70 năm Quốc hội Việt Nam (kỳ 5)

05:02, 20/02/2016

[links()]

(Tiếp theo kỳ trước)

2.2.3. Đại biểu Quốc hội

So với Hiến pháp năm 1946 thì Hiến pháp năm 1959 đã quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Trước hết, nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội là 4 năm.

Đại biểu Quốc hội có quyền miễn trừ, cụ thể là không được bắt giam và truy tố đại biểu Quốc hội nếu không được sự đồng ý của Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian Quốc hội không họp. Tuy vậy, nếu vì phạm pháp quả tang mà đại biểu Quốc hội bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn có quyền chất vấn, theo đó, “các đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Hội đồng Chính phủ và các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ. Cơ quan bị chất vấn phải trả lời trong thời hạn năm ngày; trường hợp cần phải điều tra thì thời hạn trả lời là một tháng”. Luật Tổ chức Quốc hội tại Điều 42 còn quy định “lời chất vấn do Chủ tịch đoàn hoặc trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội thì do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển cho cơ quan bị chất vấn để trả lời trước Quốc hội hoặc trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III (20-5-1968). Ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Trường Chinh tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III (20-5-1968). Ảnh: Tư liệu

Đại biểu Quốc hội có quyền tham dự hội nghị HĐND các cấp nơi mình được bầu. Đây là điểm bổ sung quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với các cơ quan dân cử ở địa phương.

Luật Tổ chức Quốc hội cụ thể hóa chế độ trách nhiệm của đại biểu Quốc hội đối với nhân dân qua việc nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội. Theo quy định của luật, đại biểu Quốc hội phải thôi giữ chức vụ trong ba trường hợp như sau:

(a) bị cử tri bãi miễn nếu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Việc bãi miễn một đại biểu Quốc hội phải được quá nửa tổng số cử tri trong đơn vị bầu cử bỏ phiếu tán thành. Như vậy, trong trường hợp này thì cử tri có quyền trực tiếp bãi miễn mà không cần sự đồng ý của từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội như Hiến pháp năm 1946 đã quy định;

(b) đại biểu Quốc hội phạm pháp và bị tòa án phạt tù theo quy định tại Điều 46 của Luật Tổ chức Quốc hội;

(c) bị Quốc hội bãi miễn, theo đó, Quốc hội có thể xét định về những trường hợp đại biểu Quốc hội không xứng đáng là đại biểu Quốc hội.

Tuy vậy, trong điều kiện nào và ai có thể nêu vấn đề tổ chức cho cử tri bỏ phiếu tín nhiệm hoặc “xét định” sự tín nhiệm đối với đại biểu Quốc hội thì chưa được pháp luật quy định.

2.2.4. Kết quả hoạt động

i) Quốc hội khóa II (1960-1964)

- Bầu cử ngày 8-5-1960

- Tổng số đại biểu: 453, trong đó có 91 đại biểu miền Nam lưu nhiệm

Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

+ Công nhân: 13,8%
+ Nông dân: 12,9%
+ Trí thức: 28,4%
+ Đảng viên: 82,3%
+ Cán bộ chính trị: 35,2%
+ Dân tộc thiểu số: 15,4%
+ Quân đội: 4,5%
+ Phụ nữ: 13,5%
+ Thanh niên: 8,8%
+ Tôn giáo: 3,5%

Đây là khóa Quốc hội đầu tiên hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp 1959, là khóa đầu tiên cả nước thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng đề ra. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 14 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Quốc hội thành lập Ủy ban dự án pháp luật và Ủy ban kế hoạch và ngân sách của Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ khóa II, ngoài hai Uỷ ban mà Quốc hội đã thành lập theo quy định của Hiến pháp 1959, Quốc hội đã thành lập thêm Uỷ ban Thống nhất (1963). Trong 4 năm hoạt động, với 8 kỳ họp, Quốc hội khóa II đã thay mặt nhân dân quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trên cương vị là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.

Quốc hội khóa II đã thông qua sáu đạo luật quan trọng về tổ chức của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương; sửa đổi bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh mới. Đó là: Luật Tổ chức Quốc hội (1960); Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ (1960); Luật Tổ chức TAND (1960); Luật Tổ chức Viện KSND (1960); Luật Tổ chức HĐND và Uỷ ban Hành chính các cấp (1962); Luật sửa đổi bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự (1962).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 9 pháp lệnh như Pháp lệnh về việc bầu cử HĐND các cấp; Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Viện KSND Tối cao; Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sĩ quan công an nhân dân vũ trang; Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy…

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) - cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hằng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của Nhà nước; phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan Nhà nước, bổ nhiệm các cán bộ cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư, khiếu tố của nhân dân, ân xá những phạm nhân đã cải tạo tốt.

Đất nước Việt Nam là một khối, Bắc - Nam thống nhất không thể chia cắt. Vì thế, Quốc hội đã tích cực đẩy mạnh mọi hoạt động nhằm đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng phong phú trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa. Quốc hội đã không ngừng nêu cao nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước và nhân dân, tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, đoàn kết với các nước dân tộc chủ nghĩa, kiên trì ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ la-tinh vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Bốn năm hoạt động của Quốc hội khóa II là một chặng đường lịch sử phát triển mới của đất nước nhằm đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà. Ghi nhận những kết quả to lớn mà Quốc hội đã đạt được trong những năm 1960-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Quốc hội khóa II là “Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”1.

ii) Quốc hội khóa III (1964-1971)

- Bầu cử ngày 26-4-1964

- Tổng số đại biểu: 453, trong đó có 87 đại biểu lưu nhiệm

Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

+ Công nhân: 12,4%
+ Nông dân: 24,5%
+ Trí thức: 26,8%
+ Đảng viên: 80,6%
+ Cán bộ chính trị: 19,2%
+ Dân tộc thiểu số: 16,6%
+ Quân đội: 5,0%
+ Phụ nữ: 16,7%
+ Thanh niên: 15,6%
+ Tôn giáo: 3,2%

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 15 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết và Ban Thư ký gồm 4 vị. Quốc hội thành lập 5 ủy ban: Uỷ ban Dự án pháp luật, Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách, Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban Thống nhất và Uỷ ban Văn hóa - xã hội.

Quốc hội khoá III hoạt động trong thời chiến, nên nhiệm kỳ của Quốc hội đã kéo dài đến quý I-1971. Trong 7 năm, Quốc hội đã họp 7 kỳ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên, nhưng đã thông qua rất nhiều nghị quyết quan trọng về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, về tổ chức hành chính, về nhân sự phục vụ sự nghiệp xây dựng miền Bắc, phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Lúc này, mọi yêu cầu nhiệm vụ về quân sự, kinh tế, chính trị… đòi hỏi phải được giải quyết kịp thời. Trước tình hình khẩn trương đó, tại phiên họp ngày 10-4-1965, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thêm một số quyền hạn trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện thuận tiện để họp. Theo đó, mối quan hệ giữa Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ ngày càng chặt chẽ và được duy trì thường xuyên. Những chủ trương, chính sách, những nhiệm vụ công tác lớn về chống Mỹ, cứu nước, về chính sách kinh tế thời chiến, về đấu tranh thống nhất, về đối ngoại đều được Chính phủ kịp thời báo cáo trước Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và được Quốc hội phê chuẩn nhanh chóng. Sự thống nhất giữa Quốc hội và Chính phủ là điều kiện quan trọng bảo đảm động viên kịp thời yêu cầu của chiến tranh.

Trong hoàn cảnh chiến tranh diễn ra ác liệt, Quốc hội và Chính phủ đã động viên quân và dân cả nước đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, hết lòng chi viện kịp thời và ngày càng lớn cho miền Nam đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ; tích cực làm nghĩa vụ quốc tế đối với cuộc chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Căm-pu-chia và nhân dân Lào anh em.

Trong giai đoạn này, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng nhằm tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đánh giá về công lao và sự đóng góp của Quốc hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Chủ tịch Tôn Đức Thắng nêu rõ: Quốc hội khóa III là Quốc hội đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và bảo đảm cho miền Bắc làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

iii) Quốc hội khóa IV (1971-1975)

- Bầu cử ngày: 11-4-1971
- Tổng số đại biểu: 420

Cơ cấu thành phần Quốc hội như sau:

+ Công nhân: 22,3%
+ Nông dân: 21,4% 
+ Trí thức: 17,1%
+ Đảng viên: 75,4%
+ Cán bộ chính trị: 24,05%
+ Dân tộc thiểu số: 17,3%
+ Quân đội: 6,4%
+ Phụ nữ: 29,7%
+ Thanh niên: 19,5%

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ này do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 5 Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, 17 Uỷ viên chính thức, 3 Uỷ viên dự khuyết và Ban Thư ký gồm 6 thành viên.

Quốc hội thành lập 6 ủy ban: Uỷ ban Dự án pháp luật, Uỷ ban Kế hoạch và ngân sách, Uỷ ban Thống nhất, Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban Văn hóa - xã hội. Ngày 5-2-1974, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thành lập thêm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội.

Trong 4 năm hoạt động, Quốc hội họp 5 kỳ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp 53 phiên và đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu của các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế; phê chuẩn các dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước hằng năm, góp phần quan trọng vào việc củng cố và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sức mạnh để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ, tiêu biểu là trận “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng 12-1972 buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Pari về Việt Nam. Quốc hội hoan nghênh và thông qua Nghị quyết về việc ký kết Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973). Hoạt động của Quốc hội đã góp phần quan trọng trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nhằm đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất Tổ quốc.

Kết quả hoạt động của Quốc hội khóa IV đã góp phần tạo thêm sức mạnh cho nhân dân ta thực hiện chiến lược tiến công, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào mùa xuân năm 1975, đánh đổ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ và thống nhất Tổ quốc.

iv) Quốc hội khóa V (1975-1976)

- Bầu cử ngày 6-4-1975
- Tổng số đại biểu: 424

Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

+ Công nhân: 22%
+ Nông dân: 21%
+ Trí thức: 22%
+ Đảng viên: 73%
+ Cán bộ chính trị: 23%
+ Dân tộc thiểu số: 16,7%
+ Quân đội: 6,5%
+ Phụ nữ: 32%
+ Thanh niên: 33%

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ này do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 6 Phó Chủ tịch, 11 Uỷ viên chính thức và 3 Uỷ viên dự khuyết.

Quốc hội thành lập 6 ủy ban: Uỷ ban Dự án pháp luật, Uỷ ban Kế hoạch và ngân sách, Uỷ ban Dân tộc, Uỷ ban Văn hóa - xã hội, Uỷ ban Thống nhất và Uỷ ban đối ngoại.

Quốc hội khóa V ra đời trong bối cảnh lịch sử miền Nam vừa mới giải phóng (30-4-1975) và hoạt động chưa đầy 2 năm (1975-1976). Quốc hội chỉ họp 2 kỳ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp 10 phiên, nhưng đã quyết định được nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã long trọng tuyên bố: “Hơn một trăm năm nay, đây là lần đầu tiên trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta không còn bóng một tên xâm lược, dân tộc ta hoàn toàn làm chủ vận mệnh của mình. Từ đây nhân dân ta đời đời sống trong độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và có tính thời đại của dân tộc Việt Nam ta”…

Quốc hội đã nghiên cứu, thảo luận đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1975 và quyết định kế hoạch Nhà nước năm 1976, năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm lần thứ hai, mở đầu thời kỳ xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa. Quốc hội đã phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 1975 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 1976; đồng thời quyết định cải tiến hệ thống các đơn vị hành chính, phê chuẩn việc giải thể cấp khu và hợp nhất một số tỉnh nhỏ thành tỉnh lớn theo chủ trương của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, trên cơ sở sự nhất trí giữa Quốc hội và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các cơ quan có trách nhiệm ở miền Nam, ngày 27-10-1975 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên họp đặc biệt để thảo luận, thông qua Đề án thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, cử đoàn đại biểu miền Bắc tham dự Hội nghị Hiệp thương với đoàn đại biểu miền Nam. Tại Hội nghị, 22 đại biểu của đoàn miền Nam và 14 đại biểu của đoàn miền Bắc đã trình bày quan điểm và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân đối với yêu cầu thống nhất nước nhà. Hội nghị đã khẳng định: “Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn vững chắc nhất”.

Tại kỳ họp thứ hai (tháng 12-1975), Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã vui mừng báo cáo kết quả của Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Quốc hội đã sôi nổi thảo luận và nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị Hiệp thương, mở ra thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam thống nhất.

Thành công của Hội nghị Hiệp thương và chính trị thống nhất Tổ quốc và kết quả của Hội nghị được Quốc hội phê chuẩn đã tạo nên một luồng không khí phấn khởi mới, động viên toàn dân hăng hái thi đua hoàn thành kế hoạch kinh tế Nhà nước và tích cực chuẩn bị để thực hiện kế hoạch bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất.

v) Quốc hội khóa VI (1976-1981)

- Bầu cử ngày 25-4-1976
- Tổng số đại biểu: 492

Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

+ Công nhân: 16,2%   
+ Nông dân: 20,3%          
 + Trí thức: 19,9%
+ Đảng viên: 81,4%
+ Cán bộ chính trị: 28,6%
+ Dân tộc thiểu số: 13,6%
+ Quân đội: 10,9%
+ Phụ nữ: 26%
+ Thanh niên: 11,7%

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã bầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch, Tổng thư ký, 13 Uỷ viên chính thức, 2 Uỷ viên dự khuyết.

Quốc hội thành lập 6 uỷ ban: Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách; Uỷ ban Dự án pháp luật; Uỷ ban Dân tộc; Uỷ ban Văn hóa và Giáo dục, Uỷ ban Y tế và Xã hội; Uỷ ban Đối ngoại.

Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định khóa Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI. Quốc hội quyết định đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Quốc ca là bài Tiến quân ca và chính thức đặt tên cho Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội. Đồng thời, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc thành lập Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ 5 năm (1976-1981), Quốc hội khóa VI đã họp 7 kỳ; Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban thường trực của Quốc hội cũng đã làm việc thường xuyên để nghiên cứu, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, như: thông qua nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980); phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác...

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 12-1980), Quốc hội đã thực hiện nhiệm vụ quan trọng là thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Hiến pháp 1980 đã khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ...”. Sự ra đời của Hiến pháp mới là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, là vũ khí sắc bén để toàn dân, toàn quân tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Với trách nhiệm của mình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 5 pháp lệnh: Pháp lệnh về việc xin ân giảm án tử hình và xét duyệt án tử hình; Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điểm về thuế công thương nghiệp và thuế sát sinh; Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung một số điều khoản của Pháp lệnh năm 1961 quy định thể lệ bầu cử HĐND các cấp và Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa VI cũng có những chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế. Điển hình là Quốc hội đã gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới và có những đóng góp tích cực tại các diễn đàn của tổ chức liên nghị viện này.

(còn nữa)

--------------------------------

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 172.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com