Những "quả ngọt" từ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp

11:02, 12/02/2016

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, nông dân khắp các miền quê trong tỉnh đã tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao hiệu quả kinh tế của các nông sản, thực phẩm chủ lực. Trên các cánh đồng, nhiều giống lúa, rau màu mới được đưa vào sản xuất theo vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết… cho thu nhập cao. Kinh tế trang trại, gia trại từng bước phát triển theo quy hoạch, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tất cả đang thổi luồng sinh khí mới đến các miền quê, mang lại niềm vui cho người nông dân khi đời sống được nâng cao.

Qua triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Nam Định theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020”, nhận thức của các cấp, các ngành và nông dân về Đề án và những yêu cầu bức thiết đối với phát triển nông nghiệp từng bước được nâng lên. Nhiều địa phương tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sắp xếp mùa vụ hợp lý và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sự nhạy bén về nhu cầu thị trường của nông dân nâng lên rõ rệt thể hiện qua việc tích cực sử dụng các giống lúa mới, bảo đảm về năng suất và chất lượng, nhưng thời gian sinh trưởng ngắn như: TX111, Thiên Trường 750, TH3-3, CT16 (lúa lai); Hương biển 3, BC15, BT7 kháng bạc lá (lúa thuần)… để nâng cao tính hiệu quả trong sản xuất và tăng hệ số sử dụng đất. Trên đồng màu, các hộ nông dân liên tục áp dụng phương pháp luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng trái vụ các loại cây với hàng trăm công thức canh tác, hình thành hàng trăm cánh đồng trăm triệu đồng/ha, tạo ra sản lượng hàng hóa lớn. Đồng đất trong tỉnh thoắt xanh, thoắt đỏ sắc màu của ngô, cà chua, bắp cải, súp lơ… Vào vụ xuân, ở các xã Giao Phong, Giao Yến, Giao Thịnh (Giao Thủy), có thể dễ dàng bắt gặp nông dân tập trung trồng lạc, sau là dưa hấu, rồi tới lúa mùa và khoai tây đông. Tại các xã Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Đồng (Ý Yên) thì xen giữa 2 vụ lạc xuân và khoai tây giống vụ đông là củ cải hè thu. Với các xã có vùng đất bãi ven đê và vùng chuyên canh rau lại tập trung vào trồng rau thương phẩm và sản xuất rau giống… Điểm sáng trong năm 2015 là toàn tỉnh đã triển khai thành công 284 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích gần 13 nghìn ha. Hiệu quả kinh tế ở các cánh đồng mẫu lớn đều tăng so với sản xuất đại trà từ 10-15%. Việc đẩy mạnh phát triển xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã mở ra hướng mới về áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ quản lý, tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, đến cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp thay cho lao động thủ công, giảm đầu tư, giảm lao động nặng nhọc nhưng tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng vụ, nâng cao thu nhập cho người nông dân…

Vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung của xã Hải Triều (Hải Hậu).
Vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung của xã Hải Triều (Hải Hậu).
Diện tích mặt nước cũng được khai thác hiệu quả để phát triển nuôi thủy sản hàng hóa. Chưa bao giờ đất thùng đào, thùng đấu hay những cánh đồng trũng cấy một vụ lúa bấp bênh, ruộng muối kém hiệu quả lại “có giá”, không khác vùng “bờ xôi, ruộng mật” như hiện nay. Ở khắp các địa phương, những cánh đồng cấy lúa “không ăn chắc” được đắp bờ vùng, xây bờ bao kiên cố cùng hệ thống cống, rãnh điều tiết nước để tổ chức nuôi tôm, cá, xen canh lúa - cá hoặc nuôi thủy đặc sản như: ba ba, ếch, rắn, cá tra... mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với cấy lúa hay làm muối trên cùng đơn vị diện tích. Đó chính là “quả ngọt” của những chủ trương, chính sách phát triển kịp thời, phù hợp như: quy hoạch vùng sản xuất, lập Đề án sử dụng linh hoạt đất trồng lúa và tổ chức thực hiện tốt như hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; xây dựng mô hình điểm để rút kinh nghiệm và nhân rộng… Đến nay, toàn tỉnh có gần 16 nghìn ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó 274 trang trại thủy sản đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT quy định. Mỗi năm, ngành nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng. Phương pháp nuôi thả cũng chuyển dần từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP). Ngoài các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm chân trắng, ngao, cá song, cá vược… và các loại cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép… nhiều chủ trang trại đầu tư nuôi các loại con nuôi mới như cá lóc, cá diêu hồng, cá lăng chấm… cho thu nhập cao. Các trang trại, cơ sở sản xuất giống thủy sản đã ứng dụng thành công công nghệ sinh sản nhân tạo trên nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như: ốc nhồi, cá lăng chấm, tôm càng xanh, rô đồng, cá bống tượng (nước ngọt); cua biển, tôm sú, cá chim biển, cá sủ đất, cá bống bớp, cá song, cá vược, ngao, tu hài, hàu… (nước mặn lợ) giúp chủ động về giống; ứng dụng công nghệ sinh học trong cải tạo ao, đầm, quản lý quy trình nuôi dùng các chế phẩm sinh học bảo đảm sức khoẻ cho động vật thủy sản, con người và thân thiện với môi trường. 
 
Cùng tô điểm cho bức tranh sinh động trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp phát triển khắp các địa phương. Đây là mô hình kinh tế hộ năng động khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động địa phương, tạo ra lượng nông sản, thực phẩm hàng hoá ngày càng nhiều, mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 9 trang trại trồng trọt doanh thu bình quân 1,46 tỷ đồng/trang trại; 66 trang trại tổng hợp; 325 trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt; một số trang trại phát triển thêm các con nuôi đặc sản là lợn rừng, gà lai chọi, thỏ, nhím, cá sấu… Do kết hợp tốt trồng trọt với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp VAC phát triển khá vững chắc và cho thu nhập ổn định. Một số chủ trang trại đã chuyển đổi từ mô hình nuôi, trồng đơn canh sang sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Các trang trại chăn nuôi hầu hết được ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ chuồng kín, thiết bị chuồng trại có máng uống tự động, máng ăn bán tự động cho lợn, gà, bảo đảm vật nuôi phát triển nhanh, năng suất và hiệu quả cao. Từ các trang trại ban đầu, một số chủ trang trại đã nâng cao trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ, tích lũy vốn để nâng cấp trang trại, mở rộng quy mô. Trong đó có một số trang trại đã phát triển thành doanh nghiệp. Điển hình là trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Toán ở xã Xuân Thượng (Xuân Trường) đã phát triển thành Cty TNHH Phú Lộc; ông Vũ Trọng Nghĩa ở xã Hải Lộc (Hải Hậu) từ 1 trang trại nuôi gia công cho tập đoàn CP của Thái Lan sau khi tích lũy vốn, kiến thức đã phát triển thêm 3 trang trại và nay đã thành lập Cty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông. Điều này cho thấy sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong nông nghiệp của nông dân để phù hợp với yêu cầu sản xuất hàng hoá trong hội nhập kinh tế.
 
Thu hoạch bắp cải tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng).
Thu hoạch bắp cải tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng).
Để đạt được những kết quả trên, tỉnh xác định tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phải bảo đảm phát triển bền vững trên cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực khai thác các tiềm năng đất đai, lao động và nguồn lợi biển. Xây dựng và phát triển nhanh các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển trang trại, gia trại; khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế về ATVSTP. Phát triển mạnh các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 5 “cây”, 4 “con” chủ lực. 5 “cây” là lúa (lúa gạo chất lượng cao, lúa giống), lạc, ngô, khoai tây và đậu tương; 4 “con” là lợn (lợn đặc sản, lợn thịt siêu nạc, lợn sữa), gà (gà thịt, gà trứng), ngao và tôm (tôm thẻ chân trắng, tôm sú). Nét nổi bật trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là bước đầu sản xuất theo định hướng và nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá”. Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách “tam nông”, coi trọng mối liên kết “4 nhà”; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản, tìm đầu ra cho nông sản; quan tâm tuyên truyền, vận động nông dân tích cực cải tạo đồng ruộng, thay đổi tập quán canh tác; tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân để nâng cao hiệu quả canh tác. Nhiều thành tựu tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất đã nâng cao năng suất, chất lượng và tạo ra khả năng cạnh tranh cho hàng hóa nông sản, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, đồng thời làm thay đổi căn bản tập quán canh tác của người nông dân. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mối liên kết bền vững giữa “nhà nông” và “nhà doanh nghiệp”. Điển hình là các mô hình: liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao giữa Tổng Cty Lương thực Miền Bắc với các HTX; liên kết sản xuất - tiêu thụ cây dược liệu giữa Cty CP Nam Dược với tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu Hải Lộc (Hải Hậu); liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn VietGAP giữa Cty Đầu tư và Thương mại Tuệ Hương với nông dân xã Yên Dương (Ý Yên); liên kết trong nuôi cá diêu hồng kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu); liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá song, cá vược của cơ sở Hoàng Tuynh với các hộ nuôi ở Nghĩa Hưng… Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm chỉ đạo khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bước đầu đạt kết quả. Tiêu biểu là Cty TNHH Cường Tân thuê gom, tích tụ ruộng đất sản xuất lúa giống và cây vụ đông; Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường) thuê gom, tích tụ ruộng đất sản xuất lúa gạo chất lượng cao; Cty TNHH Thủy sản Ngũ Hải đầu tư trang trại sản xuất 3.000 con lợn ngoại; Cty TNHH Thái Việt đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô 700 con nái và 5.000 con lợn thịt… Thông qua các bộ, ngành Trung ương hoặc trực tiếp tiếp xúc, tỉnh tiếp tục vận động mời gọi các doanh nghiệp lớn, công nghệ cao đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Trước mắt đang tập trung hỗ trợ Tập đoàn Vingroup đầu tư khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Xuân Châu, Xuân Hồng (Xuân Trường); tích cực mời gọi Tập đoàn bò sữa Niu Di-lân tại Việt Nam liên kết đầu tư trang trại bò sữa công nghệ cao tại huyện Xuân Trường; Tập đoàn FLC liên kết đầu tư trang trại gà đẻ trứng công nghệ cao của Ít-xra-en… Cùng với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, hiện tỉnh đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các tỉnh của Nhật Bản (I-ba-ra-ki, Mi-a-gia-ki); đặc biệt đang tích cực, chủ động, hợp tác chặt chẽ với tỉnh Mi-a-gia-ki trong việc xây dựng, triển khai hiệu quả Dự án sản xuất lạc theo tiêu chuẩn Nhật Bản xuất khẩu sang Hồng Kông và Nhật Bản tại xã Yên Cường (Ý Yên)…
 
Hôm nay, điểm danh nông sản nổi tiếng của Nam Định không chỉ có đặc sản nếp cái hoa vàng Quần Liêu, Dự hương Nam Mỹ, tám ấp bẹ Xuân Đài, tám xoan Hải Hậu… mà còn có thêm ngao Giao Thủy, cá bống bớp Nghĩa Hưng, tôm chân trắng… Đồng ruộng quê hương đang trỗi dậy với những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao ngày càng nhiều. Những cây, con ấy đang mang Xuân về trên khắp miền quê Nam Định./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com