Dấu ấn khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế nông thôn thời hội nhập

12:02, 10/02/2016

Đến hẹn lại lên, đông qua xuân tới. Lá non, lộc biếc đầy cành. Mưa bụi phơi phới trời xuân. Khắp các miền quê ngập tràn sắc xuân với cây cỏ, hoa lá, trên những cánh đồng lớn, những ruộng rau trong nhà kính mơn mởn sắc xuân. Không chỉ những công trình hạ tầng mới được đầu tư trong chương trình xây dựng NTM, mà những mô hình sản xuất mới mang đậm dấu ấn tri thức khoa học công nghệ (KHCN) tiên tiến được áp dụng, những phương thức làm ăn mới hiệu quả cao ở nông thôn đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn thời hội nhập, minh chứng cho hiệu quả thực tiễn từ sự thay đổi tư duy kinh tế của người nông dân.

Ngay khi được tiếp cận với các môn học chuyên ngành của Khoa Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Trần Trọng Việt, xóm 7, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) luôn trăn trở: Tại sao đồng đất quê mình cũng màu mỡ, người dân cần cù chịu khó lao động sản xuất nhưng cuộc sống vẫn chật vật; nhiều người phải bỏ ruộng đi làm thuê ở nơi khác? Trong khi đất đai ở các nước như Ít-xra-en, Nhật Bản… cằn cỗi, đầy sỏi đá, khí hậu khắc nghiệt mà nông dân ở đó vẫn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và làm giàu từ nông nghiệp? Tốt nghiệp, anh về công tác tại nhiều đơn vị: Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng, Trung tâm Công nghệ môi trường… để tích lũy kinh nghiệm và tìm lời giải cho những trăn trở của mình. Sau nhiều năm lăn lộn với thực tế, tiếp cận các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, anh nhận thức được điểm yếu của nông nghiệp trong nước cũng như quê anh là chưa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nên hiệu quả không cao; sản phẩm làm ra vẫn mang nặng tính “tự cấp, tự túc” mà chưa chú ý đến nhu cầu thị trường nên tình trạng “được mùa mất giá” liên tục xảy ra. Hàm lượng chất xám trong sản phẩm không nhiều nên giá trị gia tăng không cao, người sản xuất vẫn nghèo. Với vốn kiến thức đã được học tại trường đại học và kinh nghiệm thực tiễn, anh quyết định xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ngay tại quê hương. Được UBND xã cho nhận thầu gần 6.000m2 ven sông Châu Giang vốn bỏ hoang hóa lâu năm, anh đầu tư xây dựng trang trại trồng trọt theo công nghệ sạch. Tháng 9-2014, trang trại hình thành gồm hai khu nhà lưới được thiết kế hiện đại theo công nghệ Ít-xra-en với hệ thống tưới nước, điều chỉnh nhiệt độ, bón phân tự động,... Anh chọn trồng một số loại rau, củ dinh dưỡng cao như: cà chua bi, dưa chuột, củ cải trắng, củ cải đỏ, su hào và các loại hoa: lily, loa kèn. Mọi quy trình sản xuất, chế độ chăm bón và lựa chọn loại phân bón cho cây trồng đều được anh tính toán tỉ mỉ cân đối giữa quy trình công nghệ chuẩn với điều kiện đồng đất địa phương sao cho cây ra hoa, đậu trái đạt chất lượng cao nhất. Ngay vụ đầu tiên, sản phẩm cà chua do anh trồng đã thuyết phục được người tiêu dùng bởi hệ thống tưới bảy lần với hàm lượng chất dinh dưỡng được pha chế trong nước theo từng giai đoạn phát triển của cây khiến sản phẩm tươi ngon, giữ được đầy đủ các chất dinh dưỡng vốn có và đảm bảo tiêu chuẩn ATVSTP. Toàn bộ khu vực trồng cây được bao quanh bọc lưới và màng ni-lông tránh tác động trực tiếp của mưa nắng, hạn chế sự thâm nhập của các loại côn trùng nên quản lý được sâu bệnh. Do đó mặc dù giá bán từ 20-30 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần giá sản phẩm cùng loại nhưng cà chua sạch của anh vẫn tiêu thụ tốt. Không chỉ cà chua, sản phẩm nấm mỡ của trang trại cũng được thị trường ưa chuộng. Tự tin với định hướng sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghệ cao và được Giáo sư Bùi Xuân Thảng, Viện phó Viện Cây lương thực thực phẩm (Bộ NN và PTNT) trực tiếp hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, năm 2015, ngoài các loại rau xanh, anh đã đưa giống dưa lưới của Mỹ, dưa Kim cô nương, cà chua Nhật vào trồng. Đến thời điểm này, anh đã thuần thục mọi quy trình chăm bón, tỷ lệ phân bón, vi chất dinh dưỡng, điều chỉnh nhiệt độ, các kỹ thuật ngắt lá, tỉa cành, thụ phấn… để cây cho năng suất, chất lượng cao. Không chỉ chú tâm vào công tác sản xuất trên đồng ruộng, anh Việt rất chú trọng các vấn đề về bản quyền, thương hiệu bảo đảm hiệu quả việc thương mại hóa sản phẩm. Anh đã hoàn thiện đăng ký thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH và CN) và thành lập doanh nghiệp với tên giao dịch Hải Đăng Farm và cam kết cung ứng sản phẩm rau, củ, quả đảm bảo VSATTP tới tay người tiêu dùng thay cho sản phẩm rau, củ, quả nhập khẩu. Thành công của anh Trần Trọng Việt trong việc ứng dụng công nghệ chăm bón của Ít-xra-en vào canh tác ở đồng đất quê hương không dừng lại ở hiệu quả kinh tế cao, có thể đa dạng hóa cơ cấu cây trồng đặc sản mà còn giảm được một lượng lớn phân bón và thuốc trừ sâu phải sử dụng trong quá trình trồng rau quả như trước đây để tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Điều này đã khẳng định ngoài tư liệu sản xuất là đất đai, vốn đầu tư, để làm giàu từ nông nghiệp trong xu thế hội nhập thì không thể thiếu tri thức hiện đại. Với những yếu tố này người nông dân có thể tạo ra “tấc đất, tấc vàng”.

Anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) thu hoạch dưa Kim cô nương.
Anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) thu hoạch dưa Kim cô nương.

Trong bước đường đi đến thành công của những mô hình kinh tế mới ở nông thôn, không thể thiếu vai trò của những cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật. Kỹ sư Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng (Sở NN và PTNT), cho biết: Nhiệm vụ chính của Trung tâm là nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng cho nông dân trong tỉnh. Trước yêu cầu của xu thế phát triển kinh tế nông thôn, đơn vị đã tranh thủ mọi điều kiện để hỗ trợ người dân tiếp cận và làm chủ tiến bộ kỹ thuật. Thời gian qua, Trung tâm đã tiếp thu cơ bản kỹ thuật chọn lọc, nhân dòng lúa mẹ bất dục đực và dòng lúa bố phục hồi nhằm tạo ra nguồn giống gốc phục vụ sản xuất hạt giống lúa lai F1. Ngoài việc tổ chức lai tạo thành công giống lúa Thiên Trường 217 chất lượng cao từ tổ hợp lai giữa dòng lúa mẹ TGMS21S và dòng lúa bố phục hồi R7.7, Trung tâm đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất hạt lúa lai F1 giống Thiên Trường 217 để sản xuất lúa lai thương phẩm. Cùng với việc nghiên cứu, chọn lọc các giống lúa mới, phù hợp với từng chất đất, các đơn vị sản xuất giống còn tích cực nghiên cứu, khảo nghiệm chọn lựa các giống cây màu như đỗ tương, khoai tây, lạc... có năng suất, chất lượng cao, thích hợp với yêu cầu sản xuất vụ đông hàng hoá và tập quán canh tác của nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, với thế mạnh cung ứng trung bình mỗi năm sản xuất 100 tấn khoai tây giống Solara chất lượng cao cung ứng ra thị trường, hiện tại Trung tâm đang phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH và CN) triển khai dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống khoai tây sạch bệnh tại Nam Định”. Ngoài việc trực tiếp tham gia, chỉ đạo dự án ở giai đoạn nhân giống trong nhà lưới tạo củ bi và trồng cách ly để tạo ra giống nguyên chủng và giống xác nhận cho sản xuất đại trà, anh Hữu cùng các đồng nghiệp vừa tập trung sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, vừa chuyển giao quy trình sản xuất mới cho người dân. Sau 2 năm triển khai, đến nay, người dân ở các xã: Trực Chính (Trực Ninh), Yên Đồng (Ý Yên), Giao Phong (Giao Thủy) đã thành thục kỹ thuật sản xuất giống khoai tây Solara Đức từ nguồn giống siêu nguyên chủng của Trung tâm. Đặc biệt từ nguồn khoai tây giống này, cùng với kỹ thuật canh tác do các cán bộ trung tâm chuyển giao, tỷ lệ sử dụng khoai tây giống Solara đã được tăng lên, thay thế cho giống khoai tây Trung Quốc chất lượng kém trước đây. Hơn nữa với việc cung ứng giống khoai tây chất lượng, người dân trong tỉnh đã bỏ hẳn phương thức “tự để giống” vừa hạn chế năng suất, vừa gây thoái hóa giống nhanh. Kỹ sư Phạm Thị Lan, Phó Phòng NN và PTNT huyện Nam Trực cho biết: Được sự hỗ trợ của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định, Sở KH và CN, huyện đã gieo trồng 10 tấn giống khoai tây Solara, năng suất, chất lượng cao hơn gần gấp đôi so với giống khoai tây KT3 của Trung Quốc. Sự nỗ lực nghiên cứu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trong lĩnh vực giống cây trồng của Trung tâm Giống cây trồng Nam Định đã khẳng định bước tiến của tỉnh trong sản xuất giống lúa lai nói riêng và giống cây trồng nói chung, góp phần giúp người dân có nhiều sự lựa chọn theo yêu cầu chuyển đổi cơ cấu giống, cho năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Cũng trong xu thế vận động để vượt qua thách thức phát triển kinh tế nông thôn thời hội nhập, không chỉ người nông dân trên đồng ruộng mà người lao động sản xuất trong các làng nghề truyền thống cũng đang nỗ lực hết mình để tiếp cận, vận dụng khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh Nguyễn Hải Đăng, công nhân Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) tâm sự: “Gắn bó với nghề cơ khí chế tạo truyền thống của làng nghề Xuân Tiến từ hàng chục năm nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng internet, tôi thấy việc đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm không chỉ là việc của chủ doanh nghiệp mà bản thân mỗi người lao động đều phải nhận thức được và tham gia thực hiện để xây dựng Cty ngày càng phát triển vững mạnh”. Với suy nghĩ đó, anh đã vận dụng tối đa những kiến thức đã học trong nhà trường cùng quá trình nghiên cứu, tiếp cận thực tế nhu cầu của người tiêu dùng… để có những sáng kiến cải tiến thành công nhiều chi tiết máy, hợp lý hóa quy trình sản xuất bảo đảm hiệu quả kinh tế. Anh đã nghiên cứu chế tạo ra nhiều loại máy chế biến gỗ độc đáo như máy phay mộng đa năng; máy kẻ phào chỉ gỗ trang trí… góp phần hiện đại hóa công nghệ chế biến gỗ. Sử dụng các loại máy này không chỉ đảm bảo sản xuất hàng loạt sản phẩm có độ chính xác của các chi tiết cao và giảm tới 70% chi phí lao động cho công đoạn đục mộng và trang trí phào chỉ gỗ so với làm thủ công. Với những sáng chế độc đáo đó, thương hiệu máy chế biến gỗ của Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc đã định vị được thương hiệu trên thị trường, giành được những giải thưởng như: “Giải Bạc chất lượng quốc gia”; “Cúp vàng thương hiệu Việt uy tín”; “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”... Cty là điểm đến tin cậy của các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ trong và ngoài nước khi cần trang bị công cụ máy móc sản xuất phù hợp với sản phẩm mới.

Những nhà sáng chế “hai lúa”, những “kỹ sư chân đất” dù không bước ra từ cổng trường đại học nhưng say sưa và vanh vách nói về khoa học kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trên đồng ruộng không kém những kỹ sư thực thụ; những cử nhân, thạc sĩ sẵn sàng trở về làm nông dân với những cánh đồng lớn, trang trại… không còn hiếm ở nông thôn. Và ở nhiều miền quê, các mô hình sản xuất theo tư duy mới gắn chặt với thị trường ngày càng nhiều… Tất cả cho thấy sự chuyển mình tích cực của nông thôn tỉnh ta trong nền kinh tế hội nhập, cho thấy sự chủ động của người nông dân, đặc biệt đã quan tâm đến yếu tố tri thức trong làm kinh tế thay cho thói quen và kinh nghiệm. Điều đó góp thêm vào hành trang quan trọng để kinh tế nông thôn vững vàng trong hội nhập, đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện; khẳng định mạnh mẽ việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm hàng hóa là hướng đi tất yếu trong tiến trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com