Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 về phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015 nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, huyện Giao Thủy đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. UBND huyện chỉ đạo Phòng Công thương tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai đề án phát triển CN-TTCN; hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, chọn địa điểm, ngành nghề, vùng nguyên liệu, thị trường, xây dựng kế hoạch phát triển; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao kiến thức quản lý, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm… Đảng ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức quán triệt nghị quyết, xây dựng kế hoạch cụ thể theo điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, phân công cán bộ phụ trách, xây dựng quy hoạch và dành quỹ đất cho phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn theo hướng quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Ảnh minh họa: Internet |
Đến nay, toàn huyện có 1.640 cơ sở sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn, trong đó có 11 Cty CP, 20 Cty TNHH, 6 HTX, 4 DNTN…, tăng 193 cơ sở (13,3%) so với năm 2011. Những xã, thị trấn có số lượng cơ sở sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn phát triển là: Bạch Long, Giao Tiến, Hồng Thuận, Giao Xuân… Tổng số lao động tham gia là gần 15 nghìn 700 người, những ngành nghề thu hút nhiều lao động là: sản xuất và chế biến muối 7.867 lao động, sản xuất trang phục 2.515 lao động, nhóm ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (mây tre đan, móc sợi, thêu ren) 1.640 lao động. Các nhóm ngành nghề cũng được phát triển đa dạng như: sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, sản xuất và chế biến muối, may công nghiệp, chế biến gỗ… Những năm gần đây, nghề may công nghiệp phát triển mạnh, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động nông thôn. Đến nay, toàn huyện có 25 cơ sở may công nghiệp trong đó 1 cơ sở có trên 1.000 lao động, 3 cơ sở có từ 60-100 lao động, 4 cơ sở có từ 25-60 lao động. Một số doanh nghiệp đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc đồng bộ để mở rộng sản xuất kinh doanh như: Cty CP May thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy (Thị trấn Ngô Đồng), Cty CP May Bạch Long (xã Bạch Long), Cty TNHH May và Thương mại Anh Đức (xã Giao Tân)… Là Cty chuyên gia công các sản phẩm trang phục thi đấu thể thao chuyên nghiệp xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Cty CP May thời trang thể thao chuyên nghiệp Giao Thủy hiện có 17 chuyền may với năng lực sản xuất mỗi năm trên 2 triệu sản phẩm, đảm bảo việc làm cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập 2,7-3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, Cty đang khẩn trương hoàn thiện dự án xây dựng thêm 1 xưởng may mới với tổng mức đầu tư dự kiến gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 500 lao động. Nghề sản xuất các sản phẩm từ gỗ có 228 cơ sở ở cả 22 xã, thị trấn của huyện, tạo việc làm cho gần 800 lao động, trong đó Cty CP Chế biến lâm sản Hoàng Gia ở xã Giao Tiến đã đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng 1.800m2 nhà xưởng tại điểm công nghiệp tập trung của xã, trang bị máy móc hiện đại để sản xuất gỗ ván sàn xuất khẩu. Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển ngành nghề nông thôn, xã Bạch Long đã tập trung thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn về địa phương. Toàn xã có 12 Cty, doanh nghiệp; 37 cơ sở sản xuất - chế biến các nghề may công nghiệp, mộc gia dụng, đan móc sợi, xây dựng dân dụng, chế biến sứa, cơ khí..., tạo việc làm cho trên 4.700 lao động. Trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp chế biến gỗ, mỗi doanh nghiệp có từ 8-10 lao động thường xuyên và gần chục cơ sở sản xuất với quy mô từ 3-5 lao động/cơ sở. Nghề đan móc sợi và làm hàng thủ công mỹ nghệ được duy trì, tạo việc làm bán thời gian cho trên 200 lao động với thu nhập bình quân từ 30-40 nghìn đồng/người/ngày. Nghề may công nghiệp ở 2 đơn vị: Cty CP May Bạch Long và doanh nghiệp Thanh Tâm, tạo việc làm cho gần 200 lao động địa phương, thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Để tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, xã Giao Hương chủ trương phát triển các nghề phụ như: mộc dân dụng, đan móc sợi, trồng nấm, cơ khí…, đồng thời khuyến khích người dân ở độ tuổi lao động chủ động học nghề, tham gia các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tạo điều kiện về thủ tục vay vốn cho các hộ, cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ gần 20 tỷ đồng. Nghề sản xuất nấm thương phẩm thu hút 10 hộ tham gia, trong đó có 2 cơ sở của các ông: Trần Văn Chiểu (xóm 4), Phạm Văn Chuẩn (xóm 9) bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá, tận dụng được nguồn rơm rạ sau thu hoạch, góp phần bảo vệ môi trường, mỗi cơ sở tạo việc làm cho 10-15 lao động. Cơ sở đan móc sợi của chị Đặng Thị Hoa, xóm 6 tạo việc làm cho gần 700 lao động trong đó có trên 400 lao động địa phương, thu nhập đạt từ 40-50 nghìn đồng/người/ngày. Toàn xã có 4 cơ sở mộc gia dụng, 5 xưởng cơ khí tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 40 lao động.
Trong thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục thu hút đầu tư, ưu tiên cho đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản và các ngành sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của huyện. Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các cơ chế khuyến khích và chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, đất đai, đào tạo nghề… để khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển ngành nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương./.
Thành Trung