Là làng nghề truyền thống với tuổi nghề trên 800 năm, làng Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực) trở thành làng nghề cổ nhất nhì đất Việt. Bước vào những khu vườn trong làng Vị Khê, nghe các nghệ nhân giới thiệu về từng dáng, thế cây, chúng tôi cảm nhận được hồn phách, sức sống của từng loài cây và ẩn chứa trong đó là những triết lý sâu sắc của ông cha. Người Vị Khê tự hào giới thiệu với khách đến làng về những tác phẩm nghệ thuật - cây cảnh của họ trên cả hai mặt, giá trị kinh tế, thẩm mỹ. Nhiều người thưởng lãm trầm trồ thán phục với sự khéo léo của các nghệ nhân khi uốn tỉa ra những khuôn hình chim thú, Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Phổ Minh… tài tình, như thiên nhiên đang cô lắng lại. Cây thông dáng trực siêu. Cây bỏng nổ dáng hạc lập. Những cây sanh dáng mẫu tử tương thân hay phụ tử tương tùy... Nghe tên gọi, ngắm thế cây, hiểu được phần nào triết lý nhân sinh của ông cha mình thuở trước, chuộng sự thanh cao (hạc lập), cương trực (trực siêu) cùng nếp sống gia đình hòa thuận, với tình cảm mẹ con ôm ấp thân thương (mẫu tử tương thân), với sự dìu dắt của người cha đối với con trai đang rụt rè dấn bước trên đường đời đầy chông gai, cạm bẫy (phụ tử tương tùy)... Và dù có tỉa, có uốn theo dáng nào đi nữa, với những triết lý thổi hồn vào từng thế cây, ông cha ta cũng luôn hướng đến chân - thiện - mỹ, cái gốc trường tồn của sự sống bao đời. Tâm hồn thanh khiết của bậc tiền nhân được lưu giữ trên mỗi góc vườn, nhành cây nhắc nhở con cháu về tính nhân văn của nghề truyền thống.
Nghệ nhân Vũ Viết Hoa chăm sóc 2 cây sanh chuẩn bị mang đi trưng bày tại Triển lãm SVC các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2012. |
Tại Triển lãm sinh vật cảnh (SVC) các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2012, chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh diễn ra từ 1 đến 10-10, cây cảnh làng Vị Khê cùng cây cảnh một số tỉnh, thành được chọn để “khoe sắc”, trưng bày ở những vị trí trang trọng, đẹp mắt. Người làng Vị Khê nói riêng, Điền Xá nói chung chọn những cây “đẳng cấp”, đem đi kính Thánh, trưng bày. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội SVC Điền Xá, “quà” từ Điền Xá là 250 tác phẩm cây của 150 gia đình trong xã tham dự, riêng làng Vị Khê có 126 cây. Các nghệ nhân trong làng chọn đại diện từ những nhóm cây quý nhất của làng là sanh, tùng la hán, tùng kim, lộc vừng, phi lao với các thế long, trực, huyền, hoành, dáng siêu, quần thụ… đi hội. Nhiều cây trong số đó có tuổi đời hơn cả nghệ nhân, là cây “gia bảo” trong nhà. Nghệ nhân Vũ Viết Hoa có đôi cây sanh hơn trăm năm tuổi, một cây dáng phụ tử kế công khanh, một cây trực hoành chia sẻ: “Tham gia trưng bày cây cảnh vào dịp kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định là vinh dự đồng thời cũng là trách nhiệm của những người làm nghề như chúng tôi. Cũng là dịp để người dân làng nghề giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình với bạn bè trong cả nước, khách du lịch quốc tế”. Ngoài đôi cây cảnh tiền tỷ của nghệ nhân Vũ Viết Hoa, rất nhiều những người làm nghề trong làng mang những cây có giá trị, tâm đắc nhất của mình như ông Đỗ Quốc Hùng với cây sanh dáng lão mai, Vũ Mạnh Tưởng với cây phi lao thế long giáng, cây sanh đôi long giáng của ông Nguyễn Văn Thơm… Nhiều cây trong số đó đã “chu du”, góp mặt ở nhiều lễ kỷ niệm, trưng bày qua nhiều tỉnh, thành như: Huế, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình… đặc biệt nghệ nhân làng Vị Khê cũng tự hào vì những tác phẩm cây cảnh của họ được nhiều quan khách “trầm trồ” thán phục thưởng lãm trong Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Nghệ nhân làng nghề Vị Khê có quyền được tự hào khi nhiều cây cảnh chứa đựng tâm huyết, tài hoa của họ được giới làm nghề công nhận khi đoạt các giải vàng, giải bạc, kỷ niệm chương tại các cuộc thi, triển lãm. Các tác phẩm nghệ thuật cây cảnh “đích thực” như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột… làm nức lòng người làng Vị Khê nói riêng, giới mê cây cảnh Nam Định nói chung. Hiện cây cảnh Vị Khê không những phát triển trong địa phương mà còn đi khắp đất nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Vị Khê cũng vinh dự khi đôi cây Nguyệt Quế và hàng Vạn Tuế của làng được chọn để trồng bên Lăng Bác. Nhiều nơi quan trọng như: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Quảng trường Ba Đình… đều có sự hiện diện của hoa, cây cảnh Vị Khê. Để chọn được những tác phẩm cây cảnh tốt nhất trưng bày trong triển lãm, những người làm nghề trong làng đã phải chuẩn bị trước đó hằng tháng trời. Những cây được chọn phải trải qua nhiều công đoạn tuyển chọn “khắt khe” của những người am hiểu nhất trong làng là các nghệ nhân có thâm niên, kinh nghiệm. Tiếp đó, những ai có cây được chọn được thường xuyên nhắc nhở bấm tỉa, chăm sóc chỉn chu. Ngày 28-9-2012, tất cả 250 cây cảnh trong làng được tập kết và chuyển lên Khu di tích lịch sử, văn hóa Trần cho khách xa gần có dịp thưởng lãm.
Điền Xá hiện có 7 làng với 450ha trồng cây cảnh thì riêng làng Vị Khê diện tích trồng cây cảnh là 150ha. 100% dân trong làng làm cây cảnh, 50% trong số đó có vườn cây giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên. 5-7% số hộ có vườn cây cảnh từ 20-30 tỷ đồng. Người dân làng nghề Vị Khê hiện có thể sống “đàng hoàng” với nghề của mình. Nghề truyền thống của làng đang mang lại những đổi thay tích cực cho dân làng nghề. Người Vị Khê vì thế có nhiều cách “tri ân” với nghề tổ. Không quản ngại xa xôi, tốn kém, họ mang cây của mình đi giới thiệu với bạn bè mọi miền đất nước. Người họa sĩ vẽ tác phẩm trên giấy, trên vải, còn dân làng Vị Khê “vẽ” tác phẩm của mình trên cây. Đáng khâm phục thay, nhiều tác phẩm có giá trị nhiều tỷ đồng do chính những đôi bàn tay tài hoa của người nông dân nơi đây làm ra. Mang “quà” đi kính Thánh, giới thiệu vào “đại lễ” đặc biệt, những nghệ nhân, nông dân thuần phác của làng nghề mang tâm tình, thành kính của mình thổi hồn vào tác phẩm, chăm chút cho từng dáng cây, thế cây. Giá trị nghệ thuật, tâm linh của người dân làng nghề “quần tụ” cả vào “món quà” này đã làm đẹp thêm cho “thời khắc lịch sử" được trông đợi của người dân Thành Nam./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân