trời yên tĩnh, dáng sóng rồ lên là biết được bồi đến đâu. Trước đây, 20 năm chỉ lấn thêm được 2km nhưng 17 năm gần đây đã thêm gần 10km. Phía sông Đáy lấn ra biển được 9km, toàn đất thịt nặng phù sa và phía sông Ninh Cơ bồi được 4km đất cát. Một điều rất đặc biệt, có thể gọi là thiên phú là lũ lớn không bao giờ xảy ra ở đây. Năm 2002, nhận thấy tiềm năng và ý nghĩa chiến lược của khu vực bãi bồi Cồn Xanh, Bộ Quốc phòng đã giao Quân khu 3 và Bộ CHQS tỉnh Nam Định thực hiện việc đắp đê lấn biển. Đầu năm 2008, sau 6 năm triển khai, con đê đã hoàn thành và được bàn giao lại cho huyện Nghĩa Hưng, tạo ra một vùng đất lấn biển rộng tới 820ha.

Đổi thay trên vùng đất mới

Trải qua gần 40 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện Nghĩa Hưng, với tinh thần đoàn kết, kiên cường, Đảng bộ và nhân dân xã Nam Điền đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trong xây dựng và phát triển kinh tế, Nam Điền đã từng bước xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất được định hình ngày càng rõ nét hơn. Đời sống nhân dân bước đầu ổn định. Cơ sở vật chất phục vụ GD và ĐT dần dần được xây dựng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố. Trong sản xuất nông nghiệp, Nam Điền từng bước có sự chuyển dịch phù hợp với trình độ thâm canh và công tác quản lý của địa phương; tận dụng và khai thác có hiệu quả các diện tích đất màu, đất lúa, thùng đào, thùng đấu. Phong trào làm kinh tế gia đình theo mô hình VAC phát triển rộng khắp và thu được kết quả quan trọng. Các thế mạnh của địa phương đang từng bước được khai thác và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, từ những năm 1992-1993 trở lại đây, phong trào nuôi trồng thủy sản đem lại nguồn thu lớn cho nhân dân. Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, BCH Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết về việc chuyển đổi đất nông nghiệp từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy, hải sản. Đến nay tổng diện tích vùng nuôi thủy sản của xã là 272ha; trong đó bên cạnh những con nuôi truyền thống như tôm, cua, ngao vạng; nhân dân đã mạnh dạn đưa các loài con nuôi ngọt lợ phù hợp điều kiện tự nhiên và nguồn nước địa phương đem lại thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác từ 90-150 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, diện tích trồng cây màu tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Từ năm 2007, cây cà chua được nhân dân Nam Điền đưa vào trồng trái vụ xuân hè đã phát triển mạnh ở hầu hết các thôn đội. Thực tế đã khẳng định cây cà chua là cây trồng phù hợp với đồng đất Nam Điền, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển, quy mô chăn nuôi trang trại, gia trại được mở rộng. Tổng đàn lợn của xã hằng năm được duy trì ổn định từ 1.200-1.300 con; đàn gia cầm từ 10 nghìn đến 20 nghìn con. Từ sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng khang trang. Đến năm 2010, hệ thống đường dong, ngõ xóm của 10 xóm cơ bản được bê tông hoá với chiều dài 28,8km, kinh phí hàng chục tỷ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp. UBND xã trích từ ngân sách hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ kinh phí xây mới cống phục vụ vùng nuôi trồng thủy sản; tu bổ bờ bao nước và đường trục nội đồng; công trình kè bến thuyền cống Tiêu cũng như hỗ trợ cho các xóm xây dựng NVH. Năm 2008, xã cũng đầu tư xây dựng bãi rác thải tập trung ở khu vực đầm xóm 9 trị giá hàng chục triệu đồng và chỉ đạo các xóm tiến hành thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ xã đã quan tâm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tổ chức lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là công tác xoá đói, giảm nghèo; tạo tiền đề để Nam Điền bước vào thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đồng chí Nguyễn Xuân Tuyến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Điền cho biết, định hướng phát triển kinh tế của địa phương trong nhiệm kỳ 2015-2020 và những năm tiếp theo sẽ tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó mũi nhọn là phát triển kinh tế thủy sản và trồng màu, tạo điều kiện cho nhân dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nước ngọt, nước lợ. Đảng bộ đã xác định, lĩnh vực khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản là khâu đột phá để đưa kinh tế của địa phương đi lên, góp phần trực tiếp để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Về lại Nam Điền hôm nay, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những thành quả mà Đảng bộ và nhân dân trong xã đã dày công tạo dựng. Đó là những con đường trải nhựa, đổ bê tông rộng rãi, hệ thống điện đưa ánh sáng đến từng nhà, trường học cao tầng, trạm y tế, NVH thôn, xóm; nhà ở của nhân dân được xây dựng kiên cố, khang trang... Bằng bàn tay và khối óc, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, người dân Nam Điền đã và đang khai thác tốt các tiềm năng sẵn có của địa phương, từng bước xoá đi ký ức về những năm tháng đói nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, xóm làng trù phú, yên vui./.

Bài và ảnh:  Thanh Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com