Thức dậy vùng bãi bồi

08:01, 25/01/2012

Với gần 50ha khu ao đầm nuôi thuỷ sản, gia đình ông Nguyễn Văn Rung ở xóm 9, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) đang là một trong những mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo quy mô kinh tế hộ lớn nhất tỉnh từ trước đến nay. Vậy nhưng ít ai biết rằng cách đây mấy năm, nơi đây vẫn còn là một vùng sình lầy, hoang hóa…

Nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn hải sản ngay tại khu ao đầm của ông Nguyễn Văn Rung. Ảnh: duy khoa
Nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn hải sản
ngay tại khu ao đầm của ông Nguyễn Văn Rung.
Ảnh: Duy Khoa

Theo ông Rung, vùng đất nằm giữa cửa 2 con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy là nơi quần tụ nhiều loại hải sản quý như ngao, hàu, tôm, cua. Trước đây người dân địa phương vẫn thường ra vào tự do khai thác, đánh bắt. Tuy nhiên nếu chỉ khai thác tự nhiên, hiệu quả kinh tế sẽ không cao bằng việc tổ chức sản xuất theo quy mô, kế hoạch bài bản. Thế nên, năm 2003, khi huyện Nghĩa Hưng có chủ trương cho các hộ dân, tổ chức thuê vùng bãi triều ven biển của huyện sử dụng vào mục đích sản xuất phát triển kinh tế, ông Rung là một trong những người đầu tiên nộp đơn xin thuê và cũng là người xin thuê với diện tích lớn nhất: gần 50ha. Để biến khu bãi sình rộng mênh mông này thành các khu ao đầm nuôi thủy sản như hiện tại, ông và những người cùng hợp tác đã tốn bao mồ hôi, công sức. Khu bãi sình nằm ngay sát mép nước, muốn cải tạo trước tiên phải đắp đập ngăn sóng. Chỉ vào con đập khổng lồ chạy dọc mép nước biển, ông Rung cho biết con đập dài gần 1.300m, riêng phần chân rộng đến 60m, bề mặt cũng rộng đến 15m được các ông tổ chức đào đắp ròng rã trong 6 tháng. Ngoài con đập có nhiệm vụ ngăn sóng biển này, bên trong các ông còn đào đắp hàng chục con đập lớn nhỏ khác để phân chia thành các khu, cụm khác nhau. Riêng con đường nằm giữa khu đầm, nối từ chân đê xuống đến mép nước dài hơn 1km các ông cũng tổ chức đào đắp mở rộng đủ hai làn ô tô chạy. Trên khắp khu đầm, các ông tổ chức trồng đến mấy vạn cây thông cũng với mục đích để chắn sóng. Ông cho biết, năm 2004, thời điểm các ông thực hiện cải tạo, tổng chi phí lên đến hơn 2 tỷ đồng, phần lớn số tiền này các ông vay từ ngân hàng để đầu tư. Không may cho các ông, khi việc cải tạo được hoàn tất chưa lâu, việc nuôi thả cũng mới bắt đầu thì cơn bão số 7 năm 2005 ập đến, phá tan hoang những gì các ông vừa dày công gây dựng. Không nản, các ông lại tiếp tục huy động thêm cả tỷ đồng để gia cố lại. “Điều gì khiến các ông dám bỏ một số tiền lớn ra bãi biển với đầy rủi ro như vậy?”. Ông Rung cả cười cho biết: Đơn giản vì chúng tôi có sự quyết tâm, có niềm tin vào sự thành công; vả lại sản xuất hay kinh doanh cũng phải biết chấp nhận rủi ro. Ngay khi quyết định hợp sức đầu tư, các ông, gồm 10 người, chủ yếu là anh em, chú cháu, họ hàng đã giao ước khó mấy cũng không được bỏ cuộc, người nào bỏ cuộc sẽ chịu mất nguồn vốn góp đầu tư. Điều đó cho thấy quyết tâm, niềm tin của các ông lớn đến mức nào. Đúng như các ông đã tin tưởng, ngoài lần thiệt hại lớn trong cơn bão số 7 năm 2005, 6 năm qua hoạt động sản xuất của các ông đều có hiệu quả. Trừ chi phí, mỗi năm 34ha nuôi trồng thuỷ sản đều cho các ông nguồn lãi trên dưới 1 tỷ đồng. Hiện tại, khu đầm đang có hàng chục tấn cua thịt, mấy chục vạn con tôm sú, gần hai vạn con cá mú… đang chuẩn bị cho thu hoạch. Nhờ có khu đầm, mấy chục lao động, gồm anh em, con cháu gia đình ông Rung và người dân địa phương đang có việc làm, thu nhập thêm… Trong câu chuyện ông cho biết, tới đây ông sẽ chuyển hướng sang làm du lịch. Chẳng phải tự nhiên ông nghĩ tới điều này. Hướng tới mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng kinh tế biển, thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh dịch vụ du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tỉnh đã xây dựng và đang tập trung chỉ đạo triển khai "Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng". Theo đó gần 2 triệu m2 trong tổng diện tích bãi bồi của huyện sẽ được tỉnh đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái với điểm nhấn là cây xanh, rừng thông, biệt thự sinh thái, khu cây xanh mặt nước, hành lang bảo vệ đê biển. Đến nay, một số hạng mục của dự án đã và đang được triển khai thi công. Như vậy tới đây ông Rung sẽ phải trả lại cho Nhà nước diện tích khu ao đầm để phục vụ việc thực hiện dự án. Ông cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ và chấp hành đầy đủ yêu cầu của chính quyền. Là một trong những người đầu tiên có công đầu tư khai thác vùng bãi bồi này, ngoài việc thực hiện đền bù thỏa đáng những gì ông và các cộng sự của mình đã dày công xây dựng, huyện cũng sẽ dành lại cho ông một phần diện tích đất để ông thực hiện các ý tưởng kinh doanh du lịch của mình. Hiện tại, ngay trong khu ao đầm, ông đã cho xây dựng một khu dịch vụ ăn uống. Bước đầu việc kinh doanh khá thuận lợi, hiệu quả. Không khí trong lành, được thỏa thích vui chơi, nghỉ ngơi trong bạt ngàn màu xanh của rừng thông, thưởng thức nhiều món hải sản độc đáo khiến nhiều du khách thích thú, tìm về mỗi ngày một đông. Với bản lĩnh của một người từ bé đã quen với sóng gió ngoài biển khơi, với ý chí, khát vọng làm ăn lớn như ông đã từng làm khi biến cả một vùng bãi sình thành một khu trang trại khổng lồ, tin rằng rồi đây ông sẽ thành công với ý tưởng làm ăn mới của mình./.  

Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com