Tết sớm ở những làng nghề truyền thống

08:01, 25/01/2012

Ngày áp tết, các làng nghề sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong tỉnh như: đồ gỗ, đồ đồng mỹ nghệ, hoa lụa và các sản phẩm nông sản phục vụ tết nhộn nhịp khác thường. Những nghệ nhân dân gian, thợ thủ công của làng nghề chạy đua với thời gian để sản xuất được nhiều sản phẩm hàng hoá có chất lượng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong tâm thức của người Việt, Tết là lễ hội lớn nhất trong năm. Bởi vậy dù trong năm có bộn bề công việc buôn bán ngược xuôi, khi tết đến, xuân về cũng tìm về nguồn cội, lo sang sửa nhà cửa, ban thờ gia tiên và làm mâm cỗ kính cáo tổ tiên để cầu mong một năm mới đủ đầy, thịnh vượng. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao thì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: đồ thờ tự, đồ trang trí và các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình được người tiêu dùng ưa chuộng. Đáp ứng nhu cầu đó, từ trước tết hàng tháng, các làng nghề truyền thống đã hối hả chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

Gian hàng trưng bày sản phẩm đồng mỹ nghệ của doanh nghiệp Tân Tiến, Thị trấn Lâm,
Gian hàng trưng bày sản phẩm đồng mỹ nghệ
của doanh nghiệp Tân Tiến, Thị trấn Lâm.

Về thăm làng nghề sản xuất đồ mộc mỹ nghệ của làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) những ngày giáp tết, cảm nhận của chúng tôi là nơi đây mùa xuân như đang đến sớm. Dọc con đường trục của làng, những chiếc xe bán tải chở những cây đào, cây quất được uốn tỉa, tạo thế cầu kỳ từ các nhà vườn lớn trong tỉnh mang về trang trí điểm tô cho các cơ sở sản xuất; ngược lại, những chiếc xe tải lớn chở sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề tỏa đi muôn nơi…, hối hả vào ra. Nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên được hình thành cách đây gần 10 thế kỷ. Sản phẩm của làng nghề và người thợ tài hoa Yên Ninh đã để lại dấu ấn trên khắp mọi miền đất nước với những đặc trưng từ đường nét sắc sảo, tinh tế, điêu luyện và thể hiện được thần thái qua từng nét chạm khắc trên các mái hiên, vì kèo, cánh cửa... Sản phẩm mộc mỹ nghệ La Xuyên gồm đồ thờ tự và đồ trang trí. Dòng sản phẩm thờ tự như: ban thờ, hoành phi, câu đối, ngai, khám, ỷ, hạc vàng, chân nến… đảm bảo về kỹ, mỹ thuật, bằng chất liệu gỗ cổ truyền như mít, gụ, hương, chắc, cẩm, lai… với đường nét hoa văn, con truyện mực thước, chuẩn chỉ, sống động. Dòng sản phẩm trang trí gồm: tranh khảm, sập gụ, tủ chè, bàn ghế được dựa theo tích cổ của văn hóa phương Đông như: Bát tiên quá hải, Văn vương cầu hiền, Lão ngư vọng nguyệt, bộ Ngũ sự, Ngũ phúc, Tam đa…, hay họa tiết rồng bay, phượng múa, lân chầu rất tinh xảo… Tất cả các sản phẩm đều qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ tài hoa ở hầu hết các công đoạn từ khâu đục phá, tạo hình đến chạm, khắc rồi chuốt bóng, chuốt màu… Những năm gần đây, khách thập phương nghe tiếng làng nghề La Xuyên đã đến đặt hàng đông nên chỉ qua tháng 6 âm lịch, hầu hết các cơ sở sản xuất đều không nhận đơn hàng mới để đảm bảo thời gian và chất lượng sản phẩm giao cho khách. Chính vì vậy, những ngày đầu tháng một, tháng chạp, làng nghề đầy ắp hàng hóa, khách hàng từ khắp nơi tấp nập vào ra để tận mắt chứng kiến những người thợ hoàn thiện sản phẩm và để giục giã chủ hàng nhanh tay cho kịp mang về chơi tết… Những tay thợ như miệt mài, uyển chuyển hơn trong tiếng đục, chạm lách cách rộn rã… Khách hàng phấn khởi, người thợ làng nghề hồ hởi vì tạo được những tác phẩm nghệ thuật chuẩn chỉ độc đáo. Xây dựng và giữ gìn thương hiệu gỗ mỹ nghệ mà cha ông trao truyền, đến nay, xã Yên Ninh đã có gần 2.000 hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, chiếm 60% tổng số dân, với 23 Cty, doanh nghiệp sản xuất hàng mộc mỹ nghệ, hàng chục cơ sở sản xuất tại làng nghề và hàng trăm cơ sở vệ tinh đã thu hút thêm khoảng 3.000 lao động ở các địa phương lân cận. Năm 2011, sản xuất CN-TTCN, dịch vụ đạt trên 100 tỷ đồng, chiếm 75% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của xã.
Theo truyền thuyết, nghề đúc đồng làng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) có từ thời Lý, do Đức Thánh Tổ Minh Không truyền thụ trong một lần dừng chân nghỉ tại đất này. Sử sách làng nghề còn ghi, làng Tống Xá xưa có cánh đồng Cầu Hố rộng chừng 3 mẫu có chứa một loại đất sét mịn, màu vàng nhạt, điểm những vệt nâu, khi luyện với nước trở nên dẻo quẹo, là vật liệu lý tưởng làm nên khuôn đúc mà không nơi nào có được. Nghề đúc đồng Tống Xá nổi tiếng thiên hạ cũng chính bởi thứ đất tuyệt hảo đó. Hơn nữa với bản tính thông minh, cần cù và tâm huyết, người làng Tống Xá đời nọ nối tiếp đời kia, nhất tâm, nhất dạ với nghề đã hun đúc nên tiếng tăm của làng nghề truyền thống. Được hội tụ cả ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, tên tuổi nghề đúc đồng Tống Xá gắn liền với các công trình mang ý nghĩa lịch sử của quốc gia như Tượng đài Thánh Gióng ở Sóc Sơn (Hà Nội), Tượng đài Tô Hiệu và những người tù cộng sản tại Nhà tù Sơn La; Tượng đài Hòa Bình - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội… và hàng trăm bức tượng Phật, tượng Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc ở khắp mọi miền đất nước. Cũng chính “cơ duyên” này mà từ việc đúc những dụng cụ lao động phổ thông như cày, cuốc… đơn thuần, nay làng nghề đã chuyển sang đúc đồ mỹ nghệ và chuyên sâu vào đồ thờ truyền thống như bộ tam, tứ, ngũ sự, đỉnh đồng, hạc vàng… được điêu khắc tinh xảo, đặt trang trọng nơi ban thờ gia tiên, họ tộc. Khách hàng khắp bốn phương không quản cách trở đường xa, tâm niệm tìm về cội rễ làng nghề để tìm mua những sản phẩm từ chính đôi bàn tay tài hoa đầy tâm huyết của các nghệ nhân làm nên. Vậy nên nghề đúc Tống Xá phát triển mỗi ngày một mạnh. Hiện tại, cả làng có khoảng 70 Cty, doanh nghiệp cơ khí đúc đang hoạt động. Doanh thu từ nghề truyền thống đạt 320 tỷ đồng, chiếm 95% tổng nguồn thu của toàn xã, trong đó có 70% gia đình khá và giàu.

Sản xuất hoa lụa phục vụ trang trí tại thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang, Nam Trực
Sản xuất hoa lụa phục vụ trang trí tại thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang, Nam Trực .

  Những ngày giáp tết, mấy chục lò, mấy trăm lao động ở làng miến dong thôn Phượng, xã Nam Dương (Nam Trực) hối hả từ sáng sớm cho tới tối muộn để kịp giao hàng đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Sự bận rộn của công việc hòa cùng niềm vui bán đắt hàng, được giá khiến làng nghề như hối hả, rộn rã hơn. Thôn Phượng có nghề sản xuất miến dong đã lâu đời, từ năm 2004, thôn chính thức được công nhận là làng nghề của tỉnh. Hiện có gần 30 hộ đứng ra mở lò làm cơ sở sản xuất với khoảng 250-300 lao động thường xuyên phục vụ các công đoạn làm miến. Là địa phương thuần nông nên nghề làm miến trở thành nghề làm giàu của người dân, sản phẩm làm ra ngày càng đạt yêu cầu về chất lượng, tạo được thương hiệu trên thị trường. Từ đầu thôn đã thấy những khoảng đất trống, sân vườn được người dân thiết kế riêng, bắc giàn cao để làm nơi phơi miến. Những phiến miến trắng trong vắt, ánh lên màu xanh nhẹ của bột dong và mùi thơm dìu dịu của lứa bột mới khiến không khí nơi đây mang hương vị rất đặc trưng. Tìm hiểu từ các hộ làm nghề chúng tôi được biết, bột dong được các cơ sở sản xuất đặt hàng và nhập về từ một số tỉnh miền núi như: Sơn La, Yên Bái… Bột dong sau khi nhập về được chế biến, lọc lấy tinh bột rồi mới tráng qua nồi hơi để ra sản phẩm “bánh miến”. Bánh miến được đem phơi ráo rồi mới tiếp tục cho vào máy cắt thành những sợi miến thành phẩm. Những ngày này, dạo quanh thôn đâu đâu cũng thấy người lao động luôn tay làm việc, hết tráng bánh rồi phơi, cắt sợi… Trung bình một ngày một lò sản xuất có thể chế biến từ 1,5-2 tạ bột, cho ra lò hơn 1 tạ sản phẩm khô. Ông Đặng Văn Ước, thôn Phượng, chủ một hộ sản xuất cho biết: “Gia đình tôi làm miến đã nhiều năm nay, nghề này tuy không giàu nhanh nhưng có thể cho thu nhập ổn định quanh năm. Những tháng giáp tết, hàng bán chạy hơn đến gấp đôi, gấp ba ngày thường, vất vả, tất bật nhưng chúng tôi rất mừng vì sản phẩm làng nghề đã chinh phục được khẩu vị của thực khách. Công việc không quá vất vả, thu nhập cũng khá nên làng nghề không chỉ thu hút lao động địa phương mà còn có nhiều lao động từ các xã lân cận tới làm công. Ngoài việc thương lái các nơi tới đặt mua hàng, các hộ cũng mang miến đi bán buôn, bán lẻ ở các đại lý hoặc bán lẻ trong và ngoài tỉnh, có thêm thu nhập lúc nông nhàn”. Lâu nay, miến dong thôn Phượng đã “hữu xạ tự nhiên hương” mà làm nên thương hiệu cho thôn. Thương lái dù ở đâu khi đã buôn miến thôn Phượng là không muốn chuyển sang làng miến khác bởi những bí quyết nhiều đời của làng nghề đã làm nên sợi miến ngon đặc biệt nơi đây. Cũng chính nhờ bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý lại luôn khắt khe trong khâu chọn nguyên liệu, phơi miến nên sợi miến luôn được giữ màu trắng trong có ánh xanh nhẹ - đúng như chất bột dong ban đầu, khi ăn vừa mềm sợi lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm đúng vị nhưng sản phẩm vẫn đẹp sợi, để dành được vài tháng mà không bị mốc hỏng. Trong sắc xuân lan tỏa, những sợi miến trong vắt, phơi xòe trên giàn lấp lánh đón nắng gió, những bao miến lớn nhỏ theo xe buôn tỏa đi các hướng tiêu thụ, hứa hẹn sẽ đem về hiệu quả kinh tế và một cái tết ấm cúng cho người dân nơi đây.

Còn tại thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), những ngày này không khí lao động sản xuất thật rộn ràng, náo nhiệt. Không khí tết ở làng sản xuất hoa lụa dường như đến với những khoảng sân rực rỡ sắc màu của các loại hoa lụa phục vụ nhu cầu trang trí ngày tết. Làm hoa lụa là sự tiếp nối của đôi bàn tay khéo léo, con mắt tinh anh và tư duy hình tượng luôn sáng tạo của tổ nghề truyền lại. Vậy nên từ xuất phát điểm là làng nghề làm đèn ông sao có từ vài thế kỷ trước, người dân làng nghề bắt nhịp với xu thế mới và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường hoa nhựa, hoa lụa phục vụ nhu cầu dân sinh như trang hoàng nhà cửa, trang trí lễ tân các phòng ốc sang trọng, hội nghị, tiệc cưới… Trong làng, từ người già đến trẻ em đều bận rộn, khẩn trương, đôi tay thoăn thoắt ép dập, vào cánh, khua nhụy, tách lá, đóng gói, nhập sản phẩm, xuất hàng... Với hơn 300 hộ làm nghề, sản phẩm hoa nhựa được tiêu thụ trên toàn quốc mang về cho làng nghề khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm hoa nhựa, hoa lụa không chỉ được tiêu thụ, mở đại lý ở khắp các tỉnh, thành mà còn được xuất khẩu sang một số nước như  Lào, Cam-pu-chia…

Tết Nhâm Thìn 2012 đang đến gần! Không khí lao động sản xuất ở các làng nghề càng rộn ràng hơn. Sự năng động, phát triển của mỗi làng nghề, nét tinh tế của hàng thủ công mỹ nghệ, vị giòn dai, thơm thảo của sản vật địa phương mang sức sống, hương vị của mùa xuân đến với mọi nhà./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com