Biện pháp ổn định lao động ở các doanh nghiệp ngành dệt may

07:03, 21/03/2013

Dệt may là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh ta, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho số lượng lớn lao động trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, vào mỗi dịp đầu năm, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đều phải “đau đầu” với vấn nạn thiếu lao động do công nhân nghỉ làm hoặc “nhảy việc”. Chẳng hạn các tháng đầu năm 2012, tại ba KCN của tỉnh có hơn 2 nghìn lao động ngành dệt may bỏ việc. Các doanh nghiệp phải đôn đáo tuyển lao động trực tiếp ngay tại trụ sở hoặc thuê các hộ dân xung quanh treo bảng tuyển dụng lao động, đồng thời cử cán bộ đi tuyển thêm công nhân từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, vào đầu năm nay, tình hình có chuyển biến tốt hơn. Theo thống kê của Phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động (Ban quản lý các KCN tỉnh) cho biết, số lượng lao động trong ngành dệt may đầu năm 2013 ít biến động. Hiện tại, các KCN có khoảng 2,2 vạn lao động, trong đó số lượng lao động ngành dệt may chiếm 75-80%. Sở dĩ lao động ngành dệt may năm nay ít biến động do các Cty đã rút kinh nghiệm sau cuộc khủng hoảng lao động đầu năm ngoái nên đã chủ động giữ chân người lao động bằng cơ chế tiền lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ tốt hơn. Cty CP Thủy Bình (KCN Hòa Xá) chuyên kéo sợi len, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Giám đốc Cty cho biết: “Hiện tại, 100% số công nhân của Cty sau nghỉ Tết đều đi làm trở lại.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Cty May TNHH Garnet Nam Định ở KCN Hòa Xá (TP Nam Định).
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Cty May TNHH Garnet Nam Định ở KCN Hòa Xá (TP Nam Định).

Nhờ đó, trong 2 tháng đầu năm 2013, cả 2 dây chuyền kéo sợi len của Cty vẫn vận hành đầy đủ, đảm bảo bình quân mỗi tháng Cty xuất ra thị trường từ 90-100 tấn sợi len các loại”. Ngay từ lúc bắt đầu vận hành sản xuất từ tháng 5-2009, để đảm bảo đời sống tối thiểu của lao động, Cty đã xây dựng quy chế thưởng đầy đủ, đồng thời sắp xếp quản lý ca kíp hợp lý, đảm bảo công nhân đủ thời gian hồi phục sức lao động để gắn bó với công việc lâu dài. Cụ thể, đối với các công nhân đi làm trước tháng 6-2009 thì năm 2013 sẽ được thưởng 500 nghìn đồng và sau mỗi năm sẽ được cộng thêm 100 nghìn đồng. Tính tiền thưởng đủ công, tiền thưởng sản lượng, thâm niên và tiền thưởng tháng 13 thì mỗi công nhân đều được thưởng gần 10 triệu đồng/năm. Đối với các công nhân vào thử việc đều được hưởng chế độ 100 nghìn đồng/người/ngày. Các công nhân làm ca đêm đều được tăng tiền công 130% và tăng ca được hưởng lương 200%. Cty cũng tạo điều kiện cho công nhân nghỉ phép theo quy định của Bộ luật Lao động, đồng thời linh hoạt theo thời vụ để công nhân không bị áp lực quá cao về công việc. Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với tình huống thiếu lao động đầu năm, Cty đã đẩy nhanh tiến độ sản xuất vào cuối năm. Hiện tại, đơn hàng Cty đã đảm bảo đến tháng 5-2013 chủ yếu xuất bán tại thị trường Hải Phòng, Hà Nội và xuất sang Trung Quốc, các nước Đông Âu...

Bình quân hằng năm doanh thu của Cty đạt hơn 90 tỷ đồng. Hiện tại, Cty đang tiến hành mở rộng thêm 1 xưởng sản xuất rộng 4.000m2 với khả năng giải quyết việc làm thêm 200 lao động. Tại Cty May TNHH Garnet Nam Định, hằng năm Cty đều trích 1% quỹ lương cho hoạt động của Công đoàn Cty dùng để thăm hỏi chăm lo cho công nhân ốm đau, công nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cty luôn đảm bảo cho công nhân được nghỉ các ngày lễ, Tết theo quy định, có chế độ lương, thưởng tháng 13 hợp lý, bảo đảm đầy đủ mọi chế độ bảo hiểm xã hội, xây dựng quy chế lương thưởng hợp lý nhằm khuyến khích công nhân sản xuất. Bên cạnh đó, Cty đã sắp xếp ca sản xuất hợp lý, không để công nhân phải làm 3 ca, từng bước rút ngắn thời gian tăng ca hiện tại từ 2 tiếng xuống còn 1 tiếng trong thời gian tới. Hằng năm, Cty đều tổ chức cho công nhân đi du lịch, nghỉ dài ngày. Ông Phạm Văn Lâu, Phó Giám đốc Cty cho biết: “Không chỉ đảm bảo mức thu nhập cho người lao động nhằm giảm bớt khó khăn khi giá tiêu dùng tăng, Cty đều lo bữa ăn công nghiệp cho người lao động với mỗi suất ăn 15 nghìn đồng/bữa (không tính khấu hao đồ dùng và lương người phục vụ nhà bếp), đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm”. Nhờ thế, lực lượng lao động đầu năm của Cty ít biến động. Hiện tại, cả 12 dây chuyền may công nghiệp với hơn 350 lao động của Cty đều sản xuất ổn định. Trung bình mỗi tháng Cty sản xuất được hơn 50 nghìn sản phẩm là các loại quần áo jacket xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Bra-xin. Năm 2012, doanh thu của Cty đạt gần 30 tỷ đồng, thu nhập của người lao động bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Cty tiếp tục mở rộng thêm 2 xưởng may gia công tại xã Trực Nội (Trực Ninh) và ở tỉnh Thái Bình với nhu cầu tuyển thêm hơn 500 lao động.

Với việc chủ động nâng cao đời sống công nhân của các doanh nghiệp, người lao động đã gắn bó hơn với doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu biến động về lao động trong ngành dệt may. Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ về phát triển kinh tế, an sinh xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả giúp các doanh nghiệp từng bước ổn định và tiếp tục mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, bảo đảm các quyền lợi của người lao động./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com