Năm 2012, mặc dù sản xuất công nghiệp cả nước gặp khó khăn nhưng sản xuất CN-TTCN của tỉnh ta vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất (giá so sánh 1994) ước đạt 14.922 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16%. Trong đó, công nghiệp Trung ương đạt 1.922 tỷ đồng, tăng 22,4%; công nghiệp địa phương đạt 11.788 tỷ đồng, tăng 21,8%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.212 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2011. Giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 363,5 triệu USD, tăng 12,7% so với năm 2011.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ NN và PTNT tham quan gian hàng làng nghề tơ tằm Cổ Chất (Trực Ninh) tại Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam 2012, tổ chức tại Nam Định, tháng 9-2012. Ảnh: Việt Thắng |
Đạt được kết quả trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ngành chức năng trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và của UBND tỉnh, các cấp, các ngành tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp hạ giá thành, tiêu thụ sản phẩm như: gia hạn nộp thuế, giảm thuế đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất; thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, hạ mặt bằng lãi suất tín dụng; cải tiến thủ tục giao dịch hải quan… Đích thân các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã dẫn các đoàn doanh nghiệp trong tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông. Sở Công thương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia, có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước; chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ thương mại tại các huyện và Thành phố Nam Định giúp các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp cận người tiêu dùng; thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với các tham tán thương mại, tùy viên thương mại ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, I-ta-li-a, Anh, Hàn Quốc…, giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường; tích cực giải quyết triệt để các tranh chấp thương mại phát sinh. Trong khó khăn, các doanh nghiệp trong tỉnh đã liên kết chặt chẽ để nắm bắt thông tin về giá, tăng cường sử dụng sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp bạn nếu là nguyên liệu sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, ưu tiên công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đều tích cực khai thác thị trường trong nước bằng việc đa dạng mẫu mã sản phẩm cho phù hợp thị hiếu và chủ động cắt giảm mức lãi suất của doanh nghiệp cũng như của nhà phân phối ở mức tối đa để các sản phẩm có mức giá kích thích tối đa sức mua của người tiêu dùng.
Sản xuất ở Cty CP Dây lưới thép Nam Định |
Để chủ động nâng cao sản lượng hàng tiêu thụ, Cty CP Dây lưới thép Nam Định đã chủ động nghiên cứu nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trên toàn quốc, nỗ lực nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường 3 sản phẩm mới: dây gai tôn, lưới thép hàn, lưới B40 ô nhỏ. Đây là các sản phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng của các hộ chăn nuôi trang trại tại các vùng nông thôn trên toàn quốc. Chất lượng cao, giá cả phù hợp lại đáp ứng nhu cầu sử dụng nên cả ba sản phẩm mới của Cty đã nhanh chóng tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường và góp phần tăng doanh thu cho Cty 20% so với khi chưa đưa ba sản phẩm mới ra thị trường. Các doanh nghiệp đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường xuất khẩu cũng tập trung thực hiện tối đa các biện pháp giữ chân khách hàng cũ, mở rộng thị trường mới bằng uy tín, chất lượng sản phẩm và giá thành hợp lý. Cty CP Dược phẩm Nam Hà đã tập trung vốn xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và đang thành lập một phòng chuyên nghiệp hóa về lĩnh vực mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế. Cty nâng cấp nhà máy sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP-WHO) với 7 dây chuyền sản xuất trên 200 sản phẩm thuốc tân dược, đông dược; thành lập bộ phận kiểm tra giám sát quy trình, quy phạm sản xuất và bảo quản chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, nhiều sản phẩm của Cty đã được tặng Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các hội chợ triển lãm và luôn giữ vững được bạn hàng ở các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Pháp, Mi-an-ma, Nga...; doanh thu năm 2012 của Cty đạt trên 750 tỷ đồng. Để giữ vững thị trường xuất khẩu, Cty CP Lâm sản Nam Định đã tập trung đầu tư hệ thống thiết bị máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới. Các dây chuyền sản xuất của Cty được đầu tư đồng bộ với các thiết bị chuyên dùng hiện đại. Trong dự án nhà máy sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại KCN Bảo Minh (Vụ Bản), Cty xây dựng 4 xưởng sản xuất với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng, đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm phát huy và khai thác hiệu quả thiết bị, công nghệ mới... Hiện tại, đội ngũ cán bộ của Cty đều có trình độ đại học theo chuyên ngành quản lý; công nhân có tay nghề kỹ thuật cao. Cty gia nhập Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; trở thành thành viên của mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu tại Việt Nam (GFTN - Việt Nam). Qua đó, Cty được hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ thâm nhập vào các thị trường chính như châu Âu và Bắc Mỹ. Đến nay, Cty đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ đến năm 2015 tại các thị trường: EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc… Trong khối các doanh nghiệp dệt may, nhiều đơn vị vẫn tiếp tục phát triển trong điều kiện ngành dệt may gặp nhiều khó khăn. Bằng biện pháp tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm, Cty CP May Nam Định (Nagaco) vẫn tiếp tục nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn từ các bạn hàng truyền thống ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.
Sản xuất ở ở Cty CP May Nam Hà. |
Đặc biệt, một số đối tác mới còn đề nghị cùng hợp tác với Cty để đầu tư thêm dự án mới. Doanh thu năm 2012 của Cty đạt 145 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2011. Cty CP May Sông Hồng tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống trách nhiệm xã hội theo tiêu chuẩn SA-8000 và WRAP, hệ thống an ninh nhà máy theo tiêu chuẩn của C-TPAT Mỹ. Từ đầu năm 2012 đến nay, Cty CP May Sông Hồng đã di dời nhà xưởng từ nội thành Nam Định ra KCN Mỹ Trung (Mỹ Lộc) và đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, thiết bị máy móc theo hướng hiện đại với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Cty đã triển khai chương trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải ở các khu vực sản xuất, với mục tiêu đạt thẻ xanh quốc tế về môi trường xanh - sạch trong sản xuất để hội nhập bền vững. Nhờ đó, Cty đã nhận được nhiều đơn hàng dài hạn của các tập đoàn và thương hiệu nổi tiếng thế giới như Columbia Sportswear, Gap, New York & Company, Mango… Cty cũng đã triển khai chiến lược hội nhập toàn diện với chương trình mở rộng thị trường nội địa với hơn 70 đại lý, 71 Showroom ở 36 tỉnh, thành phố trong cả nước cung cấp các mặt hàng bông tấm chất lượng cao và các sản phẩm chăn, ga, gối, đệm. Năm 2012, Cty vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trong điều kiện kinh tế khó khăn và tiếp tục được đánh giá và bình chọn trong tốp 5 doanh nghiệp dệt may hàng đầu của cả nước.
Năm 2013, để các doanh nghiệp thực sự có tiềm năng tiếp tục phát triển, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hỗ trợ của các ngành chức năng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, UBND tỉnh sẽ ưu tiên tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường các hoạt động vận động thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích phát triển các hoạt động dịch vụ, các hình thức bán hàng hiện đại. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”./.
Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy