Sức xuân ở những khu công nghiệp

09:02, 15/02/2013

Trong khí thế thi đua lao động sản xuất đầu năm 2013, dạo quanh các KCN của tỉnh mới thấy sự sôi động trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cty CP TCE VINA DENIM (Hàn Quốc) vừa hoàn thành dự án xây dựng nhà máy dệt nhuộm vải bò công suất 30 triệu mét mỗi năm tại KCN Hòa Xá với tổng mức đầu tư 644 tỷ đồng. Cty CP Lâm sản Nam Định đã hoàn thành dự án đầu tư Nhà máy sản xuất đồ gỗ tại KCN Bảo Minh trên diện tích 6ha với giá trị hơn 300 tỷ đồng. Cty TNHH Youngor Smart Shirts với hệ thống nhà xưởng bề thế, hiện đại tại KCN Mỹ Trung thu hút 1.473 lao động tham gia sản xuất áo phông và áo sơ mi xuất khẩu. Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 KCN trong tổng số 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đi vào hoạt động, thu hút 160 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký 9.438,3 tỷ đồng và 227 triệu USD, tạo việc làm, thu nhập cho hơn 55 nghìn lao động. Trong đó, KCN Hòa Xá có diện tích 287,5ha đã lấp đầy 100% diện tích. KCN Mỹ Trung với diện tích 150,68ha đang tích cực hoàn chỉnh thủ tục để chuyển giao từ Cty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh cho nhà đầu tư Nhật Bản. KCN Bảo Minh mới xây dựng trên diện tích 154,5ha đã lấp 34,59% diện tích. Trong số các KCN của tỉnh, KCN Hòa Xá hình thành sớm nhất, từ năm 2003 do Cty Phát triển và khai thác hạ tầng thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh là chủ thi công. Các hạng mục hạ tầng như trạm xử lý nước thải giai đoạn I công suất 4.500m3/ngày đêm; khu dịch vụ, hồ điều hòa; nút giao thông trung tâm KCN giữa quốc lộ 10 và đường N5 đã thi công xong cả phần đường cũng như hệ thống đèn điều khiển giao thông. Các dự án xây lắp điện, nước sạch, thông tin liên lạc do chủ đầu tư chuyên ngành thực hiện tương đối đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư. Hiện nay, KCN Hòa Xá có 114 doanh nghiệp với 138 dự án đầu tư gồm 100 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp nước ngoài tham gia sản xuất, kinh doanh thu hút hơn 40.000 lao động các loại...

Một góc KCN Hòa Xá.
Một góc KCN Hòa Xá.

Năm 2012 là năm khó khăn trong hoạt động thu hút đầu tư nhưng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi và quyết tâm cao trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh như: Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, tỉnh ta đã thu hút được 12 dự án, trong đó đáng chú ý là 4 dự án đầu tư vào KCN Bảo Minh. Các dự án mới thu hút đầu tư về tỉnh đều có nguồn vốn lớn, công nghệ cao, sản xuất ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Cuối năm 2012, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam vào KCN Bảo Minh. Đây là dự án của Nhật Bản chuyên sản xuất, lắp ráp các sản phẩm và bán thành phẩm hệ thống dây dẫn điện dùng trong ô tô, xe máy với công suất 1.600 nghìn sản phẩm mỗi năm, tổng mức đầu tư hơn 20 triệu USD. Việc thu hút đầu tư về tỉnh thuận lợi, ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh, còn do hạ tầng giao thông ngày càng hoàn chỉnh. Nguồn lao động của Nam Định luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao bởi sự đa dạng, dồi dào về số lượng kết hợp với công tác đào tạo, bồi dưỡng bài bản cũng tạo ra sức hút với nhiều doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh ta đã có 20 dự án đầu tư nước ngoài, trong đó 19 dự án nằm trong KCN với tổng số vốn đăng ký là 216,66 triệu USD, chiếm 32,37% tổng số vốn đăng ký hiện tại.

Kiểm tra chất lượng quần bò thành phẩm trước khi xuất xưởng tại Cty CP TCE Vina Denim
Kiểm tra chất lượng quần bò thành phẩm trước khi xuất xưởng tại Cty CP TCE Vina Denim

Vượt qua bao khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh vẫn cơ bản ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời không ngừng tìm kiếm thêm bạn hàng mới, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Kết quả rà soát, phân loại tình hình doanh nghiệp năm qua cho thấy có 45% số doanh nghiệp hoạt động tốt, 43% số doanh nghiệp hoạt động bình thường, chỉ có 12% số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc dừng hoạt động. Trong cộng đồng doanh nghiệp KCN thì các đơn vị hoạt động ở lĩnh vực dệt, may, sản xuất dược phẩm và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn hoạt động ổn định, tiếp tục mở rộng sản xuất. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài do ít chịu tác động của thị trường trong nước bởi sản phẩm làm ra đều dành cho xuất khẩu nên sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định. Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đang sử dụng 12.750 lao động, trong đó có 158 lao động nước ngoài. Mức lương trung bình của người lao động trong doanh nghiệp FDI đạt 3 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn được hỗ trợ tiền ăn ca, chi phí đi lại, tiền thuê chỗ ở...

Vận hành dây chuyền sản xuất chỉ khâu tại Cty TNHH Dongyang Stvina (KCN Hòa Xá).
Vận hành dây chuyền sản xuất chỉ khâu tại Cty TNHH Dongyang Stvina (KCN Hòa Xá).

Năm 2012, các doanh nghiệp trong các KCN đã sản xuất 16,9 triệu sản phẩm hàng may mặc các loại, 13.000 tấn sợi, 3.000 tấn khăn, 167 triệu viên thuốc, 8,8 triệu lít bia, 33 chiếc ô tô, 3.100 tấn nến, 22 triệu USD sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá cố định năm 1994 ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng 122,5% so với năm 2011. Giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 181 triệu USD, tăng 30% so với năm trước; giá trị nhập khẩu 299 triệu USD bao gồm nhập nguyên liệu và máy móc, thiết bị. Trong khó khăn, các doanh nghiệp thuộc KCN vẫn cơ bản bảo đảm đủ việc làm thường xuyên cho người lao động. Một số doanh nghiệp do nhu cầu mở rộng sản xuất đang rất thiếu lao động như Cty TNHH Youngone cần tuyển thêm 4.000 lao động cho dự án giai đoạn II; Cty TNHH Youngor Smart Shirts cần tuyển 500 lao động cho dự án giai đoạn III; Cty TNHH Universal Candle cần tuyển 300 lao động; Cty CP Lâm sản Nam Định đang cần tuyển thêm 400 lao động làm việc tại nhà máy gỗ Bảo Minh (KCN Bảo Minh). Năm 2013, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong các KCN ước khoảng trên 6.600 người, tập trung chủ yếu là lĩnh vực dệt, may, sản xuất dây dẫn điện, cơ khí...

Đồng hành với quê hương trong suốt 9 năm hình thành, phát triển các KCN, doanh nhân Vũ Quang Anh ở quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: Công nghiệp của Nam Định vẫn chưa tạo được sự bứt phá lớn trong phát triển kinh tế của tỉnh vì chưa có những dự án lớn về sản xuất, kinh doanh; đặc biệt ở lĩnh vực cơ khí, điện tử, vật liệu mới… làm cơ sở để nhiều ngành sản xuất vệ tinh phát triển theo. Về chất lượng sản phẩm, phần lớn các doanh nghiệp trong các KCN là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng sản phẩm thấp, khó cạnh tranh trên thị trường. Do sử dụng nhiều lao động, hiệu quả sản xuất thấp nên chi phí tiền lương và phúc lợi cho công nhân là áp lực lớn với mỗi doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh thiếu vắng đội ngũ quản lý giỏi và các chuyên gia về kỹ thuật công nghệ nên sản phẩm làm ra có hàm lượng chất xám thấp, khó cạnh tranh và chưa mang tính bền vững. Từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, chắc chắn sản xuất công nghiệp ở các KCN của tỉnh sẽ phát triển trong những năm tới./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com