Những năm qua, huyện Nam Trực đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình cây, con mới đem lại hiệu quả kinh tế cao tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Kiểm tra chất lượng cá lăng chấm tại Cty CP Cá giống Nam Trực. |
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tổ chức trên 100 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 10 nghìn lượt người; phát 250 đĩa hình và gần 3.000 tài liệu giới thiệu quy trình gieo sạ cho nông dân ở cả 20 xã, thị trấn. Với mục tiêu cải tiến cơ cấu giống để nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa, huyện chỉ đạo các địa phương đưa vào cấy các giống chất lượng cao như NĐ1, NĐ5, RVT, BC15, SQ2, TX111, Nam Dương 99, KD18… vào gieo cấy. Vụ xuân năm 2012, huyện đã cấy khảo nghiệm giống lúa NĐ5 tại xã Tân Thịnh với diện tích 18,5ha. Kết quả cho thấy, giống lúa NĐ5 có năng suất đạt từ 180-200 kg/sào, cao hơn giống BT7 khoảng 25-30 kg/sào, chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy bà con nông dân đã sử dụng để thay thế giống BT7 vốn được coi là giống chủ lực trên đồng đất địa phương. Bên cạnh việc khảo nghiệm và đưa các giống lúa mới vào sản xuất, huyện tuyên truyền, vận động các hộ dân áp dụng đồng bộ kỹ thuật mới vào canh tác như: phương pháp gieo sạ hàng rộng, hàng hẹp; thực hiện quy trình chăm sóc theo nguyên tắc “ba giảm, ba tăng”. Vì thế, ngay trong vụ mùa năm 2012, toàn bộ 9.300ha lúa của huyện sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao, năng suất ước đạt trên 53,5 tạ/ha. Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (Sở NN và PTNT) thực hiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất như sử dụng máy làm đất đa năng, máy gặt đập liên hợp… để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và bảo đảm thời vụ. Do sản xuất vụ đông 2012 diễn ra trong khung thời vụ hẹp, Phòng NN và PTNT huyện đã tổ chức cho nông dân tham quan mô hình trình diễn máy làm đất, đánh luống loại nhỏ hiệu Kubota và khuyến cáo đưa vào sử dụng. Đến nay, một số hộ dân ở các xã Nam Giang, Nam Dương, Nam Hoa đã áp dụng kỹ thuật này vào sản xuất.
Trong chăn nuôi, huyện khuyến khích các hộ dân áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học và nhân rộng mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh thái để nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện tại, mô hình này đang được các hộ dân ở một số địa phương trong huyện áp dụng. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi thủy sản, Cty CP Cá giống Nam Trực phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống cá nhân tạo và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm cá lăng chấm. Thực hiện dự án này, Cty đã cử cán bộ đi tập huấn kỹ thuật tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, đầu tư xây dựng ao nuôi, bể sinh sản, máy tạo oxy, chế biến thức ăn bảo đảm đúng kỹ thuật. Đến nay, từ nguồn giống cá bố mẹ do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cung ứng, Cty CP Cá giống Nam Trực đã cho sinh sản thành công giống cá lăng chấm. Hiện, Cty đang tiến hành nghiên cứu quy trình nuôi thương phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để chuyển giao cho nông dân trong vùng vào cuối năm 2014. Thành công trong việc sinh sản nhân tạo giống cá lăng chấm - con nuôi có giá trị kinh tế cao đã góp phần đa dạng hóa con nuôi đặc sản của tỉnh.
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển, nâng cao nguồn thu nhập cao cho nông dân. Thời gian tới, huyện Nam Trực sẽ tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho chương trình khuyến nông, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương