1. Thời vụ: Vụ sớm trồng đầu tháng 10, thu hoạch cuối tháng 12. Vụ chính trồng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2. Vụ xuân trồng đầu tháng 12, thu hoạch đầu tháng 3.
2. Làm đất: Đất trồng khoai tây phải đảm bảo đủ độ ẩm. Cày bừa và phay nhỏ đất, nhặt sạch cỏ và tàn dư rơm rạ. Lên luống trồng 1 hoặc 2 hàng. Luống trồng 1 hàng thì mặt luống rộng 0,7-0,8m, luống trồng 2 hàng thì mặt luống rộng 1,4m.
3. Mật độ: Củ cách củ là 30-35cm, đảm bảo 4-5 củ/m2, mỗi khóm mọc 3-4 cây và sẽ có 15-20 cây/m2.
Ảnh: Internet |
4. Lượng phân bón: Để bón cho 1ha cần 15-20 tấn phân chuồng, 250-300kg đạm urê, 350-400kg lân supe, 200-250kg kali sunfat. Cách bón: Sau khi rạch hàng, bón lót toàn bộ phân chuồng + lân + 1/3 đạm, lấp một lớp đất mỏng rồi mới đặt củ, tránh không cho củ tiếp xúc trực tiếp với phân, khi trồng đất phải đủ ẩm. Bón thúc lần 1 sau khi cây mọc cao 15-20cm, bón 1/3 đạm + 1/2 kali. Bón thúc lần 2 sau bón thúc lần 1 khoảng 15-20 ngày, bón nốt số phân còn lại.
5. Chăm sóc: Vào giai đoạn cây khoai tây ở trên ruộng 60-70 ngày đầu cần cung cấp nước kịp thời cho ruộng nếu khô hạn, có thể tưới rãnh hoặc tưới phun đảm bảo cho đất luôn đủ ẩm. Trước thu hoạch khoảng 2 tuần, không tưới nước cho khoai, đất cần khô ráo, không để nước vào ruộng, nếu mưa phải tháo nước kịp thời.
Khi cây cao khoảng 15-20cm thì xới nhẹ, diệt cỏ, kết hợp với bón thúc đợt 1 rồi lên luống. Bón phân vào giữa 2 khóm khoai, không bón trực tiếp vào gốc cây làm cây chết. Sau bón thúc đợt 1 khoảng 15-20 ngày thì tiến hành xới nhẹ, diệt cỏ kết hợp với bón thúc đợt 2 rồi vun luống lần cuối (lấy đất ở rãnh để vun cho luống cao).
6. Phòng trừ sâu bệnh: Đối với bệnh héo xanh; bệnh do virut như bệnh xoăn lá, khảm lá, cuốn lá cần phải trồng bằng giống sạch bệnh, cây bị bệnh cần nhổ bỏ rồi tiêu hủy bằng vôi bột. Bệnh mốc sương có thể dùng Boocđo 1% hoặc Zinep 80WP phun phòng trừ. Bệnh lở cổ rễ và bệnh héo vàng dùng Moceren 25% WH để phun. Sâu khoang dùng Bi58 hoặc Sherpa để phun phòng trừ.
Ngọc Ánh