Xuôi quốc lộ 10, theo đường tỉnh lộ 485 về xã Yên Nhân (Ý Yên) là trang trại của gia đình anh Trịnh Văn Ngoãn, một điển hình nông dân trong chăn nuôi lợn, vượt khó đi lên từ hai bàn tay trắng. Từ một nông dân nghèo, bằng nỗ lực của bản thân, sau gần 10 năm nuôi chí làm giàu, giờ ước mơ của người nông dân ấy đã trở thành hiện thực. Nhớ lại thời điểm khởi nghiệp làm trang trại chăn nuôi tổng hợp bắt đầu từ năm 2000, anh bôn ba học kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, lợn nái. Nhưng rồi nguồn vốn hạn hẹp, đất đai của gia đình chật chội nên sự phát triển trang trại của anh gặp khó khăn. Cuối năm 2003, đầu năm 2004, UBND xã cho anh đấu thầu mảnh ruộng trũng trước xóm 2, nằm xa khu dân cư. Anh tập trung vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá, nuôi lợn theo mô hình VAC, bảo đảm thoáng mát. Chất thải từ chăn nuôi lợn anh vừa tận dụng làm nguyên liệu làm hầm bioga để đun nấu, vừa làm thức ăn để nuôi vịt cỏ, cá truyền thống. Được đồng lãi nào, anh lại dồn hết vào mở rộng chuồng trại chăn nuôi, cải tạo ao cá. Hiện trang trại của anh có diện tích hơn 1ha, quy hoạch 2 dãy chuồng nuôi 500 con lợn, ao cá truyền thống mỗi năm thu vài tấn cá thịt. Năm 2010, gia đình anh đã xuất bán trên 150 tấn lợn thịt, sau khi trừ chi phí, lãi ròng trên 300 triệu đồng. Từ đầu năm 2011 đến nay, anh đã xuất bán gần 120 tấn lợn thịt. Riêng vào dịp Tết Nguyên đán năm 2012, anh đang chuẩn bị xuất bán trên 30 tấn lợn thịt. Dẫn tôi thăm khu chăn nuôi lợn, anh Ngoãn cho rằng, để có được thành công trong chăn nuôi, hệ thống chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát, có kiến thức trong việc quản lý chăm sóc, thức ăn và phòng dịch. Việc phát triển kinh tế trang trại không chỉ giúp anh có cuộc sống ổn định mà còn tạo cho anh tác phong của người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Khách tham quan vườn cây cảnh của anh Vũ Hoàng Sử, xóm Xuân Hương, xã Hải Triều (Hải Hậu). |
Ở xóm Xuân Hương, xã Hải Triều (Hải Hậu) anh thanh niên Vũ Hoàng Sử là một điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình trồng cây cảnh, cây thế. Mồ côi cha từ năm 16 tuổi, mẹ lại đau yếu nên Sử phải nghỉ học giữa chừng. Vừa lo việc đồng áng, vừa bươn chải theo bạn đi làm phụ hồ vất vả kiếm tiền cho mẹ thuốc thang, nuôi 3 em nhỏ ăn học khiến Sử già trước tuổi so với các bạn cùng lứa. Vật vã với nhiều nghề kiếm sống, nhiều đêm Sử tự đặt câu hỏi, tại sao không thể làm giàu ngay tại quê mình? Vốn là người yêu thiên nhiên, mê cây cảnh từ nhỏ, được ông ngoại cho 2 cây sanh, lại nhận thấy nhu cầu về cây cảnh tăng nhanh, năm 2002, Sử đã vay họ hàng, bạn bè để đầu tư trồng cây cảnh. Nghề trồng cây cảnh là phải biết nhìn cây, nhìn gốc từ đó thấy được thế cây, dáng cây từ những bụi cây lùm xùm lá, cành. Được sự chỉ dẫn của ông ngoại, Sử tăng cường nghiên cứu nhu cầu thị trường, đến làng nghề trồng cây cảnh lâu năm ở Vị Khê, Nam Điền (Nam Trực) để học hỏi kinh nghiệm. Liên tục đầu tư từ năm 2002 đến nay, diện tích vườn cây cảnh của anh hiện đã lên đến gần 4.000m2 nằm gần quốc lộ 21, được quy hoạch làm nhiều khu vực như ươm cây giống, trồng cây thô, uốn thế, non bộ. Anh dành nhiều thời gian đi sưu tầm những cây lẻ lâu năm trong các gia đình về chăm sóc, tạo thế cho cây. Nhiều cây sanh, lộc vừng, đa, si của anh đã có giá từ 20 đến trên 100 triệu đồng, thậm chí có một cây xanh được trả giá tới 1-1,2 tỷ đồng. Đầu năm 2011, anh tham gia hội chợ triển lãm sinh vật cảnh huyện Hải Hậu và đã được bầu vào Ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh của xã. Ngôi nhà của anh từ nhiều năm đã trở thành nơi giao lưu, dừng chân của hàng trăm đoàn khách từ Hải Phòng, Hưng Yên, Thành phố Nam Định và các địa phương trong huyện… đến học hỏi kinh nghiệm trồng và kinh doanh cây cảnh.
Chúng tôi đến thăm trang trại của tỷ phú nông dân Phan Văn Khấn nơi xóm 3, xã Hải Phúc (Hải Hậu) - điển hình trong chăn nuôi trang trại tổng hợp. Giữa tiết xuân se lạnh, anh hồ hởi đón chúng tôi ra thăm trang trại nằm gần cửa Hà Lạn. Trong câu chuyện về con đường làm giàu của mình, anh kể: Năm 2003, khi địa phương có chủ trương chuyển đổi ruộng trũng sang làm kinh tế VAC, anh cùng với một số hộ nông dân trong xã được theo đoàn tham quan đi học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng ở Thái Bình. Trở về, anh tập trung vốn thuê dài hạn gần 1ha diện tích ruộng trũng của xã làm đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Do chưa có kinh nghiệm vụ nuôi đầu tiên thất bại, các hộ nuôi tôm trong xã đều trắng tay. Không chịu thất bại, anh quyết chí làm lại từ đầu. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và các cấp, các ngành, anh được giãn nợ ngân hàng để tập trung khôi phục lại ao đầm. Vụ nuôi năm 2004-2006, anh đổi hướng sang nuôi cua rèm. Với liên tiếp 2 vụ cua thắng lợi, anh đã trả được nợ ngân hàng và còn dư tiền để đầu tư nuôi vụ mới, tập trung cải tạo ao đầm. Đến nay, anh Khấn đã có 1 trang trại rộng 3,7ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Anh đào ao thả cá gần 1ha, tập trung vào cá truyền thống dễ nuôi, cho hiệu quả như cá trắm, cá trôi, rô phi, chim trắng, diêu hồng..., đồng thời xây 1 dãy chuồng nuôi vịt siêu trứng. Với mô hình chăn nuôi tổng hợp này, mỗi năm trừ chi phí anh còn lãi 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ, với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Khấn cho biết, trong chăn nuôi, quan trọng nhất là phải nắm vững kiến thức về phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, trang trại của gia đình anh có đàn vịt 2.000 con, nuôi cá truyền thống, cá vược, cá diêu hồng, trồng cây cảnh… mỗi năm cho thu nhập 700-800 triệu đồng.
Thành công của những tỷ phú nông dân trong tỉnh là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của những người nông dân có tư duy mở thời hiện đại. Vượt qua những khó khăn thử thách, họ học hỏi, tích góp kinh nghiệm từ những thành công của người đi trước và cả từ trải nghiệm của chính bản thân để vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn