Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu

07:10, 18/10/2012

Sản xuất các sản phẩm gia dụng bằng tre, nứa ghép xuất khẩu là thế mạnh của các làng nghề như Yên Tiến, Yên Hồng (Ý Yên), Vĩnh Hào, Liên Minh (Vụ Bản). Với năng lực xuất khẩu hàng chục tấn sản phẩm mỗi năm, các Cty, cơ sở sản xuất trong các làng nghề đã thu hút gần 5.000 lao động nông thôn với thu nhập từ 1,5-2,5 triệu đồng/người/tháng. Để giữ vững thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp đang nỗ lực đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.  

Quá trình sản xuất hàng tre, nứa ghép xuất khẩu trước đây theo quy trình xử lý nguyên liệu bằng cách ngâm trong nước ao hồ 4-5 tháng  trước khi chế biến để hạn chế mối mọt, nấm mốc và kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này đã bộc lộ hạn chế do sức bền cơ học của tre, nứa đã bị giảm đáng kể trong quá trình ngâm nước; gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, do chi phí mua nguyên liệu quay vòng chậm khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao… Để hạn chế tình trạng này, một số doanh nghiệp như doanh nghiệp Hoàng Sơn, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản), Tiến Đạt xã Yên Tiến (Ý Yên) đã đi nghiên cứu và tìm hiểu quy trình sản xuất ở các làng nghề thuộc các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Bình, Thành phố Hà Nội… Dựa trên nguyên tắc dùng các chất mang tính kiềm có sẵn trong tự nhiên như vôi, muối, dầu… để loại bỏ chất đường có trong tre, nứa nhằm hạn chế mối mọt, loại trừ nấm mốc và giữ được độ bền, màu và mùi thơm tự nhiên, đồng thời không bị sơ hóa nguyên liệu. Ưu điểm của phương pháp này là rút ngắn được thời gian so với quy trình sản xuất truyền thống, đảm bảo an toàn đối với người sử dụng và thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng yêu cầu cơ bản về chỉ số an toàn đối với mặt hàng xuất khẩu khi những đòi hỏi từ những nhà nhập khẩu nước ngoài ngày càng gắt gao.

Hoàn thiện sản phẩm hàng tre, nứa ghép xuất khẩu từ nguyên liệu xử lý theo quy trình ngâm muối ở Cty TNHH Tiến Đạt, xã Yên Tiến (Ý Yên).
Hoàn thiện sản phẩm hàng tre, nứa ghép xuất khẩu từ nguyên liệu xử lý theo quy trình ngâm muối ở Cty TNHH Tiến Đạt, xã Yên Tiến (Ý Yên).

Cùng với phương pháp đổi mới quy trình xử lý nguyên liệu trong các làng nghề, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn thay đổi cốt liệu tre, nứa bằng cốt liệu nhựa composit cho những sản phẩm xuất khẩu có kích cỡ lớn như chậu hoa, lục bình, đồ trang trí nội thất... Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hiệp (CCN Thị trấn Cổ Lễ) chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu với công suất 120 nghìn sản phẩm/năm, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp KHCN của huyện Trực Ninh, Cty đã áp dụng công nghệ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ sử dụng lõi nhựa composit thay thế cho cốt tre, gỗ truyền thống. Ưu điểm của công nghệ mới này là dễ tạo hình, ổn định về mặt kết cấu, không bị tác động bởi yếu tố thời tiết như ẩm mốc, co ngót, cong vênh, dễ vận chuyển và độ bắt màu tốt... nên có thể đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm với yêu cầu mỹ thuật cao, độ bền ổn định. Từ nguyên liệu cốt nhựa composit, người thợ có thể dễ dàng trang trí sản phẩm bằng cách quấn tre, mây, dán gỗ, thết bạc hay phun sơn bên ngoài để hoàn thiện sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng và chủ động sáng tạo mẫu mã mới. Với việc thay đổi cốt liệu trong sản xuất, Cty đã nhận những đơn hàng phức tạp mà trước đây không làm được vì cốt liệu tre, nứa không đáp ứng được như kích cỡ quá lớn hoặc dạng hình khó. Nhiều sản phẩm do Cty thiết kế được khách hàng chấp nhận và đặt hàng với giá trị lớn. Đến nay, Cty đã đạt công suất 200 nghìn sản phẩm/năm; sản phẩm của Cty đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, với thu nhập hơn 30 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.

Tuy nhiên do hầu  hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ nên nguồn lực về con người, vốn và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trực tiếp, vẫn chủ yếu xuất ủy thác qua trung gian nên nguồn thu từ xuất khẩu bị giảm đáng kể và sản phẩm xuất khẩu bị phân tán nên khó có điều kiện áp dụng đồng bộ công nghệ mới vào sản xuất. Để nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu trong các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc tạo điều kiện về các cơ chế chính sách và về vốn, mặt bằng, tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com