Nghĩa Thành phát triển ngành nghề nông thôn

07:10, 16/10/2012

Những năm gần đây, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng) đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và phát triển ngành nghề nông thôn. Trong sản xuất nông nghiệp, xã đã khảo nghiệm và chọn được các giống lúa lai mới như TH3-3, Nhị ưu 838, D.ưu 252... có giá trị kinh tế, tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện đồng đất của địa phương. Nhờ đó, năng suất lúa bình quân nhiều năm của xã đạt 125-130 tạ/ha, trong đó, năng suất lúa xuân có vụ đạt 72-73 tạ/ha. Diện tích cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa của xã được mở rộng lên 65-70ha với các loại cây trồng chủ lực là: cà chua, cải dầu, bí xanh và các loại rau màu khác. Bình quân một sào trồng cà chua cho năng suất 1,5-1,7 tấn, trừ chi phí cho thu lãi 1,7-1,8 triệu đồng, cây cải dầu cho năng suất 25-30kg hạt/sào, trừ chi phí thu lãi gần 1 triệu đồng. Nhiều hộ trồng cây vụ đông với diện tích 1 mẫu, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật có thu nhập từ 70-100 triệu đồng/vụ như hộ các ông: Trần Văn Phượng, Hoàng Văn Hoan, Trần Văn Triều (thôn Hậu Điền); Đào Công Văn, Trần Văn Nghị, Đỗ Văn Thịnh (thôn Phúc Điền); Nguyễn Văn Tạc (thôn Liên Thành)... Từ năm 2000, xã đã khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ có diện tích cấy lúa năng suất thấp chuyển sang nuôi thủy sản. Các hộ tham gia chuyển đổi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho con nuôi. Đến nay, diện tích chuyển đổi của xã đạt gần 30ha ở cả 3 thôn Thư Điền, Tây Thành, Chỉ Thiện, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn xã hiện có 2 trang trại đủ tiêu chuẩn đã được cấp giấy chứng nhận của hộ các ông: Trần Văn Triển (xóm 11); Trần Văn Nghiệp (xóm 5) và 35 gia trại tổng hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản với quy mô 80-100 con lợn, 200-400 gà, vịt… cho thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm.

Cơ sở mộc của ông Phạm Văn Tản, xóm 3, xã Nghĩa Thành.
Cơ sở mộc của ông Phạm Văn Tản, xóm 3, xã Nghĩa Thành.

Cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xã Nghĩa Thành còn khuyến khích các hộ phát triển sản xuất CN-TTCN, đưa ngành nghề về địa phương với đa dạng ngành nghề như: sản xuất vật liệu xây dựng, may công nghiệp, chạm khắc đá, mộc gia dụng, đan cói, xây dựng dân dụng... Trên địa bàn xã có Xí nghiệp gạch tuynel 27-7 tạo việc làm cho 35 lao động với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở chạm khắc đá của gia đình anh Đinh Quang Đoạt (xóm Bảo Điền) tạo việc làm cho hơn 20 lao động, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã hiện có 3 cơ sở may công nghiệp với tổng số 100 máy may công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 100 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có nghề mộc gia dụng với 15 cơ sở, mỗi cơ sở có từ 3-5 lao động, thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Ông Phạm Văn Tản, chủ cơ sở mộc gia dụng ở xóm 3 cho biết: Cơ sở sản xuất của ông mỗi tháng tiêu thụ từ 5-7m3 gỗ nguyên liệu, với các sản phẩm chính là các loại đồ gia dụng như giường, tủ, bàn ghế, cánh cửa… Xã có 20 đội thợ xây dựng, mỗi đội có từ 8-10 lao động; riêng đội thợ của các ông: Phạm Văn Toản (xóm 14); Trần Văn Hữu (xóm 5) có từ 18-20 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân từ 160-250 nghìn đồng/người/ngày. Nghề đan cói xuất khẩu vẫn được duy trì thu hút gần 100 lao động. Theo ước tính của xã, lực lượng lao động tham gia các ngành nghề trên địa bàn xã từ 500-600 người, bình quân giá trị sản xuất CN-TTCN hằng năm của xã đạt trên 20 tỷ đồng. Năm 2011, bình quân thu nhập theo đầu người của xã đạt 15 triệu đồng, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác đạt trên 90 triệu đồng.

Thời gian tới, xã Nghĩa Thành tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các giống cây trồng mới có giá trị, năng suất cao vào gieo trồng. Thực hiện lập kế hoạch, quy hoạch vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao theo mô hình trang trại, gia trại. Khuyến khích các hộ mở rộng, phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com