Những mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao ở Hải An

09:02, 05/02/2013

Để khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2010, Đảng ủy, UBND xã Hải An (Hải Hậu) đã quy hoạch và chuyển đổi 50ha vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo quy mô trang trại, gia trại tổng hợp. Đây là khu vực gần sông Ninh Cơ, có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm, xa khu dân cư nên thuận lợi cho chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản. Hiện tại đã có gần 30 hộ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo phương thức đa cây, đa con. Ông Nguyễn Văn Thoan, ở xóm 3, thôn An Trạch, một trong những hộ mới ra vùng chuyển đổi cho biết: Trước đây, gia đình tôi thường nuôi hơn 100 con lợn ngay tại nhà. Do diện tích chăn nuôi chật hẹp, điều kiện nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đầu năm 2012, được UBND và HND xã tạo điều kiện, tôi đã nhận thầu 0,5ha ở vùng đất chuyển đổi. Ông Thoan đầu tư trên 100 triệu đồng để đào ao, lập vườn. Với 2 ao nuôi có tổng diện tích 2.500m2, ông thả 3.000 con cá diêu hồng và 600 con cá trắm đen. Sau 7 tháng, gia đình ông thu được 2,5 tấn cá diêu hồng và dự kiến tháng 4 năm nay thu trên 5 tạ cá trắm đen. Tận dụng diện tích đất ven ao, đầu năm nay, ông trồng thêm 120 trụ thanh long ruột đỏ và hơn 2 sào trồng các loại rau: bắp cải, súp lơ, su hào... Ngoài ra, ông còn trồng trên 5 sào cây đinh lăng, làm nguyên liệu để sản xuất thuốc nam, nhằm tăng thu nhập trên diện tích canh tác.

Mô hình sản xuất tổng hợp của ông Nguyễn Văn Thoan, ở xóm 3, thôn An Trạch, xã Hải An.
Mô hình sản xuất tổng hợp của ông Nguyễn Văn Thoan, ở xóm 3, thôn An Trạch, xã Hải An.

Năm 2012, doanh thu của gia đình ông ước đạt trên 100 triệu đồng. Còn ông Vũ Văn Quynh, ở xóm 14, thôn An Đạo lại tập trung trồng cây cảnh và con nuôi đặc sản, gồm hươu sao, don, chồn lông đen... Nhờ chịu khó tìm tòi nghiên cứu các tài liệu, sách báo và đi tham quan tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình, đồng thời áp dụng phương pháp nuôi đúng kỹ thuật, phòng dịch bệnh tốt nên những con nuôi đặc sản của ông luôn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2007, trong một lần tình cờ xem chương trình nông nghiệp trên đài truyền hình giới thiệu về mô hình nuôi nhím, ông quyết định chọn nhím làm vật nuôi để phát triển kinh tế. Gia đình ông đã thu lãi hàng trăm triệu đồng từ bán nhím giống và tổng đàn nhím được phát triển lên 30 đôi. Thời điểm này, giá nhím giống xuống thấp, ông chuyển sang nuôi nhím thịt. Ông cho biết, hiện giá nhím thịt dao động từ 160-170 nghìn đồng/kg, cứ 6 tháng nuôi nhím thịt, mỗi con nhím cũng cho lãi 400-500 nghìn đồng. Ông Quynh còn là hội viên Hội Sinh vật cảnh của xã với vườn cây sanh, si, lộc vừng, tùng la hán… trị giá hàng tỷ đồng. Nhiều cây sanh có giá trị trên 100 triệu đồng. Những năm qua, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông đạt trên 200 triệu đồng. Gia đình ông Trần Văn Lương, xóm 6, thôn An Đạo lại thành công với mô hình nuôi lợn theo phương pháp bán công nghiệp. Bắt tay vào chăn nuôi lợn từ năm 2002, ban đầu, ông đầu tư xây dựng 16 ô chuồng trại, mỗi ô có diện tích 12m2 nuôi 6-7 con. Trong 2 năm 2011-2012, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng từ bán lợn thịt. Để mở rộng quy mô chăn nuôi, đầu năm 2012, ông đã xây dựng thêm 8 ô chuồng, mỗi ô có diện tích 16m2 lát nền đá hoa, xây hầm biogas nắp nổi để xử lý chất thải và hạn chế mùi hôi và giảm chi phí sản xuất. Hiện, tổng đàn lợn của gia đình ông có hơn 200 con. Bên cạnh thu nhập từ nuôi lợn, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 30 triệu đồng từ 4 sào ao nuôi các loại cá truyền thống gồm trắm, trôi, mè, chép…

Hiện xã Hải An có nhiều mô hình gia trại tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình các ông: Nguyễn Văn Thu, xóm 9, thôn An Đạo chuyên trồng cây cảnh; Tạ Văn Đam, xóm 5 nuôi vịt siêu trứng có quy mô 500 con và thả cá truyền thống; Nguyễn Văn Thạnh, xóm 4 nuôi 60 con lợn thịt và cấy 5,1ha lúa tám xoan Hải Hậu, BT7, nếp cái hoa vàng... Để tiếp tục vận động nhân dân trong xã mở rộng các mô hình chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại tổng hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền quản lý dịch bệnh, tổ chức tốt công tác tiêm phòng, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra. Kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc các hộ chăn nuôi gia trại, trang trại chuyển ra vùng chuyển đổi sản xuất để đảm bảo vệ sinh môi trường. Thường xuyên phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thủy sản, chăn nuôi. Bám sát đề án và đăng ký của các hộ xã viên trong vùng chuyển đổi, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi theo quy hoạch. Hội Nông dân, HTX tích cực tuyên truyền hướng dẫn, xây dựng các mô hình trồng các giống cây, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. UBND xã tranh thủ các dự án đầu tư, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển sản xuất./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com