Ánh sáng cho những mùa xuân

05:02, 07/02/2016

Hệ thống lưới điện của tỉnh ta hình thành từ năm 1924 với yêu cầu ban đầu chỉ cung cấp điện cho Nhà máy Dệt Nam Định và một số khu vực nội đô thành phố. Trải qua các giai đoạn phát triển, dựng xây quê hương, lưới điện tiếp tục được đầu tư phát triển, đưa ánh sáng đến mọi thôn làng, mái nhà và đáp ứng các yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội.

Đầu tư quyết liệt

Điện khí hóa là một trong những yêu cầu tiên quyết để thực hiện CNH-HĐH cũng như từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Trước năm 2008, Cty Điện lực Nam Định chỉ quản lý, bán lẻ điện trực tiếp đến gần 100 nghìn khách hàng khu vực Thành phố Nam Định và các thị trấn trung tâm huyện. Hệ thống lưới điện nông thôn do các HTX quản lý, kinh doanh. Lúc cao điểm, trên địa bàn tỉnh có 317 đơn vị quản lý, kinh doanh điện ở 196 xã, thị trấn bao gồm 310 HTXNN kinh doanh dịch vụ tổng hợp, 6 HTX dịch vụ điện, 1 Cty TNHH kinh doanh điện. Mặc dù các HTX đã có rất nhiều cố gắng trong công tác quản lý lưới điện, thực hiện các biện pháp nhằm giảm tổn thất điện năng, bảo đảm vận hành an toàn; tuy nhiên do không phải lĩnh vực hoạt động chuyên ngành của các HTX, lưới điện có từ lâu đời (phần lớn xây dựng từ những năm 1960 đến 1970) nên độ tin cậy cung ứng điện thấp. Bên cạnh đó, các trạm biến áp phân phối do thiết kế, xây dựng đã quá lâu nên không còn nằm trong vùng trung tâm phụ tải dẫn đến bán kính cấp điện lớn, thông thường từ 2 đến 3km; công tơ điện lắp đặt bởi nhiều nguồn, chất lượng đo đếm thấp, việc kiểm định công tơ chưa đáp ứng yêu cầu, do vậy tổn thất điện năng cả thương mại, kỹ thuật ở nhiều HTX còn cao, có nơi tới gần 30%, làm cho giá bán điện tới người dân nông thôn cao hơn mức Chính phủ quy định. Thực trạng này khiến người dân nông thôn phải chi trả tiền điện nhiều trong khi chất lượng điện không tương xứng. Thêm nữa chất lượng kỹ thuật lưới điện không đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ở nông thôn, đòi hỏi phải có sự đầu tư cải tạo kịp thời, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Để có điều kiện cải tạo, nâng cấp lưới điện đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống nhân dân, trên cơ sở chủ trương chỉ đạo của Trung ương, tỉnh ta đã có cách làm mới, sáng tạo, đột phá, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Từ tháng 8-2008 đến hết năm 2009, Cty Điện lực Nam Định đã tổ chức tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ thế nông thôn từ các HTX kinh doanh điện theo hình thức tiếp nhận nguyên trạng, không hoàn trả vốn. Chỉ trong một thời gian ngắn với sự chỉ đạo cụ thể, sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành hữu quan, sự đồng thuận của nhân dân nên việc bàn giao lưới điện hạ thế nông thôn về ngành Điện quản lý đã thành công, tỉnh ta được đánh giá là địa phương dẫn đầu toàn quốc về chương trình này, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân nông thôn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khoá X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Ngay sau khi tiếp nhận, Cty Điện lực Nam Định đã bố trí đội ngũ thợ điện có trình độ và tay nghề để quản lý, vận hành an toàn lưới điện; hoàn tất mọi hồ sơ, thủ tục ký hợp đồng mua, bán điện, củng cố hệ thống thiết bị đo đếm để bán điện cho các hộ dân nông thôn theo đúng quy định của pháp luật. Ngành Điện đã tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện nông thôn vốn trong tình trạng cũ nát, mất an toàn bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Được sự quan tâm của Trung ương và ngành Điện nên trong 5 năm gần đây việc đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện trên địa bàn được thực hiện quyết liệt. Cty Điện lực Nam Định đã tiến hành xây dựng mới hơn 700 trạm biến áp phân phối, kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Lưới điện của 137 xã, thị trấn đã được đầu tư qua 2 giai đoạn với tổng kinh phí hơn 600 tỷ đồng. Hiện tại, còn 59 xã, thị trấn tiếp tục được đầu tư ở giai đoạn 2 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) với kinh phí gần 150 tỷ đồng và sẽ hoàn thành xây dựng trong năm 2016. Nhờ các chương trình đầu tư tập trung, trước khi tiếp nhận, bình quân 588 hộ dân nông thôn mới có 1 trạm biến áp thì nay mật độ đã giảm xuống còn 380 hộ/trạm, bán kính cấp điện được rút ngắn, góp phần nâng cao chất lượng cung ứng điện. Trên lưới điện trung thế, ngành Điện đã hoàn thành chuyển đổi toàn bộ hệ thống điện 6kV, 10kV sang cấp điện áp 22kV có đặc tính kỹ thuật tốt nhất hiện nay, vượt trước quy hoạch 6 năm, đi đầu trong 28 tỉnh, thành phố phía Bắc. Lưới điện khi nâng cấp lên 22kV sẽ làm tăng gấp đôi khả năng truyền tải, chống quá tải dây dẫn, các đường dây lại liên kết theo công nghệ mạch vòng bảo đảm linh hoạt trong vận hành, nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện, giảm tỷ lệ tổn thất. Như vậy, với tốc độ phát triển phụ tải bình quân hằng năm ở tỉnh ta khoảng trên 12% thì trong 10 năm tới ngành Điện không phải lo nâng cấp tiết diện dây dẫn, từ đó có điều kiện tập trung vốn tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa hệ thống điện ở xóm, thôn. Do tốc độ đầu tư lớn vào khu vực nông thôn nên đến nay tỉnh ta đã có 166 xã, thị trấn (bằng 79%) đạt tiêu chí NTM về điện. Sau khi hoàn thành 2 giai đoạn đầu tư lưới điện nông thôn, ngành Điện sẽ quay trở lại đầu tư, nâng cấp hệ thống điện Thành phố Nam Định với dự án trị giá hơn 100 tỷ đồng, góp phần đưa Thành Nam vươn lên khẳng định vị thế của một đô thị lớn, trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tính đến nay, lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh được mở rộng gồm 1 trạm biến áp 220kV, 11 trạm 110kV, gần 3.000 trạm phân phối, 15.480km đường dây trung thế và hạ thế, cung ứng điện đến trên 667 nghìn khách hàng các loại. Hiện tại tỉnh ta mới sử dụng hết 55% công suất điện từ các trạm biến áp đầu nguồn, có lượng điện tiết kiệm dự phòng lớn để đáp ứng các yêu cầu đột xuất, phòng chống thiên tai, đồng thời đón bắt nhu cầu của những năm sau theo đúng mục tiêu định hướng “Điện đi trước một bước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” trong giai đoạn CNH-HĐH.

Ngành Điện tổ chức tuyên truyền về Giờ trái đất.
Ngành Điện tổ chức tuyên truyền về Giờ trái đất.

Không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng điện

Trong năm 2015, nguồn điện được cung cấp đầy đủ đáp ứng nhu cầu của các phụ tải trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra thiếu điện. Cty Điện lực Nam Định đã vận hành tối ưu lưới điện, cung cấp điện an toàn, chất lượng ngày càng được nâng cao, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động chính trị, văn hoá diễn ra tại địa phương, không để xảy ra các sự cố do chủ quan hoặc mất an toàn cho con người, thiết bị. Tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2015 đạt 1.601 triệu kWh, tăng trưởng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, bằng 103,22% kế hoạch Tổng Cty Điện lực miền Bắc giao. Cty luôn tuân thủ đúng các quy định về giá bán điện và thực hiện đúng giá bán cho các mục đích sử dụng điện, thực hiện việc lắp đặt công tơ điện tử 3 giá cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ để khuyến khích khách hàng sử dụng điện giờ thấp điểm với giá mua điện ưu đãi hơn. Cty đã dự báo nhu cầu và sớm có kế hoạch xây dựng hệ thống điện phục vụ các khu, CCN, làng nghề phát triển. Ngành Điện đã kéo điện đến tận chân hàng rào các doanh nghiệp trong các khu, CCN ngay sau khi giải phóng xong mặt bằng, sẵn sàng đáp ứng đủ công suất theo yêu cầu. Hiện tại các KCN: Hoà Xá, Bảo Minh, Mỹ Trung và tới đây là KCN Dệt may Rạng Đông đều được đầu tư đầy đủ hạ tầng lưới điện đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và đều có nguồn thứ 2 dự phòng khi có sự cố. Các làng nghề truyền thống trong tỉnh đã đầu tư cải tạo trạm điện cũ, bổ sung, nâng cấp đường dây hạ thế và trạm điện mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Về nguồn cung ứng, trước đây, lưới điện trung áp của tỉnh có tới 4 cấp điện áp nên việc vận hành không an toàn, độ tin cậy cung cấp điện không cao, chất lượng điện năng thấp, không kết nối được mạch vòng, vì thế không giảm thiểu được tình trạng mất điện của khách hàng. Sau khi đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trung áp chỉ còn 2 cấp điện áp là 35kV và 22kV nên việc cấp điện bảo đảm ổn định, linh hoạt hơn, các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện thực hiện tốt hơn so với năm 2014. Trong 3 năm gần đây, Cty đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng và các ngành hữu quan, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện. Hằng năm, Cty tổ chức phát trên 100 nghìn tờ rơi, 12 nghìn quyển cẩm nang sử dụng điện, gắn 1.500 poster tuyên truyền, niêm yết các giải pháp dùng điện tiết kiệm tại các điểm giao dịch khách hàng. Cùng với đó, Cty đã phối hợp tổ chức các đợt truyền thông lớn hướng đến khách hàng nhân dịp thực hiện các chương trình “Giờ Trái đất”, “Gia đình tiết kiệm điện”, “Trường tiểu học chung tay tiết kiệm điện” và đào tạo 250 tuyên truyền viên là cán bộ Đoàn Thanh niên các cấp. Hằng năm, sản lượng điện tiết kiệm được thường chiếm 2% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh. Thực hiện đổi mới chất lượng cung ứng dịch vụ, ngành Điện còn tổ chức “Tri ân khách hàng” với phương châm phục vụ “Khách hàng là sự tồn tại của chúng ta”. Các hoạt động kinh doanh điện của Cty đã hướng đến khách hàng theo tiêu chí 3 “dễ” đó là: dễ tiếp cận dịch vụ, dễ tham gia dịch vụ và dễ giám sát những cam kết của Cty. Đi liền với đó, ngành Điện đã đổi mới mạnh mẽ quy trình, thủ tục cấp điện. Thực hiện nhắn tin chăm sóc khách hàng, mở rộng thanh toán tiền điện thông qua các tổ chức tín dụng, cố định thời gian ghi chỉ số công tơ để người dân dễ giám sát, theo dõi cũng là những bước đi mới góp phần nâng cao chất lượng cung ứng điện trong nền kinh tế thị trường.

Đầu tư mạnh mẽ hạ tầng lưới điện kết hợp với không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng điện, phục vụ khách hàng là hướng đi đúng mà Cty Điện lực Nam Định đang thực hiện để đáp ứng yêu cầu phát triển. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Điện nói chung, Cty Điện lực Nam Định nói riêng sẽ đứng trước nhiều thách thức mới, đó là phải nhanh chóng hiện đại hoá hạ tầng, nâng cao chất lượng cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nhanh chóng tái cơ cấu, đổi mới quản trị doanh nghiệp nhằm tối ưu hoá chi phí, nâng cao năng suất lao động bắt kịp các nước trong khu vực khi Cộng đồng ASEAN đã hình thành. Chính vì vậy, đòi hỏi trách nhiệm, sự nỗ lực vươn lên của toàn Cty Điện lực Nam Định để xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn; xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND đã được Đảng, Nhà nước trao tặng./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com