Tăng cường quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền

08:03, 29/03/2013

Những năm gần đây, dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển mạnh với nhiều hình thức hợp tác, liên kết. Tỉnh ta hiện có 4 đơn vị cung cấp dịch vụ này là: Cty TNHH Truyền hình cáp Nam Định, Viễn thông Nam Định, Chi nhánh Viettel Nam Định, Chi nhánh FPT Nam Định. Tổng số thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền hiện đã tăng lên trên 60 nghìn thuê bao. Trong đó Truyền hình cáp Nam Định là đơn vị có số lượng, tốc độ phát triển thuê bao lớn nhất với trên 47 nghìn thuê bao; tiếp đến là Viễn thông Nam Định với trên 13 nghìn thuê bao.

Khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền mong muốn các doanh nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền mong muốn các doanh nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ.

Sự phát triển của dịch vụ truyền hình trả tiền đã góp phần nâng cao chất lượng truyền hình trên địa bàn tỉnh với số lượng kênh thông tin phong phú cho người xem. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới chú trọng vào việc phát triển doanh thu, chưa quan tâm đến quy định pháp luật trong hoạt động truyền hình trả tiền, dẫn đến nhiều vi phạm trong quá trình cung cấp dịch vụ truyền hình, gây khó khăn cho công tác quản lý. Nổi cộm như trường hợp, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, có giấy phép kinh doanh tại tỉnh Hưng Yên đã tự ý đầu tư hạ tầng thiết bị, máy móc tổ chức cung cấp dịch vụ tại một số huyện phía nam tỉnh. Khi phát hiện vi phạm này, lực lượng chức năng của Sở TT và TT đã phải mất cả năm trời mới xử lý dứt điểm vi phạm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động cũng còn nhiều vi phạm. Trong năm 2012, Chi nhánh FPT Nam Định, Viễn thông Nam Định vẫn phát triển thuê bao khi giấy phép thử nghiệm đã hết hạn, không đúng quy định trong nội dung giấy phép. Cty CP Viễn thông FPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội chưa đăng ký hợp đồng mẫu theo quy định tại Nghị định 99/2011/NĐ-CP ngày 27-10-2011 của Chính phủ. Cty TNHH Truyền hình cáp Nam Định chưa thực hiện việc kiểm tra và báo cáo chất lượng dịch vụ theo đúng quy định; phát kênh CCTV4 thu trực tiếp từ vệ tinh mà chưa có bản quyền; đang phát sóng 28/60 kênh không có trong danh mục theo Giấy phép số 100/GP-BTTTT và Giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh chương trình số 11/GCN-PTTH&TTĐT; 59/60 kênh truyền hình đang phát chưa thực hiện việc cài đặt biểu tượng nhận dạng dịch vụ. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chưa có giấy chứng nhận đăng ký danh mục kênh chương trình trên dịch vụ truyền hình trả tiền, chưa làm thủ tục đăng ký với Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT và TT) danh mục chương trình phim trên dịch vụ truyền hình theo yêu cầu của truyền hình trả tiền. Tại Viễn thông Nam Định, Viễn thông Thành phố Nam Định, các bộ thu tín hiệu truyền hình (Set Top Box) chưa được gắn dấu hợp quy khi đưa ra thị trường. Bên cạnh những tồn tại trên, do chạy đua để thu hút khách hàng nên số lượng kênh nước ngoài trên truyền hình trả tiền tương đối lớn trong khi chỉ một số ít kênh có giá trị về thông tin, giải trí được người xem quan tâm. Nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền phàn nàn mặc dù đã phải trả phí cho dịch vụ truyền hình nhưng khách hàng vẫn bị “tra tấn” vì tần suất quảng cáo không giảm so với khi xem truyền hình không phải trả tiền…

Trước thực trạng trên, Sở TT và TT đã tăng cường các giải pháp quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Thanh tra Sở TT và TT đã phối hợp với Phòng Báo chí, Xuất bản theo dõi, hướng dẫn các quy định của Nhà nước trong hoạt động truyền hình trả tiền, quy định về sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật liên quan đến việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn. Tập trung kiểm tra, giám sát và ngay khi phát hiện sai phạm đã kiên quyết xử phạt, chấn chỉnh, hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị khắc phục, sửa chữa chấm dứt vi phạm. Thời gian tới, Sở TT và TT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền hình trả tiền đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên địa bàn; hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác báo cáo riêng về hoạt động truyền hình trả tiền theo quy định. Người tiêu dùng cần quan tâm, tìm hiểu các quyền lợi của mình, chủ động phối hợp cùng cơ quan quản lý, giám sát và phản ánh kịp thời những sai phạm của doanh nghiệp; giúp ngành chức năng nâng cao chất lượng quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, bảo vệ quyền lợi khách hàng./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com