Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều chuyển biến tích cực; năng suất, sản lượng lương thực khá ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng lên, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện… Tuy nhiên, ở nhiều địa phương nông dân vẫn giữ tập quán gieo trồng các giống lúa dài ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện thời tiết, khí hậu kém; thời vụ gieo cấy cả 2 vụ lúa trong năm luôn chậm nên hay bị thiệt hại do sâu bệnh và thời tiết, lại không mở rộng được diện tích trồng cây vụ đông hàng hóa.
Trước thực trạng trên, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng mùa vụ gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) với mục tiêu thực hiện thâm canh 3 vụ trong năm để từ năm 2013-2015 bình quân thu nhập trên 1ha canh tác đạt trên 98 triệu đồng đến 120 triệu đồng/năm; diện tích cây vụ đông trên đất cấy 2 vụ lúa đạt 8%/năm 2013, trên 12%/năm 2014, trên 15%/năm 2015, (riêng các xã xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 phải thực hiện gấp 2 lần chỉ tiêu chung của toàn huyện), đồng thời gắn với xây dựng CĐML 3 “cùng” (cùng trà, cùng giống, cùng biện pháp canh tác) cả 3 vụ trong năm. Để thực hiện mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy sớm vụ xuân muộn hợp lý, mở rộng diện tích cấy lúa mùa sớm hoặc mùa trung sớm, chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, tập trung làm đất khẩn trương và áp dụng các tiến bộ thâm canh như gieo sạ, thu hoạch bằng máy để có đủ thời gian gieo trồng cây vụ đông… Mô hình CĐML luân canh 2 vụ lúa và 1 vụ đông trong năm được thực hiện theo 2 công thức. Công thức 1: lúa xuân muộn - lúa mùa sớm - cây vụ đông, áp dụng đồng bộ các biện pháp để đẩy sớm, rút ngắn thời vụ như gieo cấy sớm, làm đất nhanh, sử dụng giống lúa ngắn ngày. Công thức 2: lúa xuân muộn - lúa mùa trung sớm - cây vụ đông, với thời gian thu hoạch lúa mùa trước ngày 15-10. Thời gian cho cây vụ đông có trên dưới 95 ngày, thích hợp với các giống cây: bí xanh, khoai tây đông theo phương pháp làm đất tối thiểu và các loại rau. Do không bị áp lực về thời vụ gieo cấy lúa, phương thức làm đất nên đây là công thức luân canh 3 vụ dễ thực hiện với điều kiện đầu ra cho sản phẩm cây vụ đông phải được bảo đảm.
Nông dân xã Nghĩa Đồng bắt ốc bươu vàng trên cánh đồng mẫu lớn vụ xuân năm 2013. |
Căn cứ đề án của huyện, 24 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng đề án chuyển đổi cụ thể của địa phương. Trên cơ sở đăng ký của các địa phương, UBND huyện giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, thị trấn về diện tích chuyển đổi cơ cấu và thời vụ, diện tích CĐML cả vụ xuân, vụ mùa và diện tích trồng cây vụ đông trên đất cấy 2 vụ lúa. Theo đó, diện tích CĐML trong vụ xuân là 1.500ha, vụ mùa 1.410ha, vụ đông 696ha để có diện tích CĐML cả 3 vụ năm 2013 là 666ha và vụ đông trên đất 2 vụ lúa là 1.036ha. Do có sự thống nhất từ huyện đến cơ sở trong thực hiện đề án nên vụ xuân 2013 ở Nghĩa Hưng có bước đột phá mạnh mẽ. Toàn huyện đã đẩy sớm tiến độ thời vụ, cơ bản cấy xong lúa xuân trong ngày 22-2-2013, chỉ đứng sau huyện Hải Hậu. Số lượng CĐML của huyện chỉ đứng sau huyện Nam Trực với 28 CĐML, tổng diện tích 1.384,6ha. Tổng diện tích gieo sạ của Nghĩa Hưng cũng gấp 2 lần vụ xuân năm 2012 với 1.927ha. Nhiều xã có tỷ lệ diện tích gieo sạ lớn như: Nghĩa Đồng 78,1%, Nghĩa Thịnh 72%, Nghĩa Tân 44,2%, Nghĩa Minh 40,2%... Đồng chí Trần Xuân Tiệp, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tân cho biết: "Với sự chỉ đạo tập trung của Đảng uỷ, UBND xã, vụ xuân này diện tích CĐML của xã đã đạt 75ha cấy cùng một giống, vượt chỉ tiêu huyện giao 15ha. Hiện tại lúa ở CĐML tốt vượt trội; là điều kiện thuận lợi để xã tiếp tục nhân rộng CĐML trong vụ mùa, phấn đấu thu hoạch lúa mùa ở cánh đồng này xong trước tháng 9-2013 để triển khai vụ đông”. Từ địa phương có tiến độ gieo cấy vụ xuân chậm nhiều năm, nhưng năm nay cả 419,25ha lúa xuân của xã đã hoàn thành gieo cấy vào ngày 21-2. Để gieo cấy tập trung nhanh, HTXNNDV đã trích quỹ mua thêm 19 dụng cụ sạ hàng. Với CĐML, UBND xã hỗ trợ 50% tiền mua giống cho các diện tích gieo cấy.
Đến các xã Nghĩa Thái, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong, Nghĩa Hùng, Nghĩa Lợi… đâu đâu cũng nghe nông dân bàn bạc về xây dựng CĐML, phương pháp gieo sạ hàng, sản xuất vụ đông hàng hoá tập trung. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ gắn với xây dựng CĐML đã "ngấm" dần trong nhận thức và hành động của mọi người, mọi nhà, đang tạo ra động lực, khí thế sản xuất mới ở huyện Nghĩa Hưng./.
Bài và ảnh: Tất Thắc