Xông đất trang trại

09:01, 22/01/2012

Không khí ấm áp của mùa xuân cứ hút tôi về vùng quê đang đổi mới với những nông dân đi đầu xây dựng trang trại đã có thu nhập tiền tỷ, chục tỷ mỗi năm chính bằng nghề nông, trên mảnh đất của quê mình.

I - Lão nông 10 tỷ

Cách đây vài năm khi anh Đoàn Văn Sáu ở xã Trực Hùng (Trực Ninh) bỏ ra 10 tỷ đồng để mua bản quyền giống lúa lai nội TH3-3 làm xôn xao dư luận. Nhiều tờ báo của cả nước còn gọi anh là “Sáu khùng”, “Sáu ngông”… bởi giá “chót vót” lúc đó mua bản quyền giống lúa lai nội Việt Lai mới là 700 triệu đồng. Nhiều người lo cho anh bởi bao giờ mới trả hết nợ 10 tỷ đồng vì đầu tư vào nông nghiệp luôn gặp nguy cơ rủi ro. Khi trao đổi với anh về điều này, anh chỉ cười: “Năm nay tôi phấn đấu sản xuất 1.000 tấn lúa giống TH3-3. Chỉ cần lãi 10 nghìn đồng/kg là “hòm hòm” chuyện trả nợ…”. Và vụ xuân năm ấy anh vào miền Trung thuê ruộng tổ chức sản xuất giống lúa lai TH3-3 đã đạt sản lượng 400 tấn; vụ mùa anh thuê ruộng ở 5 tỉnh phía Bắc với trên 200ha, năng suất trên 3 tấn/ha. Tổng sản lượng cả 2 vụ anh đã vượt chỉ tiêu 1.000 tấn thóc giống lúa lai vừa mua bản quyền. Anh mua lại giống lúa lai do nông dân sản xuất với giá 20 nghìn đồng/kg, gấp 4 lần giá thóc tẻ thường và giá bán giống lúa lai 47 nghìn đồng/kg, thấp hơn 10-15 nghìn đồng/kg so với giống lúa lai 2 dòng nhập ngoại mà nông dân đang mua để cấy. Anh thuê thêm đất tại CCN Trực Hùng xây dựng khu nhà kho, mua và lắp đặt dây chuyền sấy thóc giống… Nông dân các xã Trực Nội, Trực Thái, Trực Đại (Trực Ninh); Xuân Kiên (Xuân Trường); Hải An (Hải Hậu)… phấn khởi vì chỉ riêng vụ mùa sản xuất hạt lai F1 cho anh Sáu, năng suất đạt tương đương 12 tấn thóc tẻ thường mỗi ha, bằng năng suất lúa của 2 vụ cộng lại. Giống lúa TH3-3 cấy cho gạo ngon, thơm, giá rẻ hơn 10-15 nghìn đồng/kg mà khi thu hoạch năng suất tương đương một số giống lúa lai nhập ngoại, cấy được cả vụ xuân và vụ mùa. Mặt khác do thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp với trà lúa mùa sớm nên hầu hết diện tích cấy giống lúa này (kể cả diện tích sản xuất hạt lai F1) đều có thể trồng cây vụ đông vì thu hoạch sớm. Vụ đông năm nay, diện tích trồng dưa chuột xuất khẩu của tỉnh giảm vì không kịp thời vụ nhưng 50ha của 2 xã Trực Hùng, Trực Thái thu hoạch xong giống F1 TH3-3 vẫn trồng dưa chuột trung tử, bao tử xuất khẩu hiện đang cho thu hoạch, ước năng suất 25 tấn quả/ha thì mỗi ha dưa vụ đông này có nguồn thu trên 150 triệu đồng. Tính ra 1ha 3 vụ trong năm sản xuất lúa giống và làm vụ đông nguồn thu trên dưới 300 triệu đồng/ha. Hơn nữa, gần 1.000 tấn hạt lai F1 TH3-3 hiện đang cung ứng cho nông dân cấy vụ xuân với giá 60 nghìn đồng/kg so với giống lúa lai 2 dòng nhập từ Trung Quốc chỉ bằng 2/3 nên người sản xuất lúa thương phẩm vẫn có lợi nhiều. Hiện tại anh thuê ruộng tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa rộng 210ha tại 6 xã của các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu. Nói như đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thì: “Mô hình trang trại trồng trọt của anh Đoàn Văn Sáu là điển hình không những của tỉnh mà là điển hình của cả nước, cả về sản xuất hàng hóa cũng như phương thức tích tụ ruộng đất và sự kết hợp chặt chẽ với các nhà khoa học…”.

II - Kiện tướng chăn nuôi

Anh Đoàn Văn Sáu (người ngoài cùng bên trái) kiểm tra giống lúa lai nội TH3-3. Ảnh: tuấn anh
Anh Đoàn Văn Sáu (người ngoài cùng bên trái)
kiểm tra giống lúa lai nội TH3-3.
  Ảnh: Tuấn Anh

Trang trại chăn nuôi của anh Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) rộng chưa đầy 1ha nổi lên giữa cánh đồng Lục Chân Cây Gạo bởi màu xanh bát ngát của cây xanh, cây cảnh, cây thế. Trong vài năm gần đây do biến động giá cả nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi của tỉnh, của cả nước nuôi cầm chừng, thậm chí trống chuồng nhưng trang trại gia đình anh Toán từ năm 2008 đến nay vẫn duy trì đều 210 con lợn nái ngoại với mỗi năm xuất chuồng gần 2.500 con lợn thịt, lãi mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Năm 2011, lợn được giá, đến tháng 10 từ trang trại gia đình anh đã có 1,5 tỷ đồng tiền lãi. Để mở rộng đầu tư, anh đã mua thêm ruộng của các hộ liền kề 4.500m2 nữa, dự kiến đầu năm 2012 khởi công xây dựng đơn nguyên thứ 2 với tổng số lợn nái là 200 con vào cuối năm. Dự toán khoảng 4 tỷ đồng lấy từ lãi mấy năm nay “của ruộng đắp bờ”. Tại khu trang trại đang nuôi, trên 3.000m2 chuồng nuôi được xây dựng. Ba khu thiết kế thành hình chữ U ôm lấy hồ sinh thái nuôi cá truyền thống và cá rô phi. Khu lợn nái cũng chia ra, nơi nuôi nái chửa, nơi nuôi nái đẻ, nơi nái nuôi con… Bằng kỹ thuật tác động để cho nhiều nái đẻ trong một ngày và cũng chỉ đẻ vào ban ngày vừa đỡ công trực đêm, trực nhiều đồng thời tạo đồng trà, đồng lứa trong khi nuôi cũng như khi bán. Toàn bộ số lợn con do 110 lợn nái đẻ ra đều được nuôi thành lợn thịt xuất bán khi trọng lượng đạt trên dưới 1 tạ/con. Bể biôgas thiết kế nổi với 1.500m3 công nghệ Thái Lan, khí gas được đưa về chạy máy phát điện chủ động một phần điện năng cho trang trại để chạy quạt thông gió, thắp sáng, sưởi ấm cho lợn mới sinh… Chồng phụ trách 10 nhân công tổ chức chăn nuôi, vợ chủ cửa hàng bán thức ăn gia súc kiêm tham vấn về kỹ thuật chăn nuôi thú y. Kinh nghiệm của 5-6 năm tổ chức chăn nuôi theo mô hình trang trại được phổ biến đến các trang trại, gia trại khác nên cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi của chị Đỗ Thị Vui lúc nào cũng đông khách và lợi nhuận cũng không nhỏ. Anh Toán tâm sự: “Làm nông nghiệp chưa nghề nào hơn chăn nuôi…”.

III - Anh Ba tôm

Tết Nhâm Thìn anh Cao Văn Ba, xã Giao Phong (Giao Thuỷ) ăn tết tại ngôi biệt thự 3 tầng tiền tỷ mới xây gần khu đầm nuôi tôm của gia đình. Gần 60 hộ nuôi tôm theo quy chuẩn an toàn, bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm GAP cũng hẹn nhau đón xuân tại đây để mừng công sau một năm thắng lợi nuôi tôm thẻ chân trắng, bình quân mỗi ha thu trên 1 tỷ đồng. Riêng gia đình anh Ba có trang trại nuôi tôm rộng 5ha, đạt lãi suất 2,2-3 tỷ đồng, mỗi ha với nuôi thâm canh 2-3 vụ trong một năm. Không mừng công sao được bởi cách đây dăm năm, cả vùng nuôi tôm Giao Phong rộng hàng trăm ha tưởng phải bỏ hoang hóa bởi con tôm sú khó tính mẫn cảm với thời tiết khí hậu và ô nhiễm môi trường bị dịch triền miên càng nuôi càng lỗ. Nhiều hộ đã rao bán đầm chuyển nghề mà không bán được, còn bây giờ có trả tiền tỷ một ha cũng không ai bán. Anh Nguyễn Văn Hậu ở Thị trấn Quất Lâm khẳng định: “Chúng tôi đã đổi đời khi tổ chức nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy chuẩn GAP mà anh Ba là người đầu tiên áp dụng…”.

Vùng đầm nuôi rộng hàng trăm ha lênh khênh những cột cao vài chục mét chăng lưới chống chim và vuông vức những ô đầm. Dưới nắng hanh vàng trắng xóa màu vôi bột khử trùng cải tạo đầm. Những dàn quạt nước cũng được đưa đi tu sửa trơ những khung đỡ… tất cả đang chuẩn bị cho những vụ nuôi mới trong năm Nhâm Thìn 2012. Bốc một vốc cát giữa đầm đang cải tạo đã nỏ trắng, bóp vụn trong tay, anh Ba tâm sự: “Phơi đáy đầm thế này là được, cát phải nỏ trắng bóp vụn tan. Cát còn màu đen, quánh là phải phơi tiếp, cày tiếp. Cải tạo đầm là một trong những khâu quyết định cho thành công của vụ nuôi… Khác với trước kia chỉ phơi đáy và bón vôi, bây giờ đáy đầm phải nạo hết các chất bùn, hữu cơ rồi đổ cát biển vào dày 15-20cm, bón vôi phơi. Cứ hết 1 vụ nuôi (3 tháng) lại phơi đầm, phải cày xới nhiều lần triệt hết các mầm bệnh, xử khí CO2, SO…”. Dừng lại ở mấy đầm nước vẫn xanh trong, quạt nước vẫn tung bọt trắng ngần… ở riêng một khu biệt lập, anh cho biết: “Đây là vụ nuôi thứ 4 trong năm để bán phục vụ trước và sau Tết Nguyên đán. Tôm có chậm lớn một chút vì thời tiết lạnh nhưng giá gấp rưỡi, gấp đôi chính vụ. Thu nốt lứa tôm này tôi mới cho cải tạo đầm nhưng vẫn kịp thả tiếp vụ xuân…”. Hóa ra chiếc vó nơi cầu ao không những để kiểm tra tôm khỏe, yếu, độ lớn…, mà còn kiểm tra thức ăn cho tôm thừa hay thiếu để điều chỉnh, vừa tiết kiệm thức ăn, vừa không làm ô nhiễm môi trường nuôi. Nuôi tôm theo quy chuẩn an toàn bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm với vùng nuôi tôm Giao Phong không có gì khó vì trong khi nuôi, người nuôi không dùng hóa chất mà chỉ dùng chế phẩm sinh học 2-3 năm nay. Sổ nhật ký cũng được các hộ ghi chép tỷ mỷ để hạch toán lỗ, lãi; chỉ có dụng cụ thử ôxy, đo độ mặn, độ pH… trong ao nuôi do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản trang bị thực hữu ích cho các hộ nuôi. Giờ đây trang trại nuôi tôm của gia đình mỗi năm lãi dòng hàng tỷ đồng nhưng anh Ba vẫn đau đáu làm sao cả trăm ha nuôi tôm của Giao Phong, Bạch Long, Quất Lâm (Giao Thuỷ) và hàng nghìn ha tôm nuôi của cả tỉnh bền vững và đạt lãi suất cả tỷ đồng mỗi ha trong một năm./.

Tất Thắc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com